1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

"Soi lỗ" đại gia địa ốc: Tốt vay, dày nợ!

Từng được xem là “thế chân vạc” của thị trường bất động sản một thời, các đại gia địa ốc như HUD, Vinaconex, Sông Đà hiện đang lâm vào tình trạng nợ nần bởi chính những dự án khủng.

“Ôm” nhiều thì yếu

 

UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa có công văn hỏa tốc gửi Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) đòi khoản nợ hơn 78 tỷ đồng tiền sử dụng đất và 4,5 tỷ đồng tiền nợ phạt chậm nộp tại Dự án Khu đô thị Bắc TP. Hà Tĩnh.

 

Toàn bộ số tiền sử dụng đất (214 tỷ đồng) của HUD tại dự án này bị Cục Thuế tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu nộp trước ngày 31/12/2013, nhưng HUD xin “khất” đến tháng 11/2014 do tình hình thị trường bất động sản trầm lắng, chủ đầu tư không thể cân đối được nguồn thu để nộp tiền sử dụng đất cho địa phương.

 

Soi lỗ đại gia địa ốc: Tốt vay, dày nợ!
Nợ ngắn và dài hạn của Vinaconex tính đến hết quý III/2013 gấp 3,5 lần vốn chủ sở hữu. Ảnh: Đức Thanh

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

 

Đây chỉ là một trong hàng chục dự án do HUD làm chủ đầu tư trên địa bàn cả nước. Số tiền sử dụng đất mà HUD phải trả cho các dự án này là không nhỏ, đặc biệt là trong thời điểm thị trường bất động sản trầm lắng như hiện nay.

 

Giữa năm 2013, HUD cũng đã vướng phải rắc rối với đối tác là Công ty cổ phần BIC Việt Nam trong việc thực hiện Dự án nhà ở xã hội Tây Nam Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội). Dự án xây dựng trên phần đất 20% dành cho dự án nhà ở xã hội của Khu đô thị Linh Đàm do HUD đầu tư hạ tầng kỹ thuật.

 

Mặc dù 2 bên đã có thỏa thuận về kế hoạch đầu tư xây dựng và động thổ dự án từ ngày 28/5/2013, nhưng sau đó, HUD đã từ chối bàn giao mặt bằng để BIC Việt Nam vào thi công xây dựng.

 

Có thông tin cho rằng, HUD từ chối bàn giao mặt bằng do chưa được UBND TP. Hà Nội thanh toán kinh phí theo suất đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho dự án.

 

Ở một dự án tai tiếng khác của HUD là Khu đô thị mới Phú Mỹ (Quảng Ngãi). Năm 2009, UBND tỉnh Quảng Ngãi có quyết định thu hồi đất giao cho HUD, đến nay, Dự án mới ở giai đoạn san lấp mặt bằng. Tỉnh Quảng Ngãi đã nhiều lần đốc thúc, nhưng Dự án vẫn án binh bất động.

 

Một đại gia bất động sản khác đã và đang phải tìm cách bán bớt dự án là Vinaconex. Dự án bất động sản đầu tiên mà Vinaconex phải bán là Khu đô thị Park City (vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng) tại Hà Đông, Hà Nội. Trong thương vụ này, Vinaconex chuyển nhượng 3,75 triệu cổ phiếu (tương đương 25% vốn điều lệ tại Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị Vinaconex Hoàng Thành, chủ đầu tư Dự án Park City tại quận Hà Đông (Hà Nội) cho Công ty Perdana (thuộc Samling, tập đoàn khai thác gỗ lớn nhất của Malaysia). Sau khi chuyển nhượng, Park City trở thành dự án 100% vốn nước ngoài thuộc Perdana.

 

Một dự án bất động sản khủng khác được Vinaconex rao bán là Splendora tại Hoài Đức (Hà Nội).

 

Từ đầu năm 2013, Vinaconex đã “đánh tiếng” bán lại phần góp vốn của Tổng công ty (tương đương 50% vốn điều lệ) tại Công ty Liên doanh TNHH Phát triển Đô thị mới An Khánh (An Khánh JVC, chủ đầu tư Dự án Khu đô thị mới Bắc An Khánh - Splendora).

