SHB quyết liệt thực hiện 4 trụ cột chiến lược

Trường Thịnh

(Dân trí) - Năm 2022, SHB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tối thiểu 11.686 tỷ đồng, tăng 87%; dự kiến chia cổ tức năm 2022 từ 18%. Ngân hàng sẽ tập trung thực hiện 4 trụ cột để tiếp tục phát triển.

Vừa qua tại Hà Nội, Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên lần thứ 30, nhiệm kỳ 2022-2027. Đây là kỳ đại hội đặc biệt của SHB, không chỉ quyết định những mục tiêu kinh doanh lớn năm 2022 sau những thành công đột phá của năm kinh doanh 2021, mà còn là đại hội mở ra những định hướng chiến lược mới trong toàn bộ hoạt động kinh doanh của SHB giai đoạn tới.

Dấu ấn 2021

Phát biểu tại đại hội, cổ đông Đặng Đình Hiệp cho rằng, trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, ảnh hưởng từ đại dịch đã tác động lớn đến nền kinh tế song SHB vẫn đạt những kết quả rất khả quan trong kinh doanh năm 2021 và có kế hoạch rất tham vọng cho năm kinh doanh 2022.

"Đây là những cố gắng rất lớn của hội đồng quản trị (HĐQT), ban điều hành SHB. Với tư cách là cổ đông, tôi đánh giá cao sự nỗ lực vượt bậc này. Tôi cũng xin cảm ơn HĐQT, ban điều hành, đặc biệt là Chủ tịch HĐQT Đỗ Quang Hiển đã rất cố gắng để SHB có kết quả kinh doanh tốt như năm vừa qua", ông Đặng Đình Hiệp nói.

Tính đến ngày 31/12/2021, tổng tài sản của SHB đạt 506.600 tỷ đồng, tăng 23% so với cuối năm 2020. Vốn tự có theo chuẩn Basel II đạt 53.114 tỷ đồng. Vốn điều lệ đạt 26.674 tỷ đồng, hoàn thành kế hoạch tăng vốn đã đề ra. Huy động vốn thị trường 1 đạt 379.000 tỷ đồng, tăng 12%; dư nợ cấp tín dụng đạt 369.000 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2020. SHB đã kiểm soát chặt chẽ chi phí hoạt động, đưa tỷ lệ chi phí hoạt động trên tổng thu nhập thuần (CIR) xuống 24,27%, là một trong các ngân hàng thương mại cổ phần kiểm soát chi phí tốt nhất.

SHB quyết liệt thực hiện 4 trụ cột chiến lược - 1
Ông Võ Đức Tiến - Phó chủ tịch HĐQT phụ trách điều hành SHB báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh 2021 (Ảnh: SHB).

Năm 2021, SHB đã thu hồi nợ và trích lập dự phòng để tất toán toàn bộ trái phiếu VAMC và Vinashin trước thời hạn, kiểm soát tốt chi phí, tích cực thu hồi nợ, tất toán nợ và kiểm soát chặt nợ xấu ở mức 1,69%. Lợi nhuận trước thuế của SHB đạt mức 6.260 tỷ đồng, tăng 91% so với cùng kỳ, hoàn thành 102% kế hoạch ĐHĐCĐ đề ra. Ngân hàng dự kiến chi trả cổ tức năm 2021 bằng cổ phiếu 15%.

Hai sự kiện đáng chú ý năm 2021 góp phần thành công vào kết quả kinh doanh của SHB được thị trường đánh giá rất cao, đó là việc SHB chuyển giao dịch cổ phiếu SHB từ HNX sang HOSE và thỏa thuận thoái 100% vốn tại SHB Finance cho Ngân hàng Krungsri - Thái Lan trong vòng 3 năm. Việc chuyển giao dịch cổ phiếu từ HNX sang HOSE được đánh giá mang đến luồng gió mới, cảm hứng mới cho các nhà đầu tư và tác động tích cực đến diễn biến của thị trường.

SHB quyết liệt thực hiện 4 trụ cột chiến lược - 2
Các cổ đông bỏ phiếu thông qua các nội dung tại đại hội và bầu thành viên HĐQT, Ban Kiểm soát Ngân hàng SHB nhiệm kỳ 2022-2027 (Ảnh: SHB).

Vốn hóa của SHB tại thời điểm 31/12/2021 đã đạt hơn 59.471 tỷ đồng, (2,7 tỷ USD), gấp 8,2 lần so với 5 năm trước, đứng thứ 9 trong các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân và thuộc top 30 doanh nghiệp có quy mô vốn hóa lớn nhất HOSE, trở thành một trong những ngân hàng thu hút dòng tiền đầu tư nước ngoài hiệu quả. Cổ phiếu SHB luôn thanh khoản dồi dào, minh bạch và nằm trong nhóm những cổ phiếu có giá trị đầu tư đáng chú ý tại thị trường.

Tương tự với việc chuyển giao dịch cổ phiếu đến HOSE, thương vụ SHB thoái 100% vốn Finance cho Ngân hàng Krungsri - Thái Lan đã trở thành thương vụ M&A giá trị cao thứ 2 trong các thương vụ mua bán công ty tài chính tiêu dùng trên thị trường, đem lại nguồn thặng dư vốn đáng kể cho cổ đông của SHB cũng như nâng cao năng lực tài chính và vị thế của ngân hàng. Cũng trong năm 2021, SHB đã hoàn tất việc chuẩn bị các nền tảng để tiến tới chuyển đổi phương pháp tính vốn nâng cao (FIRB), đáp ứng các chuẩn mực Basel III về rủi ro thanh khoản, sau khi đã hoàn thành trước hạn cả 3 trụ cột Basel II.

Mục tiêu 2022 và 4 trụ cột chiến lược

Tiếp nối thành công năm 2021, năm 2022, SHB đặt mục tiêu tổng tài sản tăng trưởng trên 12%, vốn điều lệ tăng trưởng 37% so với năm 2021; lợi nhuận trước thuế dự kiến tối thiểu 11.686 tỷ đồng, tăng 87%; dự kiến chia cổ tức năm 2022 từ 18%. SHB cũng trình và được ĐHĐCĐ thông qua việc phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư chiến lược nước ngoài với tỷ lệ dự kiến tối đa 20% vốn tăng thêm và dự kiến chào bán cổ phiếu cho người lao động với tỷ lệ 1,69%. Sau các giao dịch này, cùng với chi trả cổ tức năm 2021 bằng cổ phiếu tỷ lệ 15%, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng lên mức 36.459 tỷ đồng.

SHB quyết liệt thực hiện 4 trụ cột chiến lược - 3

Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát Ngân hàng SHB nhiệm kỳ 2022 -2027 ra mắt đại hội đồng cổ đông (Ảnh: SHB).

Tại đại hội, trả lời các câu hỏi quan tâm của cổ đông liên quan đến các mục tiêu kinh doanh, chiến lược kinh doanh và quản trị điều hành năm 2022, Chủ tịch HĐQT SHB, ông Đỗ Quang Hiển cho biết, trong năm 2022 và các năm tiếp theo, SHB sẽ tập trung quyết liệt thực hiện 4 trụ cột chiến lược để phát triển. 4 trụ cột đó bao gồm: Cải cách thể chế, cơ chế; kiện toàn tổ chức bộ máy và nhân sự; lấy khách hàng làm trọng tâm; nền tảng công nghệ thông tin và chuyển đổi số.

SHB quyết liệt thực hiện 4 trụ cột chiến lược - 4
Đoàn chủ tịch trả lời các câu hỏi quan tâm của cổ đông liên quan đến các mục tiêu kinh doanh, chiến lược kinh doanh và quản trị điều hành năm 2022 (Ảnh: SHB).

Về kế hoạch kinh doanh 2022, trong đó có mục tiêu lợi nhuận, tăng vốn điều lệ… đều đã được SHB tính toán trên cơ sở nền tảng hiện có và đảm bảo tính khả thi trong toàn bộ kế hoạch cũng như các chỉ tiêu kinh doanh trình ĐHĐCĐ.

"Năm 2022, ngoài việc phấn đấu hoàn thành xuất sắc các mục tiêu kinh doanh, chỉ tiêu kinh doanh do ĐHĐCĐ đề ra, SHB sẽ tập trung phát huy mọi nguồn lực phát triển, gia tăng lợi ích tối đa cho cổ đông và khách hàng, phấn đấu đưa SHB trở thành ngân hàng hoạt động hiệu quả trên thị trường", ông Đỗ Quang Hiển cho biết.