Singapore trả lại 26 tàu cao tốc của Trung Quốc do kém chất lượng

(Dân trí) - Theo nhật báo Straits Times (Singapore), 26 tàu cao tốc được sản xuất tại Trung Quốc vừa bị Singapore gửi trả để sửa chữa do chất lượng không đạt yêu cầu

Singapore từ lâu đã nổi tiếng là quốc gia có quy hoạch và quản lý giao thông đô thị vô cùng nghiêm ngặt, đồng thời đạt tiêu chuẩn an toàn cao. Ngày 5/7, tờ Straits Times đưa tin cho biết, chính phủ Singapore đã gửi trả lại tổng cộng 26 tàu cao tốc (mỗi tàu có 6 toa) được sản xuất tại Trung Quốc do kém chất lượng.

Đây là sản phẩm của Công ty Cổ phần Đường sắt China Southern Railway (CSR) Qingdao Sifang (Trung Quốc) hợp tác với Tập đoàn Kawasaki Heavy Industries của Nhật.

Trả lời phỏng vấn, ông Lee Ling Wee, Giám đốc điều hành dịch vụ đường sắt SMRT Trains cho biết: "Các kỹ sư của chúng tôi đã phát hiện ra 26 trong 35 tàu cao tốc của nhà sản xuất có vết nứt bên trong cấu trúc kết nối thân xe với giá chuyển hướng". Ông cũng cho biết, những tàu cao tốc này được chuyển tới Singapore và bắt đầu được sử dụng từ năm 2013.

Việc thu hồi các đoàn tàu cao tốc có thể sẽ dẫn đến thâm hụt tài chính và ảnh hưởng tới những kế hoạch nâng cao cơ sở hạ tầng của dịch vụ đường sắt tại Singapore.
Việc thu hồi các đoàn tàu cao tốc có thể sẽ dẫn đến thâm hụt tài chính và ảnh hưởng tới những kế hoạch nâng cao cơ sở hạ tầng của dịch vụ đường sắt tại Singapore.

"Kể từ khi phát hiện ra vấn đề, chúng tôi đã làm việc chặt chẽ với Cơ quan Giao thông vận tải và các nhà sản xuất Trung Quốc nhằm khắc phục vấn đề", ông Lee phản hồi. Ông cũng cho biết theo như hợp đồng được kí kết, các nhà sản xuất Trung Quốc sẽ có trách nhiệm phải sửa chữa/bảo dưỡng toàn bộ 35 tàu cao tốc cho đến hết năm 2023.

Theo thông tin từ trang FactWire, một số đoàn tàu cao tốc khác do Trung Quốc phân phối cũng bắt đầu xuất hiện vết rạn nứt tại cửa sổ một cách nhanh chóng sau khi đưa vào sử dụng. Vào năm 2011, một bộ pin phát điện của đoàn tàu do Trung Quốc sản xuất thậm chí đã phát nổ trong quá trình sửa chữa.

Mặc dù sau khi tai nạn xảy ra không có trường hợp bị thương, nhưng Công ty CSR Sifang đã được yêu cầu thay thế toàn bộ pin trên tàu bằng loại pin có chất lượng tốt hơn, được sản xuất từ Đức. Được biết những nguồn pin này sẽ cung cấp điện cho hệ thống đèn chiếu sáng và quạt thông gió trên tàu.

Việc thu hồi các đoàn tàu cao tốc có thể sẽ dẫn đến thâm hụt tài chính và ảnh hưởng tới những kế hoạch nâng cao cơ sở hạ tầng của dịch vụ đường sắt tại Singapore. Hiện SMRT Trains đang sở hữu 141 tàu cao tốc thuộc 2 tuyến đường Bắc - Nam và Đông - Tây.

Hiện vẫn chưa có bất kỳ phản hồi nào từ tập đoàn Kawasaki Heavy Industries - vốn là công ty điều phối quá trình cung cấp các chuyến tàu tới CSR Sifang. Trong khi đó, công ty thực hiện đơn đặt hàng cung cấp tàu từ các nhà sản xuất cũng chưa chính thức xác nhận thông tin trên.

Trước đó, hồi năm 2009, hai đơn vị này cũng đã kí kết hợp đồng, cung cấp 22 tàu cao tốc (mỗi tàu có 6 toa) cho tuyến tàu điện ngầm Bắc - Nam và Đông - Tây của Singapore với tổng chi phí lên tới 368 triệu USD.

Nguyễn Nguyễn
Theo The Straits Times