Schneider Electric và chiến lược áp dụng Công nghệ 4.0 cho phát triển bền vững
(Dân trí) - Nhân dịp Schneider Electric tiếp tục chào mừng chặng đường 25 năm tại Việt Nam, tân Giám đốc Schneider Electric IT Việt Nam kiêm Phó Tổng Giám đốc Schneider Electric Việt Nam, Morgan Duarte đã có những chia sẻ về cam kết phát triển bền vững của Tập đoàn trong thời đại công nghệ 4.0.
Ở cương vị mới tại Schneider Electric IT Việt Nam (SEIT) nói riêng và toàn tập đoàn Schneider Electric Việt Nam nói chung, ông sẽ áp dụng kinh nghiệm làm việc của mình như thế nào để đưa doanh nghiệp tiến lên phía trước?
Tôi rất vui mừng khi được tin tưởng giao phó những vị trí quan trọng này, và hiện nay tôi đang phụ trách ba thị trường là Việt Nam, Campuchia và Myanmar. Tôi đã có kinh nghiệm làm việc tại Schneider Electric trong suốt 10 năm qua, tại nhiều nước khác nhau, bao gồm Pháp, Đài Loan và Thái Lan. Kinh nghiệm làm việc trong cả hai mảng IT và điện đã giúp tôi có cái nhìn tổng quát về thị trường trung tâm dữ liệu (data center).
Tôi là người chú trọng khám phá những công nghệ và sáng kiến mới trong công việc. Trước khi làm việc tại Schneider Electric, tôi cũng từng khởi nghiệp với hai start-up và trau dồi thêm các kiến thức về lập trình căn bản. Tôi hi vọng tất cả các kinh nghiệm đa dạng này, ở cả lĩnh vực IT và điện, sẽ hỗ trợ tôi trong cương vị mới tại Schneider Electric Việt Nam. Cụ thể, tôi đặt mục tiêu giữ vững mối quan hệ thân thiết với các chuyên gia trong lĩnh vực tích hợp hệ thống, các đối tác và nhà thầu hàng đầu để cung cấp các giải pháp và công nghệ tích hợp cho nhiều phân khúc khách hàng khác nhau, như điện toán đám mây/viễn thông, ngân hàng, sản xuất và các ngành khác.
Mục tiêu của tôi là áp dụng các giá trị cốt lõi của Schneider Electric và đầu tư vào con người, sản phẩm và các giải pháp để hỗ trợ chuyển đổi số tại Việt Nam, giúp các doanh nghiệp Việt chiếm lĩnh được những phân khúc thị trường mới hoặc đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số ngày càng cao của doanh nghiệp.
Tôi cũng sẽ áp dụng các giải pháp số cho quản lý năng lượng và tự động hóa của tập đoàn Schneider Electric cho SEIT, đặc biệt là sản phẩm chủ lực EcoStruxure và EcoStruxure IT ExpertTM,, một công cụ rất hữu ích cho các nhà quản lý IT. Chúng tôi muốn tập trung vào những lĩnh vực đang phát triển mạnh tại Việt Nam như tài chính, điện toán đám mây và sản xuất, đồng thời từng bước thâm nhập các ngành tiềm năng như y tế, các tòa nhà thương mại lẫn giáo dục.
Ông có nhận xét gì về thị trường năng lượng tại Việt Nam hiện nay? Có những thuận lợi và khó khăn gì?
Không thể phủ nhận rằng Việt Nam là thị trường rất hấp dẫn, không chỉ cho lĩnh vực trung tâm dữ liệu mà cho tất cả các ngành nghề nói chung. Kinh tế Việt Nam phát triển mạnh, dân số trẻ và đông, Chính phủ luôn tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, cùng dòng vốn đầu tư nước ngoài đều đặn. Hiện nay, Việt Nam đang hướng đến việc phát triển kinh tế theo Công nghệ 4.0, điều đó cũng có nghĩa là nhu cầu điện cũng sẽ tăng cao.
Theo quan sát của tôi, doanh nghiệp tại Việt Nam đang phát triển rất nhanh, và mỗi công ty có nhu cầu về năng lượng và trung tâm dữ liệu khác nhau. Nguồn cung điện hiện tại không đủ để đáp ứng nhu cầu hiện gia tăng rất cao, cho dù sản lượng điện thực tế đã tăng hơn 10,7% so với năm ngoái. Các dự án nhiệt điện than tiếp tục gặp nhiều khó khăn, và Việt Nam đã bắt đầu tìm kiếm các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời hoặc điện gió. Tuy nhiên, tất cả mới chỉ ở bước khởi đầu và luôn cần sự nỗ lực hơn nữa từ cả chính quyền lẫn nhà đầu tư và cộng đồng doanh nghiệp. Tất cả những vấn đề kể trên có thể dẫn đến việc gia tăng chi phí năng lượng, từ đó gia tăng chi phí vận hành.
Chính vì thế các doanh nghiệp tại Việt Nam rất cần hệ thống quản lý năng lượng hiệu quả, từ các tập đoàn lớn đến doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đây cũng là thực trạng chung tại nhiều quốc gia đang phát triển, không riêng gì Việt Nam.
Theo ông, tiềm năng tăng trưởng của phân khúc trung tâm dữ liệu ở Việt Nam ra sao? Trung tâm dữ liệu có thể giúp các chuyên gia IT như thế nào?
Năm 2007, thế giới “rung chuyển” trước sự xuất hiện của điện toán đám mây (cloud), và công nghệ này đang ngày càng phổ biến tại Việt Nam. Các chuyên gia sử dụng điện toán đám mây cần công nghệ và hệ thống có hiệu quả và độ tin cậy cao. Ngoài ra, một xu hướng khác hiện nay là doanh nghiệp thường có hệ thống IT khác nhau tại nhiều địa điểm khác nhau. Không như các trung tâm dữ liệu lớn, các hệ thống này có thể không được quản lý chặt chẽ cho đến khi sự cố xảy ra.
Trong bối cảnh kinh tế số phát triển, hệ thống IT cũng đang được cải tiến vì nhiều thiết bị hiện nay có khả năng kiểm soát biên để khách hàng có trải nghiệm tốt hơn. Tất cả các thiết bị được kết nối với nhau trong một hệ thống quản lý chung, giúp người điều hành có thông tin cần thiết để kiểm tra, quản lý và nâng cấp hệ thống ngay lập tức nếu cần.
Vì vậy, quản lý trung tâm dữ liệu rất quan trọng với tất cả các doanh nghiệp đặt tại Việt Nam từ các ngành sản xuất đến thương mại, dịch vụ. Để vận hành trung tâm dữ liệu, doanh nghiệp cần hệ thống quản lý có độ an toàn, hiệu quả, khả năng kết nối tốt và tính ổn định xuyên suốt. Do đó, các doanh nghiệp có phương pháp quản lý năng lượng tốt sẽ đạt được khả năng cạnh tranh cao hơn trên thị trường nhờ giảm chi phí hoạt động, giảm lượng CO2 phát thải ra môi trường và phát triển bền vững hơn. Tôi tin rằng, trong bối cảnh 4.0 hiện nay, đây là những mục tiêu quan trọng của bất kỳ doanh nghiệp nào ở Việt Nam.
Trước tình hình đó, SEIT Việt Nam sẽ đưa ra những giải pháp và công nghệ nào để hỗ trợ doanh nghiệp tại Việt Nam quản lý năng lượng tốt hơn?
Schneider Electric Việt Nam nói chung và SEIT Việt Nam nói riêng, sẽ luôn cập nhật và song hành cùng những xu hướng mới nhất trong thị trường năng lượng Việt Nam, cũng như xu hướng phát triển lâu dài của lĩnh vực quản lý năng lượng. Với cương vị là tập đoàn hàng đầu thế giới về cung cấp các giải pháp số cho quản lý năng lượng và tự động hóa, chúng tôi rất vinh dự khi được góp phần vào sự phát triển chung của ngành trung tâm dữ liệu tại Việt Nam bằng các sản phẩm và giải pháp của mình.
Chúng tôi đã cung cấp nhiều sản phẩm và giải pháp cho các khách hàng khác nhau, từ những khách hàng lớn có trung tâm dữ liệu riêng hoặc các bên thứ ba chuyên cung cấp dịch vụ cho thuê trung tâm dữ liệu. Một doanh nghiệp nổi bật trong lĩnh vực cho thuê trung tâm dữ liệu là DTS – đơn vị sử dụng giải pháp InfraStruxure và Rack của SEIT nhằm giải quyết các vấn đề thường gặp ở trung tâm dữ liệu như dòng điện biến đổi thất thường. Ngoài ra, hệ thống của chúng tôi giúp giảm thiểu lượng khí thải CO2 ra môi trường, giúp doanh nghiệp tiết kiệm điện và chi phí hoạt động, góp phần vào xu hướng phát triển bền vững chung của Việt Nam.
Gần đây, chúng tôi có phát triển một công cụ dành cho các chuyên gia IT, có tên EcoStruxure IT ExpertTM. Một cách khái quát, một giải pháp giám sát mở dựa trên công nghệ đám mây nơi chúng tôi tận dụng nguồn dữ liệu lớn của mình (hơn 450 triệu tài nguyên được kết nối với nguồn dữ liệu lớn), vận hành bởi Trí tuệ Nhân tạo (AI) và công nghệ máy học (machine learning). Công cụ này giúp các doanh nghiệp theo dõi, phân tích và đánh giá hệ thống rất hiệu quả, giúp doanh nghiệp nhận biết trước các tình huống bất thường và các sự cố mất năng lượng. Chúng tôi tin rằng gói giải pháp toàn diện này của SEIT Việt Nam sẽ giúp cải thiện độ tin cậy, mức độ sẵn sàng và hiệu quả của trung tâm dữ liệu.
Năm nay, chúng tôi cũng tổ chức Hội nghị Đổi mới và Sáng tạo (Innovation Day) nhằm giới thiệu các sản phẩm mới nhất đến giới doanh nghiệp, chia sẻ với doanh nghiệp cách tận dụng công nghệ 4.0 để phát triển bền vững và quản lý năng lượng hiệu quả.
Tôi rất vui mừng trước những thành tựu mà Schneider Electric Việt Nam đã đạt được trong 25 năm đầu tiên tại Việt Nam. Chúng tôi hi vọng trong 25 năm tới, và nhiều năm sau này nữa, chúng tôi sẽ tiếp tục được đồng hành cùng Việt Nam trong chặng đường phát triển bền vững.