Sếp thiếu gia đuối sức vì vận đen

Sóng gió trên thị trường đã khiến doanh nghiệp đối mặt với rất nhiều thay đổi. Trong khó khăn, các cậu ấm, cô chiêu dù mới khởi nghiệp lại phải đương đầu, gánh vác trọng trách nặng nề. Ngoài sự thành công, không ít người đã đuối sức.

Nối nghiệp đại gia

 

Cuối tháng 5/2013, giới đầu tư khá xôn xao khi bà Phạm Đỗ Diễm Hương (24 tuổi) trúng cử vị trí Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của Công ty cổ phần Nhựa Tân Đại Hưng (TPC).

 

Sự kiện này thu hút sự quan tâm của thị trường bởi bà Hương là nữ chủ tịch trẻ nhất sàn chứng khoán tính tới thời điểm đó và là con gái của nguyên Phó Chủ tịch Eximbank Phạm Trung Cang - cũng là người sáng lập và từng giữ chức chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc TPC.

 

Quyết định bổ nhiệm bà Hương trở thành nữ tướng TPC khiến nhiều người nghĩ tới một sự chuyển giao cho thế hệ thứ hai ở DN này. Tuy nhiên, trong trường hợp TPC, nhiều người vẫn lo ngại gánh nặng quá lớn đang đặt lên vai một con người còn rất trẻ tuổi, vừa tốt nghiệp đại học và chưa có nhiều kinh nghiệm trong công tác quản lý doanh nghiệp.

 

Trước khi được bổ nhiệm vị trí cao nhất tại TPC, bà Hương đã có một thời gian ngắn làm ở vị trí chuyên viên tài chính. Nhưng bấy nhiêu dường như chưa đủ để tạo niềm tin cho nhiều người khi nữ doanh nhân trẻ này được giao quản lý một DN có vốn chủ sở hữu hơn hơn 320 tỷ đồng, tổng tài sản gần 600 tỷ đồng và doanh thu khoảng 800 tỷ đồng/năm.

 

Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty cổ phần Nhựa Tân Đại Hưng Phạm Đỗ Diễm Hương (24 tuổi)
Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty cổ phần Nhựa Tân Đại Hưng Phạm Đỗ Diễm Hương (24 tuổi)

 

Điều đáng lo ngại nhất chính là ở chỗ cố vấn cho HĐQT, ông Phạm Trung Cang gặp rắc rối sau vụ bầu Kiên tại Ngân hàng ACB. TPC đang chứng kiến tình hình kinh doanh sa sút do xuất khẩu giảm, cạnh tranh trong nước gay gắt và nền tảng kinh tế chung có nhiều khó khăn.

 

Trong khoảng hai năm vừa qua, hiện tượng các doanh nhân thế hệ trẻ thay thế cha ông hoặc trám vào những vị trí quan trọng để điều hành doanh nghiệp rất phổ biến như trường hợp: thiếu gia Trần Hùng Huy thay ông Trần Mộng Hùng ở Ngân hàng Á Châu; Nguyễn Ngọc Thái Bình đang tiến lên trong Công ty REE của bà mẹ Nguyễn Thị Mai Thanh; Đặng Hồng Anh con cả ông Đặng Văn Thành; các con Trầm Trọng Ngân, Trầm Thuyết Kiều và Trầm Khải Hòa trong các doanh nghiệp mà ông Trầm Bê có ảnh hưởng...

 

Khởi nghiệp thời khó?

 

Nhìn vào lý lịch của các cậu ấm, cô chiêu của các doanh nhân nổi tiếng trên sàn có thể thấy, trình độ học vấn của họ hơn hẳn ông cha, những người đi trước.

