Sẽ cố không để “bong bóng” bất động sản

Thị trường bất động sản Việt Nam thời gian qua đã xuất hiện nhiều tín hiệu hồi phục. Nhận định xu hướng của thị trường thời gian tới, ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), nói:

Sẽ cố không để “bong bóng” bất động sản - 1

Ông Nguyễn Mạnh Hà.

Sau một thời gian trầm lắng do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, thị trường bất động sản nhìn chung đã có những dấu hiệu chuyển biến tích cực.

Một số phân khúc nhà ở, chung cư đã có nhiều khách hàng quay trở lại. Đây là những tín hiệu tốt và cũng là diễn biến bình thường trên thị trường bất động sản.

Tuy nhiên, khi kinh tế vẫn chưa hồi phục rõ ràng, liệu có yếu tố đầu cơ trong xu hướng tăng giá bất động sản thời gian qua, thưa ông?

Nếu kết luận là đầu cơ hay không cũng chưa có cơ sở, bởi nhiều người cũng có thể mua để ở hoặc để đầu tư. Chúng ta luôn có tâm lý nghĩ xấu đối với các nhà kinh doanh bất động sản.

Khi mà pháp luật không cấm, trong tay có tiền thì họ hoàn toàn có thể mua nhà để đầu tư, kinh doanh. Chúng ta hiện nay không cấm chuyện bán nhà, mua nhà nên việc mua đi bán lại nhà đất ở tất cả các khu vực là chuyện bình thường.

Ngoài ra, theo tôi nghĩ thì đối với thị trường bất động sản nói chung và thị trường nhà ở nói riêng của Việt Nam vẫn luôn luôn có nhu cầu lớn, chứ không phải là nhu cầu ảo.

Nhu cầu ảo chỉ xảy ra khi những sản phẩm không thể đến được tay người có nhu cầu thực sự, hoặc giá cả của sản phẩm vượt quá khả năng chi trả của người dân.

Giá cả thị trường bất động sản tại một thời điểm nhất định thì phụ thuộc vào cung - cầu. Hiện nay, cung về nhà đất của mình vẫn còn quá ít so với nhu cầu nên giá tăng cũng là chuyện bình thường, không có gì là khó hiểu cả.

Gần đây, nhiều ngân hàng đã “thoáng” hơn trong việc cho vay bất động sản. Động thái này sẽ tác động như thế nào đến thị trường nhà đất?

Theo tôi được biết thì dư nợ cho vay bất động sản vẫn nằm trong tầm kiểm soát của các ngân hàng và cũng chưa vượt quá ngưỡng an toàn.

Do đó, với sự kiểm soát chặt chẽ của chúng tôi cũng của các ngân hàng, sẽ không có tác động nào xấu đến thị trường bất động sản cung như nguy cơ có “bong bóng” trên thị trường.

Tại sao giá nhà chung cư cũ lại đột nhiên “sốt” cao thời gian qua, theo ông?

Việc “sốt” giá này cũng không phải là điều gì quá bất thường bởi, giá bất động sản từ xưa đến nay vẫn phụ thuộc nhiều vào vị trí. Trong khi đó, các khu chưng cư cũ vẫn thường ở các vị trí đắc địa, nên nếu người ta bỏ tiền ra mua rồi sửa sang lại thì sẽ có giá trị rất cao.

Theo ông, thị trường bất động sản Việt Nam thời hậu khủng hoảng sẽ như thế nào?

Tôi nghĩ thị trường bất động sản trong thời gian tới vẫn phát triển mạnh vì cầu vẫn rất lớn. Còn giá cả thì cũng khó có thể dự báo trước, bởi nó tùy thuộc vào từng phân khúc cụ thể.

Chẳng hạn, phân khúc nhà cao cấp thì có thể giảm bởi nó cũng không thể tăng lên mãi được, còn nhà ở cho người thu nhập thấp thì giá cả sẽ ngày càng phù hợp hơn với sự hỗ trợ từ Chính phủ.

Còn có “bong bóng” trên thị trường hay không thì không ai có thể nói trước được, bởi ngay như nước Mỹ có trình độ quản lý như thế mà để vẫn xảy ra “bong bóng”.

Nhưng, với trách nhiệm của cơ quan quản lý, chúng tôi sẽ cố hết sức để tình trạng đó không xảy ra khi nền kinh tế hồi phục. Chúng tôi sẽ chú ý, tập trung nhiều hơn đến các nhà đầu tư thứ cấp, đặc biệt là đối với phân khúc thị trường nhà ở cao cấp, bởi đây có thể là mấu chốt gây nên đổ vỡ cho thị trường.

Trong cách điều hành, quản lý của mình, chúng tôi sẽ điều tiết làm sao để khi phát triển thị trường thì sẽ phát triển cân đối, hài hòa cho tất cả các phân khúc, đáp ứng được nhiều đối tượng khác nhau.

Theo Từ Nguyên
VnEconomy

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm