Sếp ngân hàng ngoại nêu loạt khó khăn làm nghẽn dòng vốn xanh

Vĩ Quang

(Dân trí) - Đại diện HSBC cho rằng một trong những thách thức lớn nhất cho phát triển bền vững là Việt Nam chưa có hệ thống phân loại chi tiết tài chính "xanh" và "bền vững" nghĩa là gì.

Bà Lâm Thúy Nga, Giám đốc toàn quốc Khối Khách hàng doanh nghiệp lớn, HSBC Việt Nam, vừa có bài viết chia sẻ về hành trình chuyển dịch dòng vốn xanh hướng đến một tương lai bền vững.

Theo bà, tài chính trở thành chủ đề trung tâm tại Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP28).

Theo đó, tài chính là yếu tố quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu của nhân loại. Chính các ngân hàng sẽ đóng vai trò trung tâm trong việc huy động và điều hướng các nguồn vốn xanh cần thiết để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 trên toàn cầu.

HSBC sắp tới sẽ làm việc với khách hàng để giúp các đơn vị giảm phát thải và mở rộng quy mô giải pháp carbon thấp và đồng thời cũng tự giảm phát thải trong hoạt động của bản thân ngân hàng như giảm phát thải khí nhà kính, giảm tiêu thụ điện, nước, xử lý rác thải...

Sếp ngân hàng ngoại nêu loạt khó khăn làm nghẽn dòng vốn xanh - 1

(Ảnh minh họa: Energy saving trust).

Bà Nga cho rằng sự thay đổi này sẽ không diễn ra trong ngày một ngày hai, các doanh nghiệp và các nền kinh tế đều cần thời gian để dần dần giảm bớt các hoạt động phát thải nhiều carbon.

Đó là quá trình chuyển dịch hướng tới cân bằng phát thải và trên hành trình đó có thể tạo ra tác động lớn thông qua hợp tác cùng các khách hàng để đạt được mục tiêu "net zero".

Làm gì để khơi thông dòng chảy xanh?

Cũng theo bà Nga, chặng đường nào tất nhiên cũng có những chông gai gập ghềnh nhất định. Một trong những thách thức lớn nhất cho phát triển bền vững và tài chính bền vững là Việt Nam chưa có hệ thống phân loại chi tiết tài chính bền vững để định nghĩa chính xác "xanh" và "bền vững" nghĩa là gì.

Mặc dù Chính phủ đang nghiên cứu khung pháp lý chính thức nhưng ngành ngân hàng vẫn đang phải dựa vào hệ thống của nội bộ mỗi đơn vị và phải tự giám sát liên tục. Việc thiếu vắng những quy định rõ ràng cũng dẫn đến tâm lý chần chừ khi tiến hành dự án bền vững quy mô lớn vốn đòi hỏi phải tuân theo một quy trình tài chính phức tạp.

Một trở ngại khác không nhỏ là hạn chế về dữ liệu và báo cáo. Trong mắt nhà đầu tư, người tiêu dùng và cả nhân viên, báo cáo về chiến lược và hoạt động ESG cho thấy những chỉ số quan trọng phản ánh tình hình "sức khỏe" của doanh nghiệp và tác động doanh nghiệp tạo ra cho thế giới này.

ESG là thuật ngữ viết tắt của Environmental, Social & (Corporate) Governance, tạm dịch là Môi trường, Xã hội & Quản trị, là một bộ tiêu chuẩn để đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng của doanh nghiệp đến cộng đồng.

Mặc dù vậy, hiện tại, nhiều doanh nghiệp chưa có báo cáo ESG hoặc nếu có thì cũng hạn chế, do bản thân họ cũng chưa hiểu rõ các yêu cầu về dữ liệu ESG.

Để cải thiện tình hình này, đại diện HSBC cho rằng các nhà quản lý có vai trò hết sức quan trọng trong việc hướng dẫn doanh nghiệp cũng như có những quy định yêu cầu để tạo thêm động lực cho họ chú trọng hơn vào thu thập, phân tích dữ liệu và làm báo cáo chỉn chu.

Hơn 90% doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên, chỉ các công ty niêm yết mới phải cung cấp thông tin chiến lược và hiệu quả hoạt động ESG trong báo cáo thường niên.

Tuy nhiên, hầu hết các thông tin được cung cấp đều ở mức cơ bản, không có sự xác nhận của bên thứ ba, ngoại trừ một số lượng khiêm tốn các công ty có chứng chỉ quốc tế. Các nhà đầu tư có thể không thể dùng thông tin đó để đánh giá mức độ áp dụng ESG của công ty, khiến họ chưa tin tưởng để đầu tư.

Đồng thời, các tiêu chuẩn bền vững chung hiện nay đối với doanh nghiệp Việt Nam cũng là rào cản cho việc tiếp cận nguồn vốn vay. Do các tiêu chuẩn chính thức của Việt Nam chưa có hoặc chưa chính thức triển khai, các tổ chức tài chính phải dùng các tiêu chuẩn quốc tế và có sự điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế của thị trường.

Khi đó, những tiêu chuẩn này có thể quá cao đối với hầu hết công ty, khiến họ không thể tiếp cận được nguồn tài chính bền vững. 

Tóm lại, để giúp chuyển dịch dòng vốn xanh và tăng cường phát triển bền vững ở Việt Nam, bà Nga cho rằng Chính phủ cần tăng cường tính minh bạch, thắt chặt các quy định liên quan đến ESG và hạn chế độ vênh về thông tin giữa nhà đầu tư và doanh nghiệp.

Trong những năm gần đây, một số doanh nghiệp vừa và nhỏ đã áp dụng việc công bố ESG tự nguyện để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài cũng như để đáp ứng các điều kiện khắt khe của một số thị trường xuất khẩu nhất định như châu Âu. Tuy nhiên, để đạt được kết quả tích cực trên quy mô lớn, việc công bố ESG mạnh mẽ cần phải được pháp luật quy định.