Sôi động phiên giao dịch vàng đầu tiên
Sáng 25/5, Sàn giao dịch vàng đã chính thức đi vào hoạt động. Sàn giao dịch vàng đã thu hút sự quan tâm của giới đầu tư không những tại TPHCM mà các tỉnh thành khác như Đồng Nai, Hà Nội... Tuy nhiên hầu hết các nhà đầu tư (NĐT) ra về với tâm trạng thất vọng vì không được tham gia giao dịch.
Giá vàng SJC mua/bán mở cửa ngày 25/5 do Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn công bố là 12,8/12,86 triệu đồng/lượng và đến 10 giờ, giá được điều chỉnh lên 12,81/12,87 triệu đồng/lượng.
Diễn biến phiên giao dịch đầu tiên của Sàn giao dịch vàng Sài Gòn diễn ra hết sức sôi động. 100 lượng vàng SJC đầu tiên được khớp lệnh với giá 12,83 triệu đồng/lượng. Đến 9h30, 1.000 lượng vàng được rao mua với giá 12,826 triệu đồng/lượng; 300 lượng vàng được rao bán với giá 12,84 triệu đồng/lượng và 300 lượng vàng rao bán với giá 12,85 triệu đồng/lượng. Ở thời điểm này, 100 lượng vàng được khớp lệnh với giá 12,825 triệu đồng/lượng...
Cứ như vậy, giá liên tục được khớp, lúc thì 12,835 triệu đồng/lượng, lúc thì 12,833 triệu đồng/lượng... Bước nhảy về giá được điều chỉnh là 1.000 đồng/lượng thay vì 5.000 đồng/lượng như công bố trước đây.
Kết thúc phiên giao dịch vàng buổi sáng có khoảng 4.900 lượng vàng được khớp lệnh và tổng khối lượng khớp lệnh trong ngày là 7.250 lượng với tổng giá trị giao dịch hơn 93 tỉ đồng.
Nhiều NĐT chăm chú theo dõi bảng điện và trao đổi với nhau về sàn giao dịch vàng quá mới này. Hầu hết các NĐT được hỏi đều cho biết đến để tìm hiểu thông tin, cách thức giao dịch.
Ông Dương Văn Tâm - Tiệm vàng Chiêu Dương, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai - cho biết: "Mức giá giao dịch trên sàn khá tốt. Giá trên sàn chưa đến mức 12,83 triệu đồng/lượng nhưng giá ngoài thị trường (cùng thời điểm) là 12,84 triệu đồng/lượng. Nếu mua trên sàn và bán ra ngoài thị trường thì đã có lời. Kinh doanh vàng ở ngoài thị trường chỉ cần chênh lệch 5.000 đồng/lượng là đã "quá ngon".
Giá vàng trong và ngoài nước hiện nay có liên thông với nhau. Tuy nhiên sự chênh lệch giá vàng giữa các tỉnh thành trong nước với nhau còn khá phổ biến và điều này đã gây ra thiệt hại cho người tiêu dùng. Chẳng hạn, để có 100 lượng vàng thanh toán tiền nhà đất, người tiêu dùng tại Cần Thơ có thể trả cao hơn 10 triệu đồng so với người tiêu dùng tại TPHCM. Sàn giao dịch vàng sẽ giúp cho người dân có thể mua vàng với giá hợp lý nhất".
Tuy nhiên, ông Dương Văn Tâm bày tỏ thất vọng: "Sàn giao dịch vàng chưa nhận đăng ký mở tài khoản giao dịch cho các NĐT dù là tổ chức hay cá nhân. Chỉ 9 thành viên ban đầu giao dịch với nhau và họ có thể san sẻ rủi ro cho nhau. Nhà tổ chức cũng cần công bố thông tin này để các NĐT không phải mất công đến sàn đông như sáng nay".
Một NĐT tên Hai chỉ tay vào một người bạn nói: "Bạn tui, chuyên đầu tư vàng qua tài khoản, vừa ở Hà Nội vào để xem cách thức hoạt động của sàn giao dịch vàng và đăng ký tham gia. Thế nhưng quá thất vọng vì sàn chưa cho NĐT đăng ký tham gia. Thật ra, kinh doanh trên thị trường vàng rủi ro hơn so với chứng khoán vì không bị khống chế bởi biên độ giá vì thế đòi hỏi người chơi phải am hiểu thị trường".
Giải thích về điều này, ông Lý Xuân Hải - Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), đại diện các thành viên tại Sàn giao dịch vàng, cho biết: "Sàn giao dịch vàng Sài Gòn vẫn chưa nhận đăng ký của các NĐT bởi phần mềm quản lý các NĐT hiện nay vẫn chưa xong.
Có thể đầu tháng 6, phần mềm này sẽ xong và lúc đó chúng tôi mới nhận đăng ký của các NĐT. Các đơn vị đăng ký làm thành viên của sàn phải có giấy phép kinh doanh vàng". Một chuyên gia vàng nhận xét, do khối lượng giao dịch tối thiểu được quy định khá thấp (10 lượng vàng) sẽ thu hút số lượng lớn NĐT tham gia, có thể gây quá tải cho hệ thống. Vấn đề này cần được tính đến.
Theo Thanh Xuân
Báo Thanh niên