Sếp FE Credit: Nhân viên thu nợ bị dọa nạt, vu khống là vấn đề nhức nhối

Thảo Thu

(Dân trí) - Sếp công ty tài chính nói 2 năm nay, việc nhân viên thu nợ bị con nợ dọa nạt tăng mạnh và ngày càng trở nên trầm trọng.

Việc người vay nợ bùng nợ, thậm chí dọa ngược các nhân viên thu nợ của các công tài chính trong 2 năm gần đây tăng mạnh. Thông tin này được bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt - quyền Tổng giám đốc của FE Credit - chia sẻ tại hội thảo "Gỡ khó cho vay tiêu dùng - Đẩy lùi tín dụng đen" do Trung tâm Sản xuất và Phát triển nội dung số (VTV) tổ chức sáng 31/10.

Nhân viên thu hồi nợ bị dọa nạt, vu khống 

Bà Nguyệt nhận định việc nhân viên thu hồi nợ bị dọa nạt, vu khống là vấn đề nhức nhối. 2 năm trước, thống kê nhân viên thu nợ bị các con nợ làm khó chỉ 2 người, nhưng từ cuối năm 2022 đến đầu năm nay tăng lên 24.

Đại diện công ty này cho rằng do hiểu biết của đối tượng vay chưa đầy đủ, chưa tính đến hậu quả của việc này. "Dù quy định, quy chế đã có nhưng việc đưa vào thực tế vận dụng chưa mang tính răn đe. Người vay nợ hiểu đơn giản là thích thì trả, gây khó khăn cho công ty tài chính và tạo tâm lý bất ổn, hoang mang với nhân viên làm công tác thu hồi nợ", bà Nguyệt nói.

Sếp FE Credit: Nhân viên thu nợ bị dọa nạt, vu khống là vấn đề nhức nhối - 1

Hội nhóm dạy bùng nợ với hơn 126.000 thành viên (Ảnh: Thảo Thu).

Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) - nói các công ty tài chính đều gặp nhiều khó khăn do nợ xấu tăng cao.

Ngoài những yếu tố khách quan với khó khăn chung còn có yếu tố chủ quan và nguy hiểm mà chưa có chế tài xử lý đó là khách hàng cố tình không trả nợ, thậm chí cán bộ công ty đến đòi nợ hoặc nhắc nợ thì chống đối, tố cáo, vu khống cán bộ là dùng biện pháp manh động để đòi nợ đến chính quyền.

"Một số đối tượng lợi dụng việc cơ quan quản lý trấn áp tội phạm tín dụng đen và cố tình quy kết các công ty tài chính tiêu dùng do Ngân hàng Nhà nước cấp phép là tổ chức tín dụng đen nên không trả nợ và thành lập hội bùng nợ trên zalo, facebook… nhưng không hề bị xử lý", ông Hùng nói.

Thực trạng này, theo ông Hùng, dẫn đến nợ xấu của các công ty tài chính tiêu dùng tăng cao, cán bộ thu hồi nợ nghỉ việc, các công ty tài chính không thể tiếp tục mở rộng cho vay được, thực tế dư nợ không tăng mà còn giảm so với năm 2022 (giảm trên 60.000 tỷ đồng). Người dân có thu nhập thấp, có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp cận được vốn vay từ công ty tài chính tiêu dùng…

"Hệ quả là tín dụng đen bắt đầu trỗi dậy. Cơ quan quản lý Nhà nước triệt phá nhiều ổ nhóm tín dụng đen song diễn biến còn rất phức tạp dưới nhiều hình thức tinh vi, nhất là trên môi trường mạng", ông Hùng nói.

Người đi vay mới là người quyết định mức vay

Trước việc khách hàng mong muốn lãi suất của các công ty tài chính thấp hơn, ông Nguyễn Đình Đức - Tổng giám đốc HD Saison - nói lãi suất không phụ thuộc vào công ty tài chính mà phụ thuộc vào người đi vay. Nếu người đi vay có ý thức trả nợ tốt, công ty nhận thấy rủi ro đc kiểm soát thì lãi suất sẽ được tốt hơn. 

Ông Đức nhấn mạnh việc người vay cần nâng cao nhận thức. "Nếu không nhận thức tốt, tín dụng đen vẫn còn mảnh đất để phát triển", ông nói và nhấn mạnh việc này cần sự vào cuộc của cả hệ thống.

Đại diện FE Credit thì nói lãi suất khoản vay được đưa ra dựa vào hành vi vay nợ. Khách hàng có nhu cầu vay khoản nhỏ, thời gian ngắn, không có tài sản đảm bảo nên sẽ vay tín chấp với lãi suất cao hơn thế chấp.

"Khoản vay nhỏ, thời gian ngắn sẽ dễ dàng, đơn giản phù hợp song chi phí vận hành để cung cấp khoản vay ngắn lớn, làm cho yếu tố lãi suất của công ty tài chính cao", bà Nguyệt nói và nhấn mạnh phân khúc và hành vi, tính chất vay là yếu tố làm lãi suất cao lên.

Vị này cho biết không chấp nhận cho phép thu hồi nợ cực đoan. Đơn vị này dùng AI để hiểu hành vi của khách hàng, phân tích tông giọng của khách hàng và nhân viên thu hồi nợ để điều chỉnh phù hợp. 

Chuyên gia: Cần hoàn thiện hành lang pháp lý tiệm cầm đồ

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực nói: "Người cho vay giống người đi xe ô tô, người đi vay giống người đi bộ. Kiểu gì người đi ô tô cũng bị quy kết lỗi nếu sai lầm xảy ra". Theo ông, việc này cần luật hóa.

Ông cũng đề cập đến câu chuyện nhận thức của một số khách hàng là đi vay dễ, không trả nợ cũng chẳng làm sao. Ông Lực nhấn mạnh việc tăng cường nhận thức của người dân về hệ lụy của bùng nợ, nếu vi phạm cho vào "sổ đen" - bị đưa tên vào đây sau này vay mượn gì cũng khó. Ông nói phải làm vậy mới có thể kiểm soát. 

Về việc nhiều người dân bị tổ chức tín dụng đen cưỡng chế, ông Lực nhận định là nguy hiểm và đề xuất luật pháp phải nghiêm minh. Khi ấy, người vay nợ sẽ phải tâm phục khẩu phục.

Ông Lực lưu ý các cơ quan Nhà nước cần quản lý các tiệm cầm đồ. Theo ông, nhiều tiệm cầm đồ hoạt động tín dụng trong đó chủ yếu là tín dụng đen. "Hành lang pháp lý của tiệm cầm đồ cũng cần được hoàn thiện", ông Lực nói.