 

Trần Hùng Huy, con trai người sáng lập ra Ngân hàng ACB Trần Mộng Hùng có một lý lịch rất đẹp. Ông Huy tốt nghiệp thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Đại học Chapman, Hoa Kỳ năm 2002. Năm 2011, ông tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế tại Đại học Golden Gate, Hoa Kỳ. Và điều đáng nói là doanh nhân này vào làm việc ở ACB khá sớm, trong 11 năm trải qua nhiều vị trí từ chuyên viên nghiên cứu thị trường, giám đốc marketing, phó giám đốc cho tới thành viên HĐQT.

 

Trần Hùng Huy, con trai người sáng lập ra Ngân hàng ACB Trần Mộng Hùng.
Trần Hùng Huy, con trai người sáng lập ra Ngân hàng ACB Trần Mộng Hùng.

 

Với Nguyễn Ngọc Thái Bình, con trai của bà Nguyễn Thị Mai Thanh, chủ tịch HĐQT REE, vị giám đốc tài chính REE này cũng đã tốt nghiệp đại học tại Mỹ và có kinh nghiệm làm việc tại ngân hàng HSBC tại Việt Nam. Gần đây, ái nữ của bà Thanh là Nguyễn Ngọc Nhất Hạnh (1991) cũng đã trở thành một cổ đông khá lớn của REE và đang theo bước chân của người anh sau khi tốt nghiệp một trường đại học danh tiếng bậc nhất Anh Quốc.

 

Mặc dù có những thành tích đáng nể trong học hành nhưng tuổi đời còn khá non trẻ là một trong những nguyên nhân khiến giới đầu tư trên TTCK nhiều khi còn cảm thấy lo ngại với khả năng đối phó với khó khăn, dẫn dắt các doanh nghiệp lớn đi đến các thành công như những người tiền nhiệm.

 

Trong trường hợp của Tân Đại Hưng, mặc dù đã có mặt trên thị trường từ đầu những năm 80 và hệ thống sản xuất, kinh doanh chắc chắn đã được xây dựng vững chắc. Tuy nhiên, DN phải vận động theo thị trường và đây là lý do khiến sự chèo lái của người đứng đầu là yếu tố quyết định cho DN tiến lên phía trước.

 

Những diễn biến trong thời gian gần đây cho thấy, TPC đang gặp khó khăn, kinh doanh có dấu hiệu sa sút. Quý I/2013 TPC chứng kiến doanh thu tăng khá mạnh nhưng lợi nhuận chỉ còn vỏn vẹn 3,4 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với mức 10,6 tỷ đồng cùng kỳ. Trong các năm gần đây lợi nhuận của TPC liên tục giảm từ mức 63 tỷ đồng năm 2009 xuống còn 38 tỷ năm 2010; 37,6 tỷ trong năm 2011 và 30 tỷ trong năm 2012.

 

Không những thế, cổ phiếu TPC hiện đứng ở mức khá thấp là 8.800 đồng/cp (so với mức giá đóng cửa lần đầu lên sàn là 69.000 đông) và có giao dịch cực thấp, trung bình 10 phiên gần nhất tính tới ngày 9/8 chỉ đạt hơn 2.300 cổ phiếu/phiên.

 

Những khó khăn mà doanh nhân trẻ Đặng Hồng Anh hay Đặng Huỳnh Ức My gặp phải cũng cho thấy con đường kinh doanh mà họ theo đuổi không hề dễ dàng cho dù được hưởng những khối tài sản lớn từ cha mẹ để lại.

 

Với những người có kinh nghiệm chống chọi với sóng gió, bão tố thì cuộc khủng hoảng kinh tế vẫn còn đang diễn ra có thể khiến họ có cơ hội chứng minh được năng lực của mình cũng như trau dồi thêm những kinh nghiệm vượt khó. Nhưng có lẽ với không ít doanh nhân trẻ tuổi đang phải gánh vác quá sức mình. Áp lực bảo vệ tài sản gia đình, phát triển doanh nghiệp đôi khi là trọng trách quá lớn.

 

Theo Huấn Tú

VEF