"Số phận" của GP. Bank vẫn chưa được định đoạt
(Dân trí) - Ngân hàng nhà nước đang cân nhắc, chưa có quyết định về việc tái cơ cấu Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GP.Bank). Cơ quan điều hành tiền tệ cũng cho biết, “sẽ có những biện pháp áp dụng mạnh hơn” đối với các tổ chức tín dụng không thể tự tái cơ cấu.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: TPHCM: Xây thêm cầu nối với Thủ Thiêm? Người Việt ở Ukraine mong tình hình sớm ổn định |
Hiện 8 trong 9 ngân hàng yếu kém đã được xử lý xong khi hoàn thành các phương án như tự cơ cấu, hợp nhất, sáp nhập... Riêng còn một ngân hàng đề xuất tái cơ cấu theo phương án có sự tham gia 100% vốn nước ngoài (ở đây là Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu - GP.Bank) thì Ngân hàng Nhà nước đang cân nhắc.
Theo đại diện Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng Nhà nước, GP.Bank đã trình phương án tái cơ cấu, theo hướng có sự tham gia vốn của đối tác nước ngoài.
“Trong bối cảnh nguồn lực tái cơ cấu của Nhà nước còn hạn chế, Nghị định 01 về góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài mới được ban hành đầu năm cũng đã có cơ chế mở cho các trường hợp tái cơ cấu. Theo đó, với trường hợp mà các tổ chức tín dụng nước ngoài tham gia vào tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém ở Việt Nam thì, Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét đối với từng trường hợp cụ thể”, đại diện Ngân hàng Nhà nước nói.
Và với trường hợp của GP.Bank, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước sẽ có quyết định sớm nhất có thể.
Ngoài ra, trong kế hoạch tái cơ cấu 2014, Ngân hàng Nhà nước cũng đã xác định, trong trường hợp tổ chức tín dụng không có khả năng thực hiện được phương án hay phương án trình không được phê duyệt vì một lý do nào đó thì sẽ có những biện pháp áp dụng mạnh hơn.
Một trong số đó là, Ngân hàng Nhà nước có thể can thiệp trực tiếp như góp vốn hoặc chỉ định một ngân hàng khác góp vốn, hoặc yêu cầu hợp nhất, sáp nhập với một tổ chức tín dụng khác... Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, kể từ ngày 20/9 tới, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có quyền chỉ định tổ chức tín dụng tham gia góp vốn, mua cổ phần hoặc trực tiếp tham gia góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng bị kiểm soát đặc biệt.
Trong đó, tổ chức tín dụng được chỉ định thực hiện góp vốn, mua cổ phần bắt buộc bằng tiền hoặc thông qua việc chuyển đổi một phần hoặc toàn bộ dư nợ các khoản tiền gửi, cho vay tại các tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt. Tổ chức tín dụng được chỉ định sử dụng vốn điều lệ và quỹ dự trữ để góp vốn, mua cổ phần theo quy định của pháp luật.
Theo đánh giá của một số chuyên gia tài chính, việc Ngân hàng Nhà nước “mạnh tay” với các tổ chức yếu kém là điều kiện cần thiết hiện nay. Do đó, với với lộ trình tái cơ cấu ngân hàng, thị trường ngân hàng sẽ chứng kiến cả sự khai tử của nhiều tổ chức tín dụng, nhất là các công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính.
Còn nhớ, trả lời kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 3, thứ 4 và thứ 3, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết: Ngân hàng Nhà nước đã xác định thêm 2 ngân hàng và 6 tổ chức tín dụng phi ngân hàng yếu kém. Đây là các tổ chức tín dụng hoạt động hiệu quả thấp, nợ xấu cao trong thời gian qua.