Thị trường máy tính Việt Nam trước WTO:
Sẽ chỉ còn các “đại gia” sống sót?
Theo các chuyên gia, khi nước ta gia nhập WTO, các nhà sản xuất, lắp ráp máy tính nhỏ lẻ, ít đầu tư khó mà trụ nổi trước sự cạnh tranh của các hãng máy tính nước ngoài.
6 tháng đầu năm 2006, số lượng máy tính bán ra đã tăng lên khoảng 24% so với cùng kỳ năm trước, trong đó trên 70% máy bán ra là loại máy lắp ráp trong nước. Máy tính trong nước đã đủ sức cạnh tranh với máy tính nước ngoài.
Có được kết quả trên là bởi lợi thế giá cả và mạng lưới tiêu thụ rộng rãi.
Tuy nhiên, có một thực tế đáng báo động là trong số máy tính tiêu thụ ở Việt Nam chỉ khoảng 10% là máy tính nội địa có thương hiệu, còn lại đa số đều là là máy tính được lắp ráp từ nhiều nguồn linh kiện trôi nổi, không rõ nguồn gốc.
Vì thế, chất lượng của hầu hết các loại máy này đều không cao, chế độ bảo hành thường rất ngắn, gây thiệt hại cho không ít khách hàng.
Với thực tế này, việc đối mặt với cách cửa WTO đang sắp rộng mở sẽ là một khó khăn lớn cho những nhà sản xuất máy tính vừa và nhỏ tại Việt Nam.
Theo dự báo của các chuyên gia máy tính, hiện đã có nhiều công ty nước ngòai như Apple, Acer, IBM… đã có những bước chuẩn bị cụ thể để chen chân vào thị trường máy tính Việt Nam còn khá rộng lớn này. Điều này đặt ra một bài toán hóc búa cho các doanh nghiệp máy tính Việt Nam: Phải làm gì để đứng vững trước “cơn lốc” WTO.
Thực tế thì việc phát triển, xây dựng dây chuyền lắp ráp máy tính đã được nhiều công ty trong nước tiến hành từ khá lâu.
Cụ thể giữa những năm 90, Tổng công ty điện tử Việt Nam đã đầu tư một dây chuyền lắp ráp nhưng sau đó đã phải hủy bỏ. Năm 2002 Công ty điện tử Tân Bình cũng đã đầu tư một dây chuyền lắp ráp máy tính nhưng tới hiện tại dây chuyền này vẫn đang trong tình trạng đóng cửa để bảo dưỡng.
Ngoài ra, cũng đã có nhiều đơn vị đầu tư xây dựng lắp ráp nhiều dây chuyền quy mô nhỏ, và chủ yếu những đơn vị này vẫn chọn hình thức lắp ráp thủ công.
Trong số các đơn vị đã đầu tư mạnh vào những dây chuyền máy tính có quy mô thực sự cho đến nay có 2 đơn vị FPT và Công ty điện tử Hanel.
Tháng 5/2003, dây chuyền lắp ráp máy tính công suất 120.000 máy/năm của Hanel với số tiền đầu tư ban đầu là 5 tỷ đồng đã đi vào họat động. Điều đặc biệt là dây chuyền đã được trang bị 1 phòng thí nghiệm đo lường với nhiều thiết bị đo lường quan trọng như máy môi trường, Test tiếng ồn, độ rung, độ an tòan điện…
Tuy nhiên hiện tại dây chuyền vẫn hoạt động khá cầm chừng và sản phẩm của Hanel vẫn chưa có chỗ đứng vững chắc ngoài thị trường.
FPT cũng đã xây dựng dây chuyền lắp ráp công suất 170 ngàn máy/năm được đánh giá là hiện đại nhất Việt Nam với hệ thống Test, hệ thống chạy thử tự động đều đạt và được cấp chứng chỉ ISO. Nhưng hiện nay, nhà máy cũng vẫn chỉ sản xuất cầm chừng.
Ông Trần Anh Quốc Cường - Giám đốc nhà máy lắp ráp máy tính FPT cho biết: “Với tình hình tiêu thụ của thị trường Việt Nam hiện nay thì những máy tính có thương hiệu như chúng tôi vẫn chỉ được sản xuất ở mức cầm chừng.
Và nếu không có những đột phá thay đổi từ phía thị trường thì rất khó nói trước được tương lai của những máy tính có thương hiệu tại Việt Nam.”
Tuy nhiên, ông Cường cũng cho rằng với sự đầu tư khá hiện đại và quy mô như FPT thì việc mở cửa WTO sẽ là cơ hội lớn để máy tính mang thương hiệu FPT có thể cạnh tranh với những thương hiệu nước ngoài.
Lý do nào để FPT có thể tự tin đến vậy? Ông Cường cho rằng: “Chúng tôi đã có một hệ thống bán hàng và hậu mãi hoàn chỉnh trên khắp cả nước. Cùng với thương hiệu FPT đã trở nên quen thuộc thì điều này là lợi thế của chúng tôi so với những thương hiệu lạ.”
Một đại gia khác trên thị trường máy tính cũng đang lắp đặt và hoàn chỉnh nhà máy lắp ráp máy tính là Công ty Nguyễn Hoàng.
Với diện tích xây dựng nhà máy trên 2.200m3, Nguyễn Hoàng sẽ đầu tư dây chuyền lắp ráp công nghệ mới nhất trị giá khoảng 800.000 USD. Nhà máy sẽ có sự hỗ trợ chính thức của tập đoàn Intel và sự một số nhà cung cấp linh kiện máy tính nổi tiếng khác.
Theo dự kiến, dây chuyền sẽ hoàn tất vào cuối năm nay và mỗi năm cung cấp cho thị trường khoảng 500.000 ngàn máy mang thương hiệu ViBird.
Ông Hòang Quốc Việt - Tổng giám đốc công ty Nguyễn Hoàng nói: “Chúng tôi sẽ tập trung vào đầu tư công nghệ, chất lượng máy tính cũng như các giải pháp ứng dụng. Với hệ thống bệnh viện máy tính ICare của chúng tôi đang mở rộng hiện nay, chế độ hậu mãi về máy tính Vibird của chúng tôi sẽ đủ sức cạnh tranh với bất cứ thương hiệu nào.”
“Vậy thị trường máy tính trong nước sẽ thay đổi như thế nào khi Việt Nam sẽ trở thành thành viên của WTO?”
Trả lời câu hỏi này, hầu hết những chuyên gia có kinh nghiệm đều cho rằng với sự tham gia của những thương hiệu máy tính lớn trên thế giới thì thị trường máy tính nhỏ lẻ trong nước sẽ phải dần lùi bước. Còn với những thương hiệu máy tính thuần Việt đã có bước chuẩn bị chu đáo sẽ đủ sức để cạnh tranh.
Điều đó cũng làm cho thị trường máy tính sôi động hơn và đem lại thêm nhiều lợi ích cho người tiêu dùng.
Theo T.Thịnh - N.Thuận
Báo Tiền phong