Sẽ chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu tín dụng nông nghiệp nông thôn

(Dân trí) - Chia sẻ về nguồn vốn đối với nông nghiệp, nông thôn, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh tới việc chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu tín dụng để phù hợp cơ cấu nông nghiệp, phù hợp cơ cấu nguồn vốn, với quy hoạch của từng vùng, từng miền, các địa phương.

Sáng nay 30/10, Hội thảo “Tín dụng ngân hàng thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước và Báo Nông thôn Ngày nay/Báo điện tử Dân Việt tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội.

Lãi suất cho vay nông nghiệp giảm mạnh

Đánh giá lại kết quả đầu tư tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho hay: Đến 30/9, đầu tư tín dụng vào nông nghiệp, nông thôn đã đạt trên 925.000 tỷ đồng (chưa bao gồm dư nợ cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam), tăng 9,6% so với cuối năm 2015 và 13,43% so với cùng kỳ.

Cùng với đó, tăng trưởng tín dụng bình quân trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn giai đoạn 2010-2015 đạt 17,4%, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng bình quân chung. Tỷ trọng cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chiếm trên 18% tương đương với mức đóng góp của ngành vào GDP của nền kinh tế.

Lãi suất cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cũng đã giảm mạnh, phổ biến từ 6-8%/năm, riêng lãi suất cho vay ngắn hạn được khống chế ở mức dưới 7%/năm. Những đối tượng chính sách, ưu đãi và nhiều chương trình tín dụng đặc thù thì lãi suất chỉ khoảng 5-6%/năm.

Hội thảo với sự có mặt của rất nhiều bên liên quan tới nông nghiệp nông thôn
Hội thảo với sự có mặt của rất nhiều bên liên quan tới nông nghiệp nông thôn

Theo ông Phạm Toàn Vượng, Phó Tổng giám đốc Agribank, tính đến 30/9, tổng dư nợ cấp tín dụng và đầu tư của ngân hàng đạt 743.580 tỷ đồng, dư nợ cho vay nền kinh tế đạt 685.829 tỷ đồng; dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn đạt 473.222 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 69% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế).

Là ngân hàng đóng vai trò chủ lực trong đầu tư cho vay nông nghiệp nông thôn, nhưng theo đại diện Agribank cũng nêu lên 6 khó khăn cần tháo gỡ. Trong đó, đầu tư cho nông nghiệp là lĩnh vực có nhiều rủi ro như thiên tai, dịch bệnh nên các tổ chức tín dụng chưa mặn mà tham gia nếu không có các chính sách hỗ trợ của nhà nước.

Tham gia hội thảo, đại diện các hộ nông dân đã đề xuất các ngân hàng để có thể tiếp cận nguồn vốn theo nhiều cách. Ông Phạm Đình Thắng, nông dân xuất sắc huyện Hàm Yên - Tuyên Quang, mong các ngân hàng tạo điều kiện để giúp đỡ cho doanh nghiệp vay vốn có thể thế chấp bằng nhà xưởng, máy móc (có giá trị lên đến vài tỷ) vì thế chấp bằng có bìa đỏ đất nông nghiệp giá trị đất rất rẻ, chỉ có thể vay vài chục triệu.

Cũng cùng mong muốn như ông Thắng, bà Trịnh Thị Mý, Quế Võ - Bắc Ninh, đề nghị cho thế chấp bằng trang trại để vay vốn.

"Hiện Nghị định 55 đã có cơ chế cho vay tín chấp nhưng chúng tôi chưa tiếp cận được nguồn vốn tín chấp. Còn về thế chấp, chúng tôi đã phải sử dụng 6 bìa đỏ, diện tích 4.200m2 và có cả nhà kiên cố mới vay được vốn", bà Mý cho hay.

Do đó, bà Mý đề nghị Hội Nông dân làm tốt công tác tham mưu quan tâm đầu ra thực phẩm trong nước; có chế tài xử lý thật nặng chất cấm trong chăn nuôi. Nếu không sẽ ảnh hưởng rất lớn tới giá cả trong chăn nuôi. Cần có chính sách cấp bìa đỏ cho trang trại chăn nuôi cách xa trong khu dân cư với thời hạn 50 năm để có thể dùng làm tài sản thế chấp vay vốn.

Cần thành lập ngân hàng đất

TS. Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm UBKT của Quốc hội chia sẻ, vừa qua, ông và các đồng nghiệp đi nghiên cứu ở 23 tỉnh trên cả nước, qua đó cho thấy có 3 vấn đề: Nông dân sản xuất nhỏ lẻ, trung bình có tới 2,7 hộ trên một mảnh ruộng, trung bình chưa tới 2.000 m2, còn ở miền Tây Nam Bộ tương đương 7.000 - 8.000 m2. Mỗi khi mất mùa, các hộ dân phải ứng trước sổ đỏ đặt vào ngân hàng. Vấn đề ở đây là phải có sự chia sẻ, đưa tư duy sản xuất công nghiệp vào nông nghiệp. Nếu chỉ đặt vấn đề yêu cầu các tổ chức tín dụng giảm lãi suất, tiêu chí, điều kiện cho vay thì thực ra không minh bạch, công bằng lắm.

"Ở góc độ nghiên cứu, tại sao trong sản xuất công nghiệp sẵn sàng cổ phần hóa doanh nghiệp và chuyển giao tài sản ấy cho những chủ sở hữu khác. Tức là ai sử dụng tài sản ấy hiệu quả nhất thì phân công. Tại sao ở trong nông nghiệp lại không áp dụng như thế. Miền Bắc thì dồn điền đổi thửa, còn ở An Giang có cánh đồng mẫu lớn", ông Kiên đặt vấn đề.

Do đó, theo ông Kiên, các nhà nghiên cứu cần tính để hình thành ra ngân hàng đất. "Qua nghiên cứu, phần đông ở miền Bắc và miền Tây Nam Bộ chỉ còn người già và trẻ con ở khu nông nghiệp. Nên chăng thành lập ngân hàng đất để ngân hàng đất cho các doanh nghiệp thuê lại để sản xuất lớn?", ông Kiên đặt câu hỏi.

Đề cập tới giá trị gia tăng tạo ở lĩnh vực nông nghiệp, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, cần làm rõ đóng góp của vốn tín dụng là lao động, đất đai, tài nguyên và vốn sáng tạo.

"Rõ ràng ở đây chúng ta thấy nông nghiệp chưa tạo được hấp dẫn đối với ngân hàng. Hiện nay, chúng ta tăng nguồn để bù đắp cho cái không đủ hấp dẫn của thị trường nhưng ai sẽ bù đắp chi phí đó. Nguồn vốn tín dụng trong lĩnh vực này vừa qua cũng đã góp phần giảm nghèo. Chúng ta đã hy sinh hiệu quả như Agribank hay Ngân hàng CSXH thực hiện trong thời gian qua. Bên cạnh đó, cần nhìn nhận bản chất tái cấu trúc nông nghiệp tại Việt Nam", ông Thành nói.


Ông Đào Minh Tú chủ tọa phiên thảo luận (ảnh: Dân Việt).

Ông Đào Minh Tú chủ tọa phiên thảo luận (ảnh: Dân Việt).

Với những kiến nghị đó, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết định hướng sắp tới của ngành ngân hàng trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, là tăng cường mối quan hệ với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cũng như các tổ chức chính trị xã hội khác để thực hiện tốt các chương trình tín dụng, hướng dòng vốn vào lĩnh vực sản xuất và kinh doanh và góp phần tái cấu trúc nền nông nghiệp.

Thứ nhất là chúng tôi sẽ chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu tín dụng để phù hợp với chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp nói chung. Ví như trước đây chương trình thu mua lương thực có 3 gói ưu đãi, nhưng với hiện tại chúng ta nên đặt vấn đề có nên tiếp tục như vậy hay không. Hay chuyển đổi cơ cấu cây trồng này sang trồng cây khác thì tín dụng cũng phải chuyển đổi cả về nguồn vốn, dư nợ, lãi suất, thời hạn để phù hợp với chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp, phù hợp với quy hoạch từng vùng, từng miền và quy hoạch chung.

