Thủ tướng:
Sẽ cho phép nhà đầu tư ngoại mua trên 30% cổ phần ngân hàng Việt
(Dân trí) - Thông báo với Chủ tịch Ngân hàng Tokyo Mitsubishi UFJ, Thủ tướng cho biết, Chính phủ Việt Nam đang sửa đổi và sẽ sớm ban hành Nghị định cho phép các nhà đầu tư nước ngoài được mua cổ phần của các ngân hàng thương mại Việt Nam với tỷ lệ lớn hơn mức trần 30% hiện nay.
Ảnh: VGP
BTMU đã tài trợ hàng tỷ USD cho các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư các dự án sản xuất công nghiệp và xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng và giao thông tại Việt Nam. Đây được cho biết là kết quả cụ thể sau cuộc đối thoại bàn tròn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với BTMU và 13 tập đoàn lớn nhất Nhật Bản tại Tokyo vào tháng 12/2013.
Hiện tại, BTMU đã tham gia làm cổ đông chiến lược của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) và cam kết tiếp tục hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam cũng như hỗ trợ Việt Nam phát triển công nghiệp phụ trợ, công nghiệp công nghệ cao, hạ tầng và phát triển nông nghiệp.
Tại buổi làm việc chiều nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng tái khẳng định cam kết Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục tạo môi trường chính sách thuận lợi, thông thoáng, khuyến khích các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Nhật Bản đầu tư, kinh doanh lâu dài, thành công tại Việt Nam, trong đó có lĩnh vực ngân hàng.
Thủ tướng cho biết, Chính phủ Việt Nam đang sửa đổi và sẽ sớm ban hành Nghị định cho phép các nhà đầu tư nước ngoài được mua cổ phần của các ngân hàng thương mại Việt Nam với tỷ lệ lớn hơn mức trần 30% hiện nay.
Cho biết Việt Nam là nước thứ 2 trong ASEAN mà doanh nghiệp, nhà đầu tư Nhật Bản hoạt động với hơn 1.500 doanh nghiệp, ông Nobuyuki Hirano cho biết dòng đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam đang và sẽ tiếp tục gia tăng.
Theo đó, ngoài các lĩnh vực hiện có, các doanh nghiệp nước này đang định hướng đầu tư mạnh vào các lĩnh vực như công nghiệp phụ trợ, công nghiệp công nghệ cao, hạ tầng năng lượng, giao thông và lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam. Đây cũng là lĩnh vực mà Ngân hàng BTMU sẵn sàng tài trợ vốn cho các doanh nghiệp Nhật Bản cũng như các doanh nghiệp Việt Nam. Ngoài ra phía Nhật Bản cũng sẵn sàng chuyển giao công nghệ các ngành công nghiệp phụ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam.
Bên cạnh việc đánh giá cao định hướng phát triển kinh tế nhanh và bền vững của Việt Nam cũng như triển khai 3 khâu đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực gắn với tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng của Việt Nam, ông Nobuyuki Hirano cũng góp ý, Việt Nam cần tiếp tục các nỗ lực đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao; phát triển mạnh doanh nghiệp tư nhân; ngành công nghiệp phụ trợ; đẩy mạnh cổ phần hóa; xây dựng cơ sở hạ tầng; và cải cách mạnh thủ tục hành chính.
Bích Diệp