 

Đây là dự án đầu tư xây dựng khu đô thị cao cấp kết hợp trung tâm, văn phòng thương mại nằm ở phía Tây Thủ đô, thuộc huyện Hoài Đức. Khu đô thị có tổng diện tích 246 ha, với tổng vốn đầu tư hơn 2 tỷ USD, nhưng sau 1 năm thông báo, vẫn chưa có đơn vị nào nhận chuyển nhượng cổ phần tại An Khánh JVC của Vinaconex.

 

Tốt vay, dày nợ

 

Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2013 của Vinaconex, nợ ngắn hạn và nợ dài hạn của đơn vị này là 18.913 tỷ đồng, gấp 3,5 lần vốn chủ sở hữu và chiếm 74% tổng tài sản.

 

Trong quý này, doanh thu thuần của Vinaconex đạt 2.700,7 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2012. Tuy nhiên, lãi vay tăng tương ứng với gần 24%, khiến mức lãi gộp chỉ còn tăng 10% so với cùng kỳ, đạt 366,5 tỷ đồng. Doanh thu từ hoạt động tài chính giảm mạnh 67%, xuống còn 59,3 tỷ đồng, nhưng bù lại, chi phí tài chính cũng giảm mạnh, chỉ bằng 48,5% so với cùng kỳ, ở mức 202,8 tỷ đồng; chi phí quản lý cũng giảm 34% xuống còn 104,5 tỷ đồng, nên hoạt động kinh doanh của Vinaconex trong quý III/2013 ghi nhận lãi gần 66 tỷ đồng (quý III/2012 Công ty lỗ 115,8 tỷ đồng).

 

Chi tiết các khoản nợ của HUD không được tiết lộ cụ thể, nhưng tình hình tài chính của đơn vị này cũng đang là một dấu hỏi lớn khi Bộ Xây dựng giữa năm 2013 đã phải đề nghị Bộ Tài chính ứng vốn từ Quỹ Tích lũy trả nợ nước ngoài của Chính phủ để trả nợ thay cho HUD, với số tiền gốc và lãi khoảng 5,4 triệu USD.

 

Tại Tổng công ty Sông Đà, sau khi dừng thí điểm mô hình tập đoàn chuyển lại về mô hình Tổng công ty đã bị Thanh tra Chính phủ kiến nghị xử lý các nghĩa vụ tài chính với số tiền hơn 10.000 tỷ đồng... Trừ Vinaconex (là công ty cổ phần), nghĩa vụ tài chính và những khoản nợ của các tổng công ty này đang từng ngày làm đầy thêm gánh nợ cho ngân sách quốc gia.

 

Những đơn vị như Tổng công ty Sông Đà cũng đang phải đối mặt với sức ép nợ nần từ hàng loạt dự án đầu tư bất động sản dở dang, như Khu đô thị Tiến Xuân (Thạch Thất, Hà Nội), Khu đô thị mới Nam An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội), Dự án Khách sạn Sông Đà - Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), Khu đô thị Đồng Quang (Quốc Oai, Hà Nội).

 

Đây là các dự án đã được quy hoạch nhiều năm, đang giải phóng mặt bằng hoặc đã khởi công xây dựng, nhưng tất cả đều còn dở dang. UBND tỉnh Quảng Ninh mới đây đã yêu cầu chủ đầu tư Dự án Khách sạn Sông Đà - Hạ Long phải lên tiếng về tiến độ của Dự án, có cam kết cụ thể với tỉnh Quảng Ninh. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc cảnh cáo, nếu chủ đầu tư không thực hiện đúng cam kết về tiến độ, UBND tỉnh sẽ thu hồi Dự án. Tuy nhiên, nguồn lực nào ngoài việc đi vay để đầu tư xây dựng các dự án này theo đúng cam kết vẫn còn là câu hỏi để ngỏ.

 

Theo Hà Quang

Đầu tư
 
VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm