1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

“Soi” trực tiếp vào trách nhiệm CEO

Do thua lỗ quá nhiều mà tâm trạng nhà đầu tư đã ít nhiều bất mãn, vì vậy, ngòi nổ từ cổ đông có thể được châm lên bất cứ lúc nào.

“Soi” trực tiếp vào trách nhiệm CEO - 1
 
Soi vào hiệu quả kinh doanh

 

Đến thời điểm này, tuy chưa có thống kê chính thức nhưng theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, có khoảng 60% công ty niêm yết (DNNY) sụt giảm lợi nhuận. Điều này cho thấy, thắc mắc liên quan đến hiệu quả kinh doanh, đến chênh lệch giữa kế hoạch đặt ra và thực tế đạt được sẽ là nội dung nóng bỏng của ĐHCĐ năm 2012.

 

Hiện, các ngành như xây dựng, bất động sản, chứng khoán, vận tải biển, nhiệt điện, thủy điện đang có mức sụt giảm nặng nề nhất. Vì thế, độ “nóng” của mùa ĐHCĐ được dự báo sẽ tập trung trong các nhóm ngành kể trên.

 

Có thể khi trả lời chất vấn từ cổ đông, các DN sẽ viện dẫn những lý do từ khó khăn chung như lãi vay quá cao, tiêu thụ chậm, giá vốn tăng mạnh… Tuy nhiên, theo quan sát của ông Phạm Thứ Triệu, chuyên gia độc lập, nhà đầu tư đã không muốn nghe những điệp khúc đổ thừa quen thuộc đó nữa. Cái họ muốn biết là những nguyên nhân cụ thể khiến DN không thể hoàn thành được kế hoạch đặt ra.

 

Ví dụ, Kinh Đô (KDC) cần giải thích chi tiết hơn nguyên do lãi vay, trích lập dự phòng và chi phí quản lý lại có thể ăn mòn vào lợi nhuận, dẫn đến lợi nhuận của công ty mẹ cả năm bị thua lỗ. Hay CTCK SBS (SBS) sẽ phải giải trình rõ ràng với cổ đông về khoản lỗ kỷ lục, 610 tỷ đồng.

 

Do thua lỗ quá nhiều mà tâm trạng nhà đầu tư đã ít nhiều bất mãn. Đó là lý do vì sao một chuyên gia đã khuyến nghị, nếu còn muốn được cổ đông ủng hộ, DN cần phải minh bạch và sòng phẳng trước cổ đông. Đã qua rồi cái thời DN nói sao, cổ đông nghe vậy. Trình độ cổ đông giờ đã được nâng lên. Vì thế, nếu chất lượng trả lời chất vấn không được nâng lên, căng thẳng tại ĐHCĐ sẽ xảy ra.

 

Ngay cả khi DN thẳng thắn công khai thông tin, độ nóng của ĐHCĐ năm nay dự báo không giảm. Bởi lẽ, tình hình kinh doanh sa sút của DN sẽ ảnh hưởng lớn đến quyền lợi cổ đông. Nếu DN tính chuyện không trả cổ tức hoặc trả ở mức quá thấp so với các năm, ngòi nổ từ cổ đông có thể được châm lên bất cứ lúc nào.

 

Soi vào hiệu quả đầu tư

 

Trong vài năm gần đây, nhiều DNNY tìm mọi cách tăng vốn cổ phần liên tục trong khi chưa thực sự có dự án đầu tư hiệu quả. Điều này dẫn đến việc vốn cổ phần ngày càng tăng, nhưng tỷ lệ ROE và EPS ngày càng giảm. Theo các chuyên gia, những DN có tỉ lệ tăng vốn nhanh nhưng ROE, EPS giảm có thể sẽ đối mặt với những chất vấn về hiệu quả đầu tư, tiến độ dự án, về hiệu quả sử dụng vốn.

 

Thực tế, trong năm 2010 và 2011, nhiều DN đã phát hành thêm cổ phiếu cho những mục đích rất hứa hẹn. Tuy nhiên, khi đối chiếu với thực tế, có không ít kế hoạch chỉ là bánh vẽ. Có thể kể ra các trường hợp như ở CTCP Xây dựng hạ tầng Sông Đà (SDH), CTCP Tập đoàn Đầu tư Thăng Long (TIG)...

 

Các DN sẽ phải có giải trình hợp lý nhất. Tuy nhiên, mức độ không hài lòng và cả phản bác là điều khó tránh khỏi khi rành rành DN đã không thực hiện theo đúng điều đã cam kết trước cổ đông,

 

Vai trò của ban điều hành

 

Soi vào quản trị DN được dự báo là chủ đề nóng bỏng của mùa ĐHCĐ năm nay. Lý do, chỉ tính riêng sàn TP. HCM, đã có 60% DNNY vi phạm công bố thông tin. Cùng với đó, một loạt sự kiện tiêu cực xảy ra ở CTCP Dược phẩm Viễn Đông (DVD), CTCP Vitaly (VTA), CTCP Nhựa Tân Hóa (VKP), CTCP Xây dựng công nghiệp Descon (DCC)… khiến cổ đông không thể tin tưởng hoàn toàn vào bộ máy lãnh đạo DN.

 

Thực tế, điểm quản trị DN mà IFC chấm cho 100 DNNY có vốn hóa lớn nhất thị trường cũng chỉ dưới ngưỡng trung bình. Trong đó, tính minh bạch về thông tin, trách nhiệm của lãnh đạo khi để xảy ra sai phạm, phản ứng của lãnh đạo trước điều kiện thị trường, khả năng chèo lái của lãnh đạo DN trước khó khăn... là những điều cần xem lại.

 

Cổ đông sẽ dò xét khả năng tự kiểm điểm, tự điều chỉnh, hướng khắc phục từ lãnh đạo DN. Ngoài ra, những vẫn đề liên quan đến hoạt động DN như ở lại hay rời sàn, chuyển đổi ngành nghề kinh doanh, kế hoạch mua bán sáp nhập được dự báo sẽ là những chủ đề quan trọng trong mùa ĐHCĐ năm nay.

 

Dù biết rằng cổ đông lớn vẫn có vai trò chi phối và chưa hẳn tiếng nói của mọi cổ đông đều được lắng nghe. Tuy nhiên, tranh luận và phản ứng của cổ đông tại ĐHCĐ có thể sẽ gợi mở nhiều điều và làm xoay chuyển tình thế. Đặc biệt, ở những DN có tính đại chúng cao, cổ đông nhỏ đã biết, khi, cần thiết họ có thể hợp sức tạo sức ép lên ban lãnh đạo công ty. Các chuyên gia nhận định, đây sẽ là cao trào của sức nóng mùa ĐHCĐ năm nay.

 

Theo Ngọc Thủy

ĐTCK