Sau tất cả, đâu là những yếu tố cốt lõi để nhân viên hạnh phúc hậu Covid-19?

Trường Thịnh

(Dân trí) - Sức khỏe thể chất (physical wellness), sức khỏe tinh thần (mental wellness) và sức khỏe tài chính (financial wellness) là "kiềng ba chân" tạo nên hạnh phúc của một nhân viên.

Trên đường đua phát triển nhân tài hậu Covid-19, làm sao để xây dựng chiến lược nhân sự toàn vẹn là trăn trở của những nhà quản lý doanh nghiệp. Câu trả lời đã được giải đáp trong tập podcast đầu tiên của Vietnam HR Awards Podcast - "Chính sách HR chu toàn: Cần đáp ứng những gì?", lên sóng vào ngày 30/12/2021 vừa qua. Đây là số phát sóng nằm trong chuỗi podcast do Talentnet thực hiện, dành cho cộng đồng HR nói riêng và tất cả những ai quan tâm đến sự phát triển bền vững của nguồn nhân lực nói chung. 

Sau tất cả, đâu là những yếu tố cốt lõi để nhân viên hạnh phúc hậu Covid-19? - 1

Đảm bảo sức khỏe tinh thần: Điều nhân viên cần sau Covid-19

Covid-19 khiến người nhân sự phải đối mặt với những đòi hỏi mới mẻ mà trước giờ thường được xem là "chuyện cá nhân" của người lao động, như làm sao để có thể cân bằng giữa chuyện nhà và chuyên công ty khi phải làm ở nhà toàn thời gian. Khi nhắc về hiện trạng doanh nghiệp đang đối diện với hằng hà cơ số nhu cầu từ phía người lao động, ông Nguyễn Hiếu Trường An, Phó Tổng Giám đốc Quản trị nhân tài, Suntory châu Á - Thái Bình Dương khẳng định: "Tôi nghĩ rằng sức khỏe tinh thần là một sự tổng hòa của nhiều yếu tố khác nhau và ai cũng có quyền được mưu cầu điều đó. Không có nhu cầu vô lý, chỉ có doanh nghiệp có đủ lý và tâm để đáp ứng cho nhân viên hay không. Khi và chỉ khi doanh nghiệp tìm được phương cách giải quyết, đơn vị đó mới sở hữu một nguồn lực hiệu quả." Lấy ví dụ ngay từ Suntory châu Á - Thái Bình Dương, ông An chia sẻ trong giai đoạn giãn cách, đơn vị này từng tổ chức cho nhân viên buổi chia sẻ về cách quản trị stress hiệu quả và bình ổn các mối quan hệ cá nhân khi làm tại nhà với chuyên gia tư vấn tâm lý. 

Sau tất cả, đâu là những yếu tố cốt lõi để nhân viên hạnh phúc hậu Covid-19? - 2
Covid-19 khiến người lao động thay đổi nhiều nhu cầu, và liên quan đến các vấn đề cá nhân cũng như môi trường làm việc.

Tiếp lời ông An, ông Hans Nguyễn, Cố vấn cao cấp về Kênh phân phối, Dragon Capital Việt Nam cho rằng sức khỏe tinh thần chỉ đạt được khi nhân viên cảm thấy công việc khiến họ yêu thích và có khả năng hoàn thành tốt công việc của họ. Ông chia sẻ: "Để đảm bảo được 2 trạng thái này của người lao động, bộ phận HR và các nhà lãnh đạo cần nhớ 2 chữ, đó là 'thích hợp', nghĩa là công việc phải hợp với năng lực và người lao động phải thích điều họ đang làm. Đơn giản nhưng khó!"

Ổn định sức khỏe tài chính: "Thà vẽ đường cho hươu chạy, còn hơn là để hươu chạy sai đường!"

