Sẽ điều chỉnh Quy chế kinh doanh thép?
Bộ Tư pháp đã chính thức vào cuộc, những bất cập trong Quy chế kinh doanh thép xây dựng một lần nữa được bóc tách. Rất có thể quy chế này sẽ được điều chỉnh trong thời gian tới.
Ngày 15/8/2005, Bộ Thương mại ban hành Quyết định số 2212/2005/QĐ-BTM, ban hành Quy chế kinh doanh thép xây dựng (sau đây gọi tắt là Quy chế). Tuy nhiên, bản quy chế này lập tức vấp phải phản ứng của nhiều doanh nghiệp vì những bất cập trong nội dung.
Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tư pháp chính thức vào cuộc thẩm định lại nội dung bản quy chế. Và cuối tuần qua, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) đã đưa ra một số nội dung cơ bản trong Quy chế để cùng các ban ngành liên quan trao đổi.
Điểm dễ nhận thấy là nhiều điểm mà Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (KTVBQPPL) đưa ra đều “chống lại” nội dung Quy chế mà Bộ Thương mại đã ban hành.
Chưa đến phần nội dung, ngay ở phần căn cứ ban hành Quyết định 2212, Cục KTVBQPPL khẳng định: “Bộ Thương mại ban hành quy chế kinh doanh thép là không đúng thẩm quyền Thủ tướng giao”. Bởi “việc ban hành quy chế điều hành thị trường thép trong nước đã được Thủ tướng giao cho Bộ Công nghiệp chủ trì, Bộ Thương mại chỉ là đơn vị phối hợp”.
Đến phần nội dung, Cục KTVBQPPL ít nhất ba lần dùng tới cụm từ “Luật không quy định” để lật lại một số điểm nêu trong Quy chế. Cụ thể như: “Luật thương mại hiện hành không quy định, bên bán hàng theo hợp đồng mua bán phải chịu trách nhiệm về tính pháp lý đối với hoạt động kinh doanh và giá bán lẻ hàng hóa do mình cung ứng trên thị trường”.
“Luật không quy định, bên giao đại lý chịu trách nhiệm về tính pháp lý đối với hoạt động kinh doanh và giá bán lẻ hàng hóa do mình cung ứng trên thị trường”.
“Pháp luật không quy định một doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về tính pháp lý đối với hoạt động kinh doanh của một doanh nghiệp khác. Do đó, trường hợp nhà cung ứng là một doanh nghiệp thì họ cũng không có nghĩa vụ phải chịu trách nhiệm về tính pháp lý đối với hoạt động kinh doanh của một chủ thể khác”.
Mặt khác, Cục KTVBQPPL khẳng định nhà cung ứng thép có nghĩa vụ chịu trách nhiệm về chất lượng thép do mình đã cung ứng và thực hiện một số nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật, chứ không có trách nhiệm cũng như không đủ điều kiện để chịu trách nhiệm về hoạt động sản xuất, kinh doanh và giá thép do mình cung ứng trên thị trường, đồng thời nhà cung ứng không thể áp đặt giá đối với mạng lưới phân phối thép không phải là đơn vị trực thuộc.
Ngoài ra, điểm d khoản 2 Điều 6, điểm d khoản 2 Điều 7 của Quy chế (quy định trách nhiệm liên đới của nhà phân phối, tổng đại lý) là “thiếu chặt chẽ, chưa hoàn toàn phù hợp với pháp luật về kinh doanh, thương mại”.
Về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, Điều 1 Quy chế quy định: “Quy chế này điều chỉnh hoạt động kinh doanh thép xây dựng trên thị trường Việt Nam”; Điều 2 quy định: “Quy chế này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh thép xây dựng thuộc mọi thành phần kinh tế”. Tuy nhiên nội dung Quy chế lại chỉ tập trung vào quy định quyền và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân kinh doanh thép xây dựng thông qua hình thức đại lý.
Cục KTVBQPPL cũng lưu ý thêm Chỉ thị 30/2004/CT-TTg của Thủ tướng về chỉ đạo việc sớm hình thành hệ thống đại lý và mạng lưới kinh doanh thép… được áp dụng đối với Tổng công ty Thép Việt Nam, chứ không bao gồm cả Hiệp hội Thép Việt Nam.
Chính sự chưa tương xứng về nội dung của Quy chế với phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng đã dẫn đến nhiều cách hiểu không thống nhất, gây khó khăn cho quá trình tổ chức thực hiện Quy chế từ khi ban hành đến nay.
Như vậy, vẫn còn nhiều tranh luận và những quy định cần xem xét lại cũng như cần được thống nhất. Để hoàn thiện, rất có thể nhiều điểm của Quy chế sẽ được điều chỉnh lại trong thời gian tới; hy vọng là trong thời gian ngắn.
Theo Trịnh Minh Đức
VnEconomy