1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Gia nhập WTO:

Sẽ đau đầu với các vụ kiện chống bán phá giá

(Dân trí) - Trước thực trạng các vụ kiện chống bán phá giá liên tiếp xảy ra thời gian qua, đã đến lúc các DN Việt Nam cần coi đây như là một thách thức của tự do hóa thương mại. Tuy nhiên mỗi DN cũng cần trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về thương mại quốc tế để chủ động trong kế hoạch sản xuất, xuất khẩu phù hợp…

Các DN bắt đầu bối rối

Theo đánh giá của các chuyên gia thương mại, các vụ kiện chống bán phá giá là chuyện thường ngày trong thương mại quốc tế và bất cứ DN nào cũng cần phải chuẩn bị để đối đầu với "thử thách" này.

Theo số liệu của Ban Thư ký Tổ chức thương mại thế giới (WTO), từ 1995 đến tháng 6/2005, các nước thành viên WTO đã tiến hành 2.743 cuộc điều tra về bán phá giá trong đó 1.729 vụ đã bị áp thuế chống bán phá giá.

Thống kê cho thấy Trung Quốc phải đối mặt với 434 vụ, Hàn Quốc 212 vụ và Hoa Kỳ 158 vụ… Còn tại Việt Nam, trong khi mặt hàng giầy mũ da vừa bị Uỷ ban Châu Âu (EC) áp thuế chống bán phá giá, thì cũng tháng 5, hai mặt hàng đèn huỳnh quang và dây truyền dẫn lực lõi thép lại bị Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ áp loại thuế này.

Việc các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam liên tiếp bị áp thuế chống bán phá giá đã chứng tỏ hàng hóa do các DN Việt Nam sản xuất có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, ngoài tín hiệu khả quan này, các vụ kiện cũng gây ra không ít tác động tiêu cực.

Trước đây, khi các vụ điều tra bán phá giá chỉ tập trung vào 1 số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu thấp như: mì chính, bật lửa, tỏi... nên các DN chưa quan tâm lắm, nhưng nay những mặt hàng chủ lực như: thủy sản, xe đạp, giầy dép... đã lọt vào "tầm ngắm" của các đối thủ cạnh tranh. Nhiều DN đến khi bị khởi kiện, điều tra mới hiểu rõ những tác hại khôn lường do những vụ kiện chống bán phá giá gây ra.

Thực tế sau khi Uỷ ban Châu Âu (EC) áp thuế chống bán phá giá với mặt hàng giày mũ da, nhiều DN sản xuất da giày Việt Nam đã buộc phải cắt giảm năng suất, việc làm do không ký được hợp đồng.

Đừng mạnh ai nấy làm

Theo các chuyên gia thương mại, trong xu hướng toàn cầu hóa thương mại và theo quy định của WTO, những biện pháp cổ điển để bảo vệ hàng hóa trong nước, như hàng rào thuế quan và phi thuế quan... ngày càng bị hạn chế và không còn thông dụng.

Do đó các nước phát triển đã tăng cường sử dụng các biện pháp về chống bán phá giá, chống trợ cấp, vệ sinh an toàn thực phẩm, cũng như các biện pháp tự vệ đối với hàng nhập khẩu. Mục đích cuối cùng là tìm mọi biện pháp để bảo hộ ngành sản xuất nội địa.

Đã đến lúc các DN cần coi các vụ kiện chống bán phá giá là một thách thức của tự do hóa thương mại. Mỗi DN cần được trang bị những kiến thức cơ bản về luật thương mại quốc tế để chủ động đối phó khi cần thiết và có kế hoạch sản xuất, xuất khẩu phù hợp.

Vai trò điều tiết thị trường cho hàng xuất khẩu Việt Nam của các nhà quản lý cũng rất quan trọng khi họ phân tán được các rủi ro khi xảy ra kiện cáo. Xét về lâu dài, cách khôn ngoan nhất vẫn là không để các vụ kiện xảy ra.

Muốn vậy, các DN và Hiệp hội DN phải chủ động điều tiết các thị trường và tăng, giảm hàng hóa xuất khẩu cho thích hợp. Để làm được điều này phải bỏ hẳn tư tưởng “mạnh ai nấy làm” như hiện nay.

Nguyễn Hiền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm