Sẽ còn thiếu điện vì... "cửa quyền"

Một mùa thiếu điện lại tới, không chỉ riêng người tiêu dùng điện ngán ngẩm nhà điện, mà ngay cả DN sản xuất ra điện, DN sắp có điện bán cho Tổng Công ty Điện lực VN (EVN) cũng ngán ngẩm, khi nghĩ tới việc phải làm ăn với cơ chế độc quyền của EVN.

Nhà máy điện Formosa có công suất 150MW, nhưng chẳng lúc nào chạy được hết công suất,  mà chỉ phát điện được 80MW, bởi EVN "chỉ cần mua như thế" (?).

Theo các chuyên gia kỹ thuật, máy nhiệt điện chạy hết công suất thì mới hiệu quả kinh tế. Còn phát điện như kiểu Formosa thì chỉ tổ... phá máy, bởi sẽ tăng độ hao mòn động cơ, ảnh hưởng tuổi thọ máy phát.

Còn Nhà máy điện Hiệp Phước của một Công ty liên doanh, do thừa công suất, đã đàm phán với EVN để phát điện lưới quốc gia. Sau một thời gian dài đàm phán, chủ nhân nhà máy bức xúc tới mức đòi phá luôn máy phát để không phải nghĩ đến chuyện bán điện cho EVN, bởi EVN thiếu điện nhưng không có thiện chí mua, sau một thời gian "cò kè" từng cent hạ giá rồi lại không mua, trong khi họ đang phải nhập khẩu điện từ Trung Quốc với giá không hề rẻ.

Biểu hiện độc quyền của EVN rõ nhất là việc mua điện Nhà máy điện Cà Mau 1. Đây là dự án của Tổng Công ty Dầu khí VN (PetroVietnam), đã xây lắp xong. Đợt thiếu điện đầu năm, nhà máy đã phát lên lưới 600 triệu kWh nhưng chỉ được tạm ứng tiền bán điện, chưa được thanh toán. Được biết, nguyên nhân là bởi EVN vẫn chưa chịu ký hợp đồng mua điện của PetroVietnam.

Theo giới kinh doanh điện, đây là hai Tổng Công ty nhà nước, lại cùng là thành viên của Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) mà EVN còn "gây khó" như thế, thì chuyện DN điện bị phân biệt đối xử như Formosa, Hiệp Phước... là dễ hiểu.

Nền kinh tế đất nước đang phát triển mạnh, cần rất nhiều năng lượng điện. Theo lời kêu gọi của Chính phủ, nhiều thành phần kinh tế đang ồ ạt đầu tư các dự án điện để tăng nguồn cung cho lưới điện quốc gia.

Vậy mà EVN - DN được độc quyền kinh doanh điện - vẫn còn cách hành xử "cửa quyền" như thế, thì nguồn điện còn thiếu... dài dài.

Theo Công Thắng
Báo Lao động