1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Sẽ lập nhóm ngân hàng “G12 + 1”

Thành lập nhóm “G12 + 1”, khoanh vùng 12 ngân hàng mất cân đối nguồn, trong đó có 5 ngân hàng bị trọng bệnh để “điều trị”, kỷ luật nghiêm xé rào trần lãi suất 14%/năm… là những hành động tiếp theo sẽ được Ngân hàng Nhà nước áp dụng trong thời gian tới.

Đồng thuận, sẽ hết mặc cả!

 

Ngân hàng Nhà nước đang ráo riết hành động để duy trì trần lãi suất tiền gửi ở mức 14%, làm cơ sở kéo lãi suất tiền vay xuống 17 - 19%.  

 

Tại cuộc họp sơ kết Nghị quyết 11 ngày 7/9, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình nói: “Nhiều người hỏi rằng: lãi tiền gửi 14%/năm thì dân có gửi hay không? Tôi khẳng định: nếu tất cả ngân hàng cùng thực hiện trần 14% thì người dân vẫn gửi tiền. Chỉ vì đứng núi này, trông núi nọ, đưa lãi cao hơn để giành khách thì thị trường mới loạn như thế”.

 

Điều ông Bình nói không phải không có cơ sở, vì theo tìm hiểu của người viết, trong các ngày 8 và 9/9, đã có hai ngân hàng thương mại cổ phần có trụ sở tại Hà Nội bị khách hàng rút đi 1.200 tỷ đồng. Trong đó, một ngân hàng bị rút đi 500 tỷ đồng, còn ngân hàng kia bị rút đi 400 tỷ đồng trong ngày 8/9 và 300 tỷ đồng trong ngày 9/9/2011.

 

Theo tổng giám đốc một ngân hàng, việc phát hiện các ngân hàng xé rào không thực sự khó, nếu Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các địa phương quan sát trên hệ thống sổ sách, báo cáo của từng ngân hàng sẽ phát hiện những biến động bất thường.

 

Ví dụ, một khách hàng bỗng nhiên rút 100 tỷ đồng ở ngân hàng này nhưng sau đó lại thấy người này đem 100 tỷ đồng đó gửi ở ngân hàng khác. Sau khi đối chiếu, so sánh thời gian rút, số lượng tiền bị rút, các yếu tố nhân thân khách hàng (tên tuổi, số chứng minh thư, hộ khẩu…) thì Ngân hàng Nhà nước sẽ nghi vấn ngay xé rào lãi suất.

 

“Cả hệ thống cùng áp dụng một mức 14%/năm thì không lý gì khách hàng lại rút tiền từ ngân hàng này gửi ngân hàng khác cả!”, vị tổng giám đốc này nói. 

 

Còn theo ông Nguyễn Văn Lê, Tổng giám đốc SHB, chấp hành chỉ thị của Ngân hàng Nhà nước, SHB đã chấn chỉnh ngay trong hệ thống không được xé rào lãi suất 14% và dành hai gói vốn ngắn hạn, lãi suất 17% - 18% trị giá 6.200 tỷ đồng cho vay doanh nghiệp.

 

Tính đến thời điểm này, hầu hết ngân hàng đều dán “cáo thị” nghiêm cấm lách lãi suất tiền gửi từ hội sở đến các chi nhánh và phòng giao dịch. Tuy nhiên, tổng giám đốc một ngân hàng cổ phẩn cho rằng, để đồng thuận và thực hiện nghiêm túc theo Chỉ thị 02 thì Ngân hàng Nhà nước phải xử lý nghiêm đối với hành vi xé rào và công bố rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng. Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước cũng phải có biện pháp can thiệp kịp thời trên lãi suất nghiệp vụ thị trường mở (OMO), tái cấp vốn đối với những ngân hàng mất cân đối nguồn trong thời gian vừa qua.

 

Ra tay

 

Có thể nói, việc đưa lãi suất xuống 14%/năm dường như đã trở thành quyết tâm chính trị cao nhất trong toàn hệ thống ngân hàng hiện nay, mà lời khẳng định của Thống đốc Nguyễn Văn Bình tại hội nghị sơ kết Nghị quyết 11 là một dẫn chứng. Ông Bình nói: “Phải đưa hoạt động ngân hàng đi vào nề nếp, khuôn khổ nhưng minh bạch, phục vụ tốt hơn cho nền kinh tế và lấy lại danh dự của ngành trong con mắt người dân”.