Thứ hai tập trung vốn tín dụng ưu đãi một cách phù hợp, không triển khai tràn lan cho tất cả các lĩnh vực. Ngành ngân hàng sẽ chú trọng vốn cho những ngành có vai trò chuyển mạnh cơ cấu sản xuất, cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp như là xuất khẩu, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao tạo giá thành thấp, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm. Tạo điều kiện cả về vốn, thời hạn, lãi suất, điều kiện thủ tục vay cho các đối tượng đó. Đó là các đối tượng mục tiêu trong Nghị định 89 của Chính phủ trong vấn đề chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, nông thôn.

Đặc biệt cho vay các doanh nghiệp, dự án, hộ gia đình tham gia vào chuỗi liên kết giá trị sản phẩm từ khâu chế biến, sản xuất, xuất khẩu và ngân hàng như sợi dây trong chuỗi liên kết. Các bên tham gia tìm được lợi ích sẽ tự nguyện tham gia. Vai trò của ngân hàng giống sợi dây, tạo ra lợi ích chung cho các thành phần tham gia chuỗi liên kết này.

Thứ ba là tiếp tục tham gia vào các chương trình mục tiêu quốc gia như Chương trình Nông thôn mới, chương trình giảm nghèo bền vững, …

Thứ tư là tiếp tục các chương trình tín dụng đã có nhưng có chọn lọc, giảm bớt các chương trình tín dụng đã hoàn thành vai trò của nó. Ví dụ như Ngân hàng Chính sách xã hội hiện có 22 chương trình tín dụng, dàn hàng ngang như thế, nguồn lực khó khăn. Trong thời gian tới phải gom lại, chỉ giữ lại những chính sách ưu tiên ưu đãi đảm bảo được hiệu quả hỗ trợ việc chuyển đổi kinh tế nông nghiệp nông thôn.

Thứ năm là thực hiện tốt nhất Nghị định 55. Nghị định này được đánh giá là cuộc cách mạng hay là sự cởi mở tích cực trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn.

Có ý kiến nói quan hệ giữa doanh nghiệp và ngân hàng chưa bám sát Nghị định 55, nhưng đây không phải là chuyện riêng của ngành ngân hàng mà cả các cấp chính quyền đều phải vào cuộc.

Nghị định 55 cũng có những điều kiện ràng buộc, nếu các địa phương có sự vào cuộc mạnh mẽ thì chắc chắn Nghị định 55 sẽ được triển khai tốt, mạnh mẽ, tích cực.

NHNN cũng đã ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết nâng cao môi trường cạnh tranh của nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng được thực hiện quyết liệt. Ngay tuần trước tôi được giao thành lập đoàn kiểm tra các ngân hàng thương mại thực hiện Nghị quyết trên. Kết quả cho thấy các ngân hàng thương mại cũng đang quyết liệt triển khai để đến cuối năm sẽ cung cấp các gói tín dụng cho người dân với những điều kiện cụ thể, lãi suất, thời hạn vay vốn…Tất cả những thông tin này sẽ công khai để không còn trường hợp như anh Thành nói. Mục tiêu chúng tôi là như thế.

Thứ sáu là tăng cường sự phối hợp chính sách, điều hành chính sách giữa các Bộ ngành, địa phương để làm sao trong điều kiện còn khó thì nguồn vốn tín dụng hỗ trợ được hiệu quả tối đa cho các doanh nghiệp. Để làm được ngành ngân hàng còn phụ thuộc vào các bộ ngành khác. Như muốn sửa một điểm cho vay đóng tàu theo Nghị định 67, phía ngân hàng lo vốn nhưng để đóng con tàu thì liên quan rất nhiều đến Bộ ngành, địa phương khác. Hay như chuyện tái canh cây cà phê, cần gói 12 nghìn tỉ, trong đó Ngân hàng nông nghiệp đảm đương 7 nghìn tỉ để thực hiện. Nhưng để vùng nào tái canh, mức độ tái canh như thế nào thì các bộ ngành phải thực hiện. Chứ ngân hàng cứ ôm khư khư gói 12 nghìn tỷ mà không biết phải giải ngân cho đối tượng nào, vùng nào.

Thế Hưng