Dù vẫn còn mới mẻ tại thị trường Việt Nam, nhưng sức khỏe tài chính là một khái niệm thịnh hành tại các Tập đoàn quốc tế. Theo ông Hans Nguyễn - với kinh nghiệm làm việc tại nhiều thị trường khác nhau như Thụy Sỹ, Mỹ, Việt Nam,…, có một thực tế mà các doanh nghiệp nội địa cần chấp nhận: "Dù lương tốt, người lao động vẫn có nhu cầu kiếm thêm để gia tăng thu nhập tài chính. Điều quan trọng là công việc ngoài giờ không được mâu thuẫn về lợi ích với công việc chính." Để đảm bảo quyền lợi đôi bên, vị Cố vấn cấp cao của Quỹ đầu tư Dragon Capital đã đề xuất "vẽ đường cho hươu chạy" thông qua các hoạt động đào tạo, huấn luyện và cung cấp kiến thức, thông tin về đầu tư và an toàn tài chính. Khi đó, nhân viên sẽ hiểu đúng và làm đúng, dễ dàng tăng thu nhập thụ động, nghĩa là không cần đầu tư quá nhiều thời gian và công sức nhưng vẫn giúp tăng thu nhập cho nhân viên, từ đó nâng cao đời sống cho nhân viên nhưng vẫn đảm bảo hiệu suất công việc cho doanh nghiệp. 

Sau tất cả, đâu là những yếu tố cốt lõi để nhân viên hạnh phúc hậu Covid-19? - 3
Các doanh nghiệp Việt Nam có thể xem xét tổ chức hoạt động giúp nhân viên trau dồi kiến thức về thu nhập thụ động để nâng cao chất lượng cuộc sống và đảm bảo hiệu suất.

Đầu tư vào thu nhập thụ động, gia tăng sức khỏe tài chính là xu hướng quan tâm của người lao động trong năm 2022. Doanh nghiệp cần phải nhìn nhận, cũng như hỗ trợ và đồng hành cùng nhân viên. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hiếu Trường An đặc biệt lưu ý đây có thể là "con dao hai lưỡi" cho người lao động: "Mọi nỗ lực đều là vô nghĩa nếu không có tư duy làm chủ. Người lao động rất khó để vừa quản trị các kênh đầu tư, vừa có trách nhiệm với công việc hiện tại của mình. Và theo hiệu ứng domino, chuỗi hệ lụy tiếp theo có thể là đánh mất quỹ thời gian cá nhân, công sức lẫn tiền bạc." - ông An nhận định.

Mỗi người lao động sẽ có những nhu cầu khác nhau xoay quanh ba "trụ cột": sức khỏe thể chất (physical wellness), sức khỏe tinh thần (mental wellness) và sức khỏe tài chính (financial wellness) để đạt được hạnh phúc. Khi nhu cầu được đáp ứng, đội ngũ lao động cũng sẽ cống hiến trí lực và tâm lực, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững của doanh nghiệp. Đây là điều các nhà quản trị nhân sự cần lưu tâm để xây dựng thành công chiến lược HR toàn diện, lấy con người làm trung tâm trong bối cảnh mới.

Tiếp tục với chủ đề nhân sự, tập 2 của Vietnam HR Awards Podcast sẽ tập trung trả lời câu hỏi "Người làm Nhân sự: Xây nhà hay xây tổ ấm?", bàn luận về vai trò của người nhân sự trong bình thường mới cùng với 03 khách mời là giám đốc nhân sự của 03 công ty đã đoạt giải Vietnam HR Awards năm 2020 như: công ty DXC Việt Nam, công ty Avery Dennison RBIS, công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận PNJ. Tập 02 sẽ chính thức lên sóng vào lúc 20:00 ngày 06/01/2022 trên các nền tảng của Talentnet.

Chuỗi podcast đầu tiên của giới HR mang tên Vietnam HR Awards Podcast với chủ đề "Matters That Matter" được tổ chức bởi Talentnet với mong muốn trở thành nơi trải nỗi lòng của người làm Nhân sự và kể những câu chuyện vượt phạm vi Nhân sự. Ba tập của chuỗi podcast được phát sóng vào lúc 20:00 mỗi thứ Năm hàng tuần từ ngày 30/12/2021, trên fanpage chính thức của Vietnam HR Awards, Spotify, Apple Music, Youtube và Google Podcast. Chương trình được đồng hành bởi SeABank và Dragon Capital, cùng với sự hỗ trợ của đối tác sản xuất VoizFM. Theo dõi và cập nhật thông tin tại đây: https://bit.ly/VNHRAPC7

Sau tất cả, đâu là những yếu tố cốt lõi để nhân viên hạnh phúc hậu Covid-19? - 4