Sôi động thị trường bất động sản khu công nghiệp
Trái với không khí trầm lắng của thị trường căn hộ và chung cư cao cấp, thị trường bất động sản khu công nghiệp lại đang rất sôi động khi nhu cầu thuê đất và nhà xưởng xây sẵn của các nhà đầu tư nước ngoài rất lớn.
Hiện hầu hết các khu công nghiệp, khu chế xuất ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương đều đang trong tình trạng quá tải với hiệu suất sử dụng đạt gần 100%.
Nhu cầu tăng đã đẩy giá thuê đất tại nhiều khu công nghiệp lên từ 30-50% so với thời điểm cách đây một năm.
Hiện giá thuê đất tại Khu Chế xuất Tân Thuận đạt mức cao nhất là trên 100 USD/m2/năm, tiếp đó là đến Khu Công nghiệp Tân Bình, Linh Trung (TPHCM), Việt Nam - Singapore (Bình Dương).
Giá thuê nhà xưởng cũng được đà leo thang, nhất là ở Khu công nghiệp Amata (Đồng Nai) và một số khu công nghiệp ở TPHCM.
Theo ông Đặng Ngọc Thành, Phó Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư phát triển công nghiệp thương mại Củ Chi - chủ đầu tư Khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi, hầu hết các doanh nghiệp nước ngoài đều muốn thuê đất ở các khu công nghiệp, dù phải thuê với giá cao.
Điều này được lý giải là do ở đây có hệ thống dịch vụ phụ trợ tốt, thủ tục thuê nhanh gọn, đơn giản và nhất là họ sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi về thuế.
Để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư, một loạt khu công nghiệp đang tích cực đầu tư mở rộng diện tích như Tân Tạo, Vĩnh Lộc, Tân Phú Trung, Tây Bắc Củ Chi.
Dự báo, thị trường bất động sản khu công nghiệp sẽ tiếp tục sôi động trong nhiều năm tới do Việt Nam đang là một trong những điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư nước ngoài.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 4 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã thu hút được gần 7,6 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, tăng 41% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó bất động sản tiếp tục là lĩnh vực thu hút nhiều vốn đầu tư nhất.
Ông Nguyễn Đăng Sơn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quy hoạch đô thị và phát triển hạ tầng, cho biết Chính phủ đang rất quan tâm đến vấn đề xây dựng hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất.
Theo kế hoạch, quỹ đất dành cho khu công nghiệp và khu chế xuất sẽ tăng lên 65.000 ha vào năm 2010 và 80.000 ha vào năm 2020. Đến năm 2015, dự kiến sẽ xây dựng 113 khu công nghiệp mới và cải tạo, mở rộng 27 khu công nghiệp cũ. Các khu mới sẽ được tập trung xây dựng tại các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh và Đồng Nai.
Cả nước hiện có hơn 150 khu công nghiệp và khu chế xuất đang hoạt động với tổng diện tích khoảng 320.000ha ở 55 tỉnh, thành phố, trong đó đã có 21.700ha đã được lấp kín.
Theo TTXVN