1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

"Sở hữu Bitcoin vẫn còn thực tế hơn đất trên mặt trăng"

(Dân trí) - Chủ tịch SSI cho rằng, Việt Nam cần sớm có khung pháp lý thừa nhận Bitcoin là một loại hàng hoá và bắt buộc giao dịch qua sàn giao dịch tập trung để nhà nước giám sát và thu thuế, kiểm soát các nhóm tội phạm lừa đảo lợi dụng sự hiếu kỳ cũng như nhu cầu đầu tư thật của người dân.

Tiền ảo Bitcoin hiện vẫn bị cấm lưu hành tại Việt Nam.
Tiền ảo Bitcoin hiện vẫn bị cấm lưu hành tại Việt Nam.

Tính từ khi lập kỷ lục 4.921 USD ngày 1/9, giá trị của đồng tiền ảo Bitcoin đến nay đã mất 40%, tương đương 20 tỷ USD tổng giá trị. Riêng tuần này, giá giảm 30% khi Trung Quốc bắt đầu phát tín hiệu kiềm chế tiền ảo ngày 8/9. Tiền ảo đã có chuỗi mất giá dài nhất từ tháng 1/2015 – thời điểm giá mỗi đồng chỉ quanh 200 USD.

​Hồi đầu tuần, Bloomberg trích lời một nguồn tin thận cận cho biết, Trung Quốc đang lên kế hoạch cấm Bitcoin và các tiền ảo khác trên sàn giao dịch trong nước. Lệnh cấm này sẽ chỉ áp dụng với hoạt động trên sàn truyền thống, chứ không phải giao dịch phi tập trung (OTC).

Các nhà phân tích cho rằng, đây có thể là phát súng mở đầu cho việc các chính phủ trên thế giới kiềm chế tiền ảo – công cụ được cho là sử dụng trong lừa đảo và các hoạt động chợ đen.

Trên thế giới, cuộc tranh luận về tiền ảo vẫn chưa chấm dứt. Nhiều nhân vật nổi tiếng trong giới tài chính cũng lên tiếng cảnh báo về Bitcoin như CEO JPMorgan Chase & Co - Jamie Dimon hay tỷ phú đầu tư - Howard Marks. Trong khi đó, nhiều tỷ phú như Paul Krugman, Jamie Dimon hay Warren Buffett lại cho rằng tiền ảo là thứ “ác ma”, “trò bịp bợm” và “thứ ảo tưởng.

Bitcoin thách thức sự quản lý

Cho đến thời điểm này, tại Việt Nam, tiền ảo Bitcoin nói riêng, các loại tiền ảo như onecoin, ILCoin khác đều không được phép lưu hành, có giá trị thanh toán và bị cấm tại Việt Nam. ​Tuy nhiên, đà tăng giá liên tiếp của tiền ảo bitcoin đã khiến thị trường tiền ảo khác ngày càng trở nên hấp dẫn.

Bình luận về Bitcoin, trên trang cá nhân, ông "trùm chứng khoán" Nguyễn Duy Hưng Chủ tịch Công ty chứng khoán SSI cho rằng, nhiều nước, nhiều tổ chức tài chính đã không công nhận Bitcoin, thậm chí có nơi còn coi giao dịch Bitcoin là bất hợp pháp nhưng giá của đồng Bitcoin chỉ xuống trong ngắn hạn rồi lại quay đầu tăng trở lại.

Theo ông Hưng, nhìn vào sự tăng giá phi mã thời gian qua của Bitcoin chỉ có thể đưa ra kết luận là cầu Bitcoin đang lớn hơn cung rất nhiều, càng ngày càng nhiều người quan tâm mua Bitcoin và coi Bitcoin là dạng tài sản đầu tư và khi người ta có thể mua được thì có nghĩa là người ta có thể bán được mặc dù những thông tin về Bitcoin là rất tù mù.

"Điều này thực sự thách thức nhiều quốc gia đặc biệt là những quốc gia có các quy định về kiểm soát ngoại hối chặt như nước ta", ông Hưng bình luận.

Tuy nhiên, ông Hưng cho rằng, thực sự các quốc gia hay các tổ chức tài chính cũng chỉ có quyền duy nhất là chấp nhận hay phủ nhận thẩm quyền của mình với Bitcoin chứ tuyệt nhiên Bitcoin vẫn tồn tại độc lập với ý chí của họ.

"Mỹ, Nhật, Thụy Điển là các quốc gia đầu tiên cho phép giao dịch Bitcoin. Trong khi Trung quốc đang xem xét đóng cửa các sàn giao dịch Bitcoin. Nhưng xem ra cho phép hay không cho phép, chấp nhận hay không chấp nhận là quyền của mỗi quốc gia nhưng Bitcoin vẫn đang tồn tại trong đời sống thực, mặc dù mang tên là "tiền ảo", người sở hữu vẫn có thể chuyển thành tiền thực", ông cho biết.

Nên quản lý như một loại hàng hoá?

Cho rằng "sở hữu Bitcoin vẫn còn thực tế hơn nhiều sở hữu đất trên mặt trăng", ông Chủ tịch SSI cho rằng, Việt Nam cần sớm có khung pháp lý thừa nhận Bitcoin là một loại hàng hoá và bắt buộc giao dịch qua sàn giao dịch tập trung để nhà nước giám sát và thu thuế, kiểm soát các nhóm tội phạm lừa đảo lợi dụng sự hiếu kỳ cũng như nhu cầu đầu tư thật của người dân.

Cũng thể hiện quan điểm về vấn đề này, chuyên gia tài chính, TS Quách Mạnh Hào viết: "Bitcoin đơn giản là một loại hàng hóa. Nó có giá. Và người ta đã đẩy giá nó như một hàng hóa khan hiếm".

"Bitcoin và "gian hàng ảo" theo tôi thực ra không khác gì nhau. Trong một cộng đồng chấp nhận nó, thì từ "hàng hóa" nó có thể trở thành "phương tiện thanh toán" - nghĩa là tiền. Như vậy, để trở thành tiền tệ, điều quan trọng là nó phải được chấp nhận rộng rãi", ông Hào cho biết.

Theo TS Quách Mạnh Hào, lý do giá Bitcoin tăng mạnh là vì ai cũng nghĩ nó sẽ thành "tiền" và người ta kỳ vọng rằng hiện tại bỏ ra một ít tiền hôm nay, sau này nó có thể có nhiều tiền hơn khi nó thực sự được chấp nhận.

Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, lịch sử tiền tệ đã cho thấy con người ban đầu tạo ra tiền tệ phải dựa vào giá trị tự thân của nó (vàng, bạc) và sau này là dựa trên niềm tin (tiền giấy).

"Những đồng Bitcoin hay "gian hàng ảo" khó có thể nói là giá trị tự thân và việc kỳ vọng bitcoin trở thành "tiền" không thực sự dễ dàng. Đó là chưa nói tới các rào cản chính trị đến từ những vấn đề như chính sách tiền tệ, phát hành tiền... Tôi nghĩ Bitcoin sau này, nếu may mắn, sẽ giống như một loại "vàng" trong thế giới thực hiện nay hơn là tiền. Khi nó là "vàng ảo", nó là một loại hàng hóa và là nơi trú ẩn của cải. Và theo hướng này, chúng ta - Chính phủ thực ra chỉ cần quản lý nó như quản lý vàng", ông Hào nhận định.

Phương Dung