Sếp EVN nghỉ hưu 3 năm vẫn bị cấm tiết lộ bí mật công việc

(Dân trí) - Trong Điều lệ của EVN cũng nêu rõ, chỉ cần để EVN lỗ hoặc để mất vốn nhà nước thì Chủ tịch HĐTV, các thành viên HĐTV và Tổng giám đốc EVN sẽ không được thưởng, không được nâng lương và bị xử lý kỷ luật tùy theo mức độ vi phạm.

Nếu EVN không kịp trả nợ, người lao động cũng không được tăng lương và bị cắt thưởng.
Nếu EVN không kịp trả nợ, người lao động cũng không được tăng lương và bị cắt thưởng.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

Hơn 350 mã nhuốm đỏ sàn chứng khoán

Lo đối tác ngoại thâu tóm đồng loạt doanh nghiệp Việt Nam

Duy nhất Việt Nam tại APEC chưa có quỹ hưu trí bổ sung

Sàn giao dịch thời địa ốc "đóng băng": "Tái cơ cấu và sự biến tướng"

Thủ tướng Chính phủ vừa ký phê duyệt Điều lệ Tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong đó nêu rất rõ mục tiêu "kinh doanh bền vững, hiệu quả và có lãi".

Cũng tương tự các Tập đoàn và Tổng công ty Nhà nước khác, EVN phải bảo toàn và phát triển vốn chủ sở hữu nhà nước đầu tư tại EVN và vốn của EVN đầu tư và các doanh nghiệp khác.

Theo đó, trong Điều lệ của EVN nêu rõ, chỉ cần để EVN lỗ hoặc để mất vốn nhà nước (chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự và không chứng minh được lý do khách quan) thì Chủ tịch HĐTV, các thành viên HĐTV và Tổng giám đốc EVN sẽ không được thưởng, không được nâng lương và bị xử lý kỷ luật tùy theo mức độ vi phạm.

Mức phạt này cũng sẽ áp dụng với các lãnh đạo tập đoàn nếu quyết định dự án đầu tư không hiệu quả, không thu hồi được vốn đầu tư, không trả được nợ; hoặc không bảo đảm tiền lương và các chế độ khác cho người lao động; hoặc để xảy ra các sai phạm về quản lý vốn, tài sản, về chế độ kiểm toán và các chế độ khác do Nhà nước quy định.

Lãnh đạo về hưu không được tiết lộ bí mật của Tập đoàn

Trong quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm của Chủ tịch HĐTV, thành viên HĐTV và Tổng giám đốc EVN, Điều lệ ghi rất rõ rằng, "không được lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng vốn và tài sản của EVN để thu lợi riêng cho bản thân và người khác; không được đem tài sản của EVN cho người khác; không được tiết lộ bí mật của EVN trong thời gian đang thực hiện chức trách của mình và trong thời hạn tối thiểu là 3 năm" sau khi thôi đảm nhiệm các chức vụ trên.

Cũng theo Điều lệ, khi EVN không thanh toán đủ các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác đến hạn phải trả thì Tổng giám đốc phải báo cáo với HĐTV tìm biện pháp khắc phục và thông báo tình hình tài chính cho tất cả các chủ nợ biết. 

Nếu trường hợp này xảy ra thì cũng đồng nghĩa với việc HĐTV và Tổng giám đốc EVN không được quyết định tăng lương, không được trích lợi nhuận trả tiền thưởng cho cán bộ quản lý và người lao động.

Điều lệ này còn quy định, các lãnh đạo của EVN không được để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức danh Kế toán trưởng hay Thủ quỹ tại Tập đoàn.

EVN vẫn còn "găm" vốn tại bất động sản, chứng khoán, ngân hàng 

Tại thời điểm 31/12/2012, vốn điều lệ của EVN là 143 nghìn tỷ đồng. Ngành nghề kinh doanh chính của EVN là sản xuất, truyền tải, phân phối và kinh doanh mua bán điện; chỉ huy điều hành hệ thống sản xuất, truyền tải, phân phối và phân bổ điện năng trong hệ thống đện quốc gia; xuất nhập khẩu điện; đầu tư và quản lý vốn đầu tư các dự án điện...

Tuy nhiên, theo phụ lục kèm theo Điều lệ, EVN vẫn còn đang có 20 đơn vị trực thuộc, 9 công ty con do EVN nắm 100% vốn, 9 công ty con nắm trên 50% vốn và 8 công ty nắm dưới 50% vốn. 

Trong danh mục các công ty EVN nắm dưới 50% vốn có Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank), CTCP Chứng khoán An Bình, CTCP Bảo hiểm Toàn Cầu, CTCP Bất động sản Sài Gòn Vi Na, CTCP Bất động sản Điện lực miền Trung và CTCP Đầu tư và Xây dựng điện lực Việt Nam.

Theo lộ trình thoái vốn ngoài ngành đã được Thủ tướng phê duyệt, EVN sẽ phải rút vốn ra khỏi 6 doanh nghiệp này trước cuối năm 2015.

EVN phải công khai báo cáo tài chính như doanh nghiệp đại chúng

Điểm khá mới và đáng lưu ý là yêu cầu thực hiện công khai, minh bạch đối với EVN. Theo đó, tập đoàn sẽ phải công bố các thông tin chủ yếu liên quan danh mục các dự án đầu tư, các khoản vay ngắn hạn và dài hạn, các giao dịch có quy mô lớn, khoảy vay hay cho vay lớn cũng như các giao dịch bất thường khác; lương và các lợi ích khác của bộ máy quản lý và người lao động, báo cáo tài chính quý, bán niên, năm...

Trong đó, báo cáo thường niên được công khai trên Trang tin điện tử của EVN. Các nội dung khác sau khi được chủ sở hữu phê duyệt phải được đăng trên Trang thông tin điện tử doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong vòng 30 ngày kể từ ngày được phê duyệt.

Báo cáo tài chính năm (bao gồm Báo cáo tài chính năm của EVN và báo cáo tài chính hợp nhất toàn tập đoàn) phải được công bố không quá 90 ngày sau khi kết thúc năm tài chính. Còn Báo cáo thường niên thì phải được công bố trong vòng 20 ngày sau khi công bố cáo tài chính năm. Báo cáo quản trị 6 tháng được công bố chậm nhất 30 ngày kể sau khi hết kỳ báo cáo.

Phát biểu tại Diễn đàn đối tác phát triển (VDPF) 2013 diễn ra hồi đầu tháng 12 này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng đã khẳng định sẽ yêu cầu các doanh nghiệp Nhà nước phải công  khai kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh một cách minh bạch.
 
Bích Diệp

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước