Siết bán khống chứng khoán: Chỉ là "ném đá ao bèo"
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) đã có những động thái siết lại hoạt động bán khống (short sales) trên thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên, nhiều thành viên trên thị trường cho rằng, những động thái trên chỉ là “ném đá ao bèo,” bởi những văn bản pháp luật chỉ tóm được “những người có tóc,” trong khi các đối tượng tham gia vào hoạt động bán khống là không công khai và thực hiện các giao dịch ngầm dưới các hình thức thỏa thuận.
(Ảnh minh họa)
Không thể kiểm soát giao dịch ảo
Mấy hôm nay, tại các sàn giao dịch, nhà đầu tư xôn xao về công văn mới của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành vào cuối tuần qua. Theo Công văn số 3229/UBCK-QLQ của Ủy ban, các tổ chức kinh doanh chứng khoán (công ty quản lý quỹ, công ty chứng khoán) không được thực hiện bán hoặc cho khách hàng bán chứng khoán khi không sở hữu chứng khoán và cho khách hàng vay chứng khoán để bán.
Xôn xao bàn tán cho có chuyện thế thôi chứ chẳng thấy dấu hiệu mảy may lo lắng hay vui mừng vì việc kinh doanh bị ảnh hưởng hay thị trường sẽ trở nên minh bạch hơn trên mặt các nhà đầu tư kỳ cựu. Nhiều người tỏ ra bình thản vì động thái này "chẳng qua cũng chỉ là một hòn sỏi ném xuống mặt nước vốn bình lặng, ảm đạm lâu nay," như nhà đầu tư Tường Văn bám sàn HSC ví von.
Ông Văn phân tích, bán khống đâu chỉ đơn giản là hoạt động nhà đầu tư bán những cổ phiếu chưa có trong tài khoản ở mức giá tốt và chờ giá xuống mua lại để hưởng chênh lệch. Bán khống hiện nay lách luật, biến tướng dưới nhiều dạng "giao dịch chui" nên không dại gì những đơn vị “có tóc” như công ty quản lý quỹ, công ty chứng khoán lại đứng ra công khai tổ chức hoạt động này.
Nguyên một giám đốc phụ trách khối giao dịch tại một công ty chứng khoán tầm trung tại Hà Nội cho biết, do hoạt động bán khống là phạm pháp nên một số công ty chứng khoán thường lách luật bằng cách mở ra một công ty tư vấn tài chính, thực hiện nhiệm vụ kéo các tài khoản chứng khoán về tạo thành một “kho hàng,” các môi giới của công ty chứng khoán chỉ đứng giữa làm trung gian liên kết nhà đầu tư với “kho hàng.”
Như vậy, công ty chứng khoán luôn vô can với hoạt động bán khống.
Bên cạnh đó, công văn của Ủy ban Chứng khoán cũng yêu cầu ngân hàng lưu ký, ngân hàng giám sát chỉ được thực hiện chỉ thị thanh toán, chuyển tiền, tài sản của khách hàng, nhà đầu tư ủy thác, quỹ đầu tư sau giao dịch về tài khoản của khách hàng, tài khoản quản lý danh mục và tài khoản của quỹ.
Bán khống là hoạt động đầu cơ của các nhà đầu tư, nhằm kiếm lời từ những khoản chênh lệch thông qua việc vay, mượn chứng khoán để bán trên thị trường và sau đó mua lại để trả nợ khi chúng giảm giá. Và về kỹ thuật, quy định trên là khá chặt chẽ và đủ sức mạnh để kiểm soát hoạt động bán khống.
Song một môi giới chuyên nghiệp lại chỉ ra, nhà đầu tư vay chứng khoán và bán khống, nhưng không thể kiểm soát được việc đối tượng cho vay có thực hiện giao dịch bán và mua chứng khoán trên thị trường hay không.
Theo chuyên viên môi giới này, “kho hàng” thậm chí là không nắm trong tay mã chứng khoán mà nhà đầu tư yêu cầu, nhưng họ vẫn có thể cho vay và yêu cầu nhà đầu tư ký quỹ một khoản tiền. Họ sẽ báo là lệnh bán của nhà đầu tư đã được thực hiện, nhưng thực tế đó chỉ là giao dịch ảo. Vì vậy, không một công cụ kỹ thuật nào của cơ quan chức năng có thể kiểm soát được những kiểu giao dịch như thế này.
"Chơi dao hai lưỡi" đầy rủi ro
Chẳng phải vô cớ tự nhiên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước siết lại hoạt động bán khống.
Trước đây, hoạt động này vẫn âm thầm tồn tại vì nó giúp nhà đầu tư kiếm được lợi nhuận từ việc dự báo đúng giá chứng khoán giảm. Thêm vào đó cũng giúp cho các nhà tạo lập thị trường có thể đáp ứng các nhu cầu mua của khách hàng đối với các chứng khoán mà nhà tạo lập thị trường hiện chưa sở hữu.
Bên cạnh đó, nó còn góp phần gia tăng thanh khoản, tăng tính hiệu quả của thị trường tài chính.
Tuy nhiên, liên tục các vụ kiện cáo tranh chấp xung quanh việc vay mượn chứng khoán xảy ra gần đây và đặc biệt, sự kiện ngày 21/8/2012, thị trường chứng khoán rơi vào đợt giảm điểm lịch sử sau khi ông Nguyễn Đức Kiên, cổ đông sáng lập Ngân hàng Á Châu bị bắt, đã cho thấy bán khống là trò "chơi dao hai lưỡi" đầy nguy hiểm.
Chỉ trong một tuần đen tối nói trên (21/8-28/8), VN-Index lao dốc, rơi một mạch từ mức 437 điểm xuống đáy 385 điểm và HNX-Index rơi từ mốc 70 điểm tới đáy 59 điểm.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước lập tức khuyến cáo về những phản ứng tiêu cực của giới đầu tư đã đẩy hàng loạt các mã chứng khoán giảm mạnh ở mức giá sàn. Nhà đầu tư có dấu hiệu bán tháo nhóm cổ phiếu ngân hàng và lan truyền sang các mã chứng khoán khác.
Ủy ban Chứng khoán cũng không loại trừ hoạt động lợi dụng diễn biến tâm lý lan truyền từ các thông tin chưa được kiểm chứng, các nhà đầu cơ trục lợi thông qua các hoạt động giao dịch nhằm thao túng thị trường và một trong những hình thức giao dịch “đổ dầu vào lửa” tại các phiên hoảng loạn này là hoạt động cho vay chứng khoán lẫn nhau để giao dịch, đặt biệt là tại nhóm cổ phiếu ngân hàng.
Bên cạnh việc kiếm lợi nhuận bất minh, lũng đoạn thị trường, việc bán khống khiến thị trường tiềm ẩn những rủi ro lớn bởi không phải lúc nào giá chứng khoán cũng giảm đúng như phán đoán của các nhà đầu tư. Trong trường hợp giá chứng khoán tăng, người bán khống sẽ bị lỗ vì phải mua lại chứng khoán với giá cao hơn để hoàn trả lại khối lượng chứng khoán đã vay, theo đó cũng dẫn đến những tranh chấp giữa người cho vay và người đi vay chứng khoán.
Chuyên viên môi giới trên chỉ ra, thực tế hoạt động mượn hàng bán, kỳ vọng thị trường xuống để ăn chênh lệnh có quá nhiều rủi ro và rất nhiều người đã bị mất trắng tiền ký quỹ. Ngoài ra, hai tháng trở lại đây việc vay, mượn trên thị trường tự nhiên khó khăn, các "kho hàng" cho biết họ đã bị cạn hàng.
Lý giải điều này, giám đốc phụ trách khối giao dịch của một công ty chứng khoán cho biết, thời gian qua không chỉ nhà đầu tư gặp rủi ro mà nhiều “kho hàng” cũng đã bị phá sản do những biến động bất ngờ. Như hồi đầu năm 2012, chứng khoán trên thị trường cứ ùn ùn tăng giá không cần biết lý do và vượt quá những khoản tiền nhà đầu tư ký quỹ.
“Các ‘kho hàng’ đã không kịp và thiếu nguồn lực để mua lại chứng khoán trả khách hàng, dẫn đến việc phải đóng cửa và lại dẫn tới hàng loạt các vụ kiện tụng cũng đã xảy ra,” vị giám đốc này nói.
Vì vậy, theo các thành viên thị trường, việc siết lại hoạt động bán khống của Ủy ban Chứng khoán là cần thiết nhưng cần phải có những giải pháp căn cơ, hiệu quả, chứ không chỉ dừng lại ở việc yêu cầu không bán (với công ty chứng khoán, quản lý quỹ); hoặc khuyến cáo không vay và cho vay chứng khoán để bán (đối với nhà đầu tư); hay cảnh cáo sẽ xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân (nếu bị phát hiện)!
Theo Linh Chi
Vietnam+