1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

“Sốc” với giá đất dọc đường Lê Văn Lương

Sau khi thông xe đường Lê Văn Lương kéo dài, nhiều người nghĩ giao dịch BĐS nơi đây sẽ vô cùng sôi động. Nhưng thực tế trái ngược hẳn.

Giá đất bị đẩy lên quá cao, vượt khả năng chi trả của những người có nhu cầu thực dẫn tới tình trạng người đến hỏi thì nhiều mà người mua thì hầu như không có.

“Sốc” với giá đất dọc đường Lê Văn Lương - 1
Hầu hết những người có nhu cầu thực đều không thể mua nổi đất tại khu vực này.

Giá đất bị đẩy lên quá cao

Theo khảo sát của PV, giá chào bán ở một số khu vực quanh trục đường Lê Văn Lương kéo dài như Văn Khê, Văn Phú, Xa La… đều tăng từ 20 - 25%, thậm chí, một số nơi giá đất tăng đến 50% so với tháng trước.

Điển hình như giá đất dịch vụ Vạn Phúc trước thông xe là 25 – 30 triệu đồng/m2, hiện đang chào bán với giá 47 triệu/m2 (đất chưa phân lô). Mặt đường Vạn Phúc (đầu đường Lê Văn Lương kéo dài) hồi tháng 9 ở mức 120 triệu đồng/m2 nay tăng lên 200 triệu đồng/m2.

Chung cư Văn Khê hồi tháng 9 chỉ khoảng 20 - 22 triệu đồng/m2 đến nay giá thấp nhất là 25 triệu đồng. Chỉ trong vòng 3 - 4 tuần, đất liền kề Văn Khê từ hơn 60 triệu đồng lên đến 75 - 85 triệu đồng/m2 tùy diện tích. Khu vực Xa La giá chào bán chung cư cũng tầm 20 - 21 triệu đồng. Liền kề Văn Phú cũng tăng từ 42 - 43 triệu đồng lên 55 – 57 triệu đồng/m2.

Tại khu đô thị An Hưng, giá đất liền kề đường nhỏ có giá 59 – 60 triệu đồng/m2, mặt đường lớn có giá 83 - 85 triệu đồng/m2, tăng khoảng 3 triệu so với tuần trước. Giá biệt thự tại đô thị Mỗ Lao trên 100 triệu đồng/m2. Giá chênh căn hộ UCity cũng bị đẩy lên tới 300 triệu đồng tùy diện tích.

Chiến thuật của các nhà đầu tư

Chị Hương, Giám đốc Trung tâm tư vấn BĐS Hương Tùng cho biết, kể từ khi thông xe, giá BĐS khu vực đường Lê Văn Lương kéo dài bị đẩy lên cao một cách chóng mặt, hầu hết những người có nhu cầu thực đều không thể mua nổi đất tại khu vực này. Đây là nguyên nhân cơ bản khiến tỷ lệ giao dịch thành công của các dự án quanh đường mới thông chưa cao.

Lý giải việc này, chị Hương cho hay, theo quy luật, giá đất sẽ “ăn theo” hạ tầng và vị trí. Khi sự kết nối hạ tầng được đồng bộ, kết nối trung tâm dễ dàng hơn khiến đất quanh trục đường mới thông “nóng” hơn.

Anh Nguyễn Hữu Tùng, Công ty TNHH Showa than thở: “Giá đất khu vực này liên tục bị đẩy lên cao, với số tiền hơn 1 tỷ đồng, tôi không thể mua được căn hộ nào”.

Theo ông Nguyễn Thế Giang, Phó giám đốc đầu tư sàn giao dịch BĐS Shodex Tây Bắc, việc giá một số dự án dọc đường Lê Văn Lương kéo dài bị đẩy lên quá cao là do “chiến thuật” cung hàng nhỏ giọt của chủ đầu tư dự án, đồng thời còn có sự hợp tác “đẩy” giá của các nhà đầu tư lớn.

Ông Giang đưa ra dẫn chứng, dự án KĐT Dương Nội khi mới đưa ra thị trường, chủ đầu tư chào giá 45 triệu đồng/m2 liền kề. Mỗi lần cung hàng tiếp theo, họ chỉ đưa ra bán một vài ô và sau đó dừng bán khiến cho thị trường rất khan hàng. Trong bối cảnh như vậy lại xuất hiện hiện tượng một số nhà đầu tư lớn rót mấy chục tỷ đồng vào dự án nhằm kích thích thị trường, tạo nên những cơn “sốt” giá cục bộ.

Ông Giang cũng khẳng định: “Các chủ đầu tư không bao giờ bán trực tiếp cho người dân có nhu cầu thực mà thường thông qua các nhà đầu tư. Các nhà đầu tư lại bán lại qua 3 – 5 khâu trung gian rồi mới đến tay người có nhu cầu thực nên giá đất ở khu vực này bị đẩy lên cao là điều đương nhiên”.

Cũng ở khía cạnh là một nhà đầu tư, ông Giang cho rằng, Nghị định 71 đã thắt chặt tình trạng đầu cơ, nâng giá thì mới đây, Thông tư 16 do Bộ Xây dựng ban hành có hiệu lực từ ngày 15/10 lại “cởi trói” khiến thị trường trở nên thiếu minh bạch.

Hơn nữa, nếu việc niêm yết thông tin dự án và giá căn hộ được chủ đầu tư thông báo bằng văn bản để chính quyền và người dân theo dõi thì giá đất sẽ không thể tăng “ảo” như hiện nay.

Theo Lưu Vân
DĐDN

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm