"Sẽ không thiếu vàng từ nay đến cuối năm"
(Dân trí) - “Thị trường vàng trong nước từ nay đến cuối năm sẽ bình ổn hơn, nhất là trong các tình huống mất cân đối cung - cầu”. Lý do được đưa ra là Bộ Tài chính vừa quyết định giảm thuế nhập khẩu vàng và kho ngoại quan vàng đầu tiên của Việt Nam đã chính thức đi vào hoạt động từ ngày 16/8.
Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thành Long - Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh Vàng đồng thời là Tổng Giám đốc Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC), nhằm làm rõ hơn nhận định trên.
Ông đánh giá như thế nào về tác động của việc giảm thuế nhập khẩu vàng nguyên liệu đối với thị trường vàng trong nước?
Trước đây, Nhà nước không ủng hộ sản xuất vàng miếng mà ủng hộ sản xuất nữ trang dẫn đến các quy định về nhập khẩu cũng bị phân biệt giữa vàng miếng và vàng hạt. Nhưng qua thực tiễn, chúng tôi thấy nên thống nhất chuyện vàng miếng, vàng hạt với nhau.
Hiện nay Nhà nước đã đồng nhất mức thuế suất thuế nhập khẩu vàng hạt và vàng miếng ở mức chung là 0,5% (trước đây vàng miếng thuế 1%, vàng hạt 0,5%). Điều này đã và sẽ tạo nhiều thuận lợi cho ngành kinh doanh vàng và nữ trang Việt Nam.
Cụ thể, chúng ta sẽ thao tác nhanh hơn, tránh được hao hụt khi chế tác, rút gọn được thời gian đồng thời can thiệp vào thị trường khi có biến động cũng sẽ nhanh hơn.
Theo ông, việc cho phép kinh doanh vàng trên tài khoản và việc cho ra đời kho ngoại quan vàng của Công ty Vàng bạc Đá quý (Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam), có thể giải quyết được những vấn đề như những cơn sốt đã diễn ra trong thời gian qua không?
| |
Ông Nguyễn Thành Long. |
Đặc biệt là khi có dấu hiệu biến động tiêu cực trên thị trường, các doanh nghiệp có thể can thiệp ngay trong khoảng thời gian ngắn. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng có nhiều điều kiện để theo dõi và quản lý có hiệu quả nguồn vàng nhập khẩu, giảm thiểu tình trạng nhập lậu.
Hiện tại, kho ngoại quan vàng ở miền Bắc đã chính thức đi vào hoạt động từ ngày 16/8. Và theo dự kiến, cuối năm nay, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) cũng sẽ lập kho ngoại quan vàng tại TPHCM.
Vậy theo ông, quy mô của một kho ngoại quan phải như thế nào để có thể giải quyết được những cơn sốt vàng xảy ra trên thị trường?
Năm 2006 là một năm đặc biệt đối với tiêu thụ vàng, số lượng vàng được mua vào cao hơn những năm trước; còn trung bình thì chỉ cần khoảng 500kg vàng là có thể giải quyết được cơn sốt nhất thời.
Ngành vàng Việt Nam có một đặc điểm là nó không chỉ phụ thuộc vào số lượng mà còn phụ thuộc rất nhiều vào cách làm và yếu tố tâm lí giá.
Ví dụ những lúc thị trường vàng đang bước vào thời kì biến động thì cách tung vàng ra như thế nào, cách hướng dẫn dư luận ra sao sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề. Theo tôi, mỗi một kho ngoại quan vàng có khoảng 500kg vàng dự trữ cũng là phù hợp.
Thị trường vàng trên thế giới đang biến động hàng ngày và nó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến thị trường vàng trong nước từ nay đến cuối năm, thưa ông?
Giá vàng thế giới có ảnh hưởng rất nhiều đến giá vàng trong nước vì gần như 95-99% lượng vàng trong nước là nhập khẩu, chứ khai thác trong nước chỉ đạt được con số rất nhỏ lẻ.
Tuy nhiên, nó cũng có những tác động khác nữa, như thời điểm đó người ta đang không có tiền vì đang phải tập trung vào chứng khoán, nhà đất thì giá cũng không thể lên được.
Trong nhiều trường hợp, khi giá vàng thế giới lên nhưng giá vàng trong nước đứng yên do tác động tâm lý và cũng có khi giá vàng thế giới xuống nhưng giá vàng trong nước không xuống. Nguyên nhân là bởi vàng ngoài thị trường của chúng ta hiếm và điều đó làm cho vàng có những tác động ngược chiều.
Hiện nay, chính sách trong nước cũng đã rất thông thoáng, sẵn sàng tạo điều kiện cắt quota cho các DN để nhập khẩu vàng nên sẽ không thiếu vàng từ nay cho đến cuối năm.
Ông có lời khuyên như thế nào đối với những người muốn mua vàng để dự trữ?
Vàng không phải là nhu yếu phẩm và trong lúc giá vàng lên cao, chúng tôi cũng đã có yêu cầu người dân là đừng mua để cất trữ hoặc làm tài sản cố định, bởi thế nào cũng có thời điểm giảm giá.
Giá vàng đã có lúc biến động 10 lần một ngày nên không vội gì đổ xô đi mua trong những lúc giá lên.
Xin cám ơn ông!
Nguyễn Hiền (thực hiện)