 

Theo Thống đốc, bước đi đầu tiên là Ngân hàng Nhà nước sẽ thành lập nhóm 12 ngân hàng lớn, chiếm tới 85% thị phần, cùng với Ngân hàng Nhà nước, tạm gọi là “G12 + 1”. Mỗi quý nhóm sẽ họp một lần, kể cả khi thị trường “sóng yên biển lặng” nhằm mục đích trao đổi hoạt động nghiệp vụ, để nâng cao hơn nữa tính tương tác giữa thị trường và cơ quan quản lý. Trong trường hợp thị trường biến động phức tạp, nhóm “G12 + 1” sẽ họp bất cứ lúc nào để xử lý tình hình.

 

Để nhóm hoạt động có hiệu quả, sẽ thành lập Ban thư ký do Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) làm trưởng ban, phối hợp chặt chẽ với 12 thành viên nói trên để nắm bắt tình hình, chuẩn bị nội dung và kiến nghị giải pháp xử lý để đưa ra cuộc họp thường kỳ với “G12 + 1”.

 

“Với cách làm như vậy, chính sách ban hành sẽ sát hơn với thực tế. Khi đó, tất cả phải chấp hành, tổ chức tín dụng nào vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm túc. Vì đó là cách để bảo vệ quyền lợi của toàn ngành và của các tổ chức tín dụng. Ngược lại, Ngân hàng Nhà nước ban hành chính sách mà các tổ chức tín dụng không thực hiện được thì đó là trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước”, Thống đốc nói.

 

Thứ hai, cũng theo Thống đốc, sau khi đã duy trì trần lãi suất tiền gửi 14%/năm thì lãi suất tiền vay ở mức 17% - 19% là phù hợp. Có ngân hàng đề nghị là nên đa dạng hóa mức lãi suất cho vay hơn nữa tùy theo loại hình khách hàng nhưng Thống đốc cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, với khoảng từ 17% - 19%, ít nhất có 3 mức lãi suất để đa dạng và đó là điều hợp lý.

 

Thứ ba, để đảm bảo cơ sở khoa học và thực tiễn thực dương cho lãi suất tiền gửi, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, lạm phát kỳ vọng năm tới tính ở mức cao nhất chỉ ở mức 12% và so với lãi suất tiền gửi 14% đã hoàn toàn thực dương.

 

Thứ tư, cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ tái cấp vốn theo nguyên tắc: người mua bán cuối cùng trên thị trường đối với những tổ chức tín dụng khó khăn. Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước đã lọc ra khoảng 12 tổ chức tín dụng mất cân đối giữa nguồn và sử  dụng nguồn, trong đó có 5 tổ chức tín dụng mất cân đối lớn, có biểu hiện vay mượn rất nóng trên thị trường trong thời gian qua. Ngân hàng Nhà nước sẽ làm việc và có biện pháp xử lý ngay với 5 đơn vị này theo hướng tái cấp vốn để đảm bảo thanh khoản cho họ.

 

Tuy nhiên, vì tình hình tài chính của họ không lành mạnh nên Ngân hàng Nhà nước sẽ có chương trình tạm gọi là “điều trị” hoặc “chữa bệnh” cho họ. Khi nào họ khỏi bệnh, mới được tiếp tục hoạt động bình thường. Còn trong khi đang “điều trị”, đề phòng khả năng họ lây nhiễm sang ngân hàng khác, khi nào họ “chữa trị” xong mới được quay trở lại với cộng đồng.

 

Thứ năm, liên quan đến xử lý vi phạm xé rào lãi suất, ngay trong ngày 7/9, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành công văn số 7020/NHNN-TTGSNH về việc “kế hoạch thanh tra các tổ chức tín dụng trong nước từ nay đến cuối năm 2011”. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước sẽ thanh tra định kỳ về cấp tín dụng, ứng trước, thanh tra đầu tư tài chính, góp vốn mua cổ phần…

 

Cùng đó, Ngân hàng Nhà nước cũng tiến hành thanh tra đột xuất hoạt động công ty mua bán nợ, công ty con của tổ chức tín dụng, kể cả  phối hợp với Bộ Tài chính để thanh tra công ty chứng khoán.

 

Liên quan đến hoạt động này, thanh tra Ngân hàng Nhà nước đã thanh lọc 10 ngân hàng có biểu hiện tăng tín dụng quá 20% và lập biên bản với 2 ngân hàng biến tướng tín dụng dưới nhiều hình thức “ủy thác đầu tư”, “tài khoản phải thu”, yêu cầu 2 đơn vị này đình chỉ hoạt động cho vay, thu hồi nợ để hạch toán đúng đủ, đưa dư nợ vào đúng khuôn khổ.

 

Theo Nguyễn Hoài
VnEconomy
Dòng sự kiện: Siết trần lãi suất

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm