Sau Nhật, Mỹ sẽ bị hạ xếp hạng nợ?
(Dân trí) - Ngày thứ Ba, cơ quan xếp hạng tín dụng Standard & Poor's đã phát đi tín hiệu về việc hạ xếp hạng mức vay nợ nước ngoài (sovereign debt rating) của Nhật. Điều này khiến thị trường lo lắng Mỹ sẽ là nước tiếp theo trong danh sách này.
Standard & Poor's cho biết rất đáng để lo lắng về thâm hụt ngân sách cao và tăng trưởng kinh tế trì trệ tại Nhật. Nhận hiện vẫn giữ vai trò nền kinh tế lớn thứ 2 thế gới.
S&P hạ triển vọng nợ của Nhật từ “ổn định” xuống “tiêu cực”. Việc hạ xếp hạng này làm tăng khả năng xếp hạng nợ trong tương lai có thể đi xuống. Xếp hạng nợ của Nhật theo S&P hiện nay ở mức AA, thấp hơn một bậc so với mức cao nhất.
Việc bị hạ xếp hạng tín dụng sẽ khiến chi phí vay nợ của Nhật tăng bởi nhà đầu tư yêu cầu mức lợi suất cao hơn đối với các khoản vay để tăng độ an toàn. Kinh tế Nhật đã thoát khỏi suy thoái kinh tế đã ảnh hưởng tiêu cực xấu đến toàn bộ các nền kinh tế trên thế giới suốt 2 năm qua, dù vậy tăng trưởng kinh tế vẫn ở mức thấp.
GDP quý 3/2009 tăng trưởng 1,3%, tốc độ tăng trưởng chỉ bằng một nửa so với tăng trưởng kinh tế Mỹ trong cùng thời kỳ. Thị trường cho rằng khi số liệu GDP của Nhật được công bố, Trung Quốc sẽ vượt qua Nhật để trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới.
Khả năng xếp hạng nợ của Nhật giảm cũng khiến thị trường lo lắng về độ an toàn của nợ chính phủ tại nhóm nền kinh tế phát triển của thế giới. Gần đây, nhiều tổ chức đã hạ xếp hạng nợ của Hy Lạp. Moody viết rằng triển vọng kinh tế tại Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ đi xuống đến mức khả năng hai nền kinh tế này đang có một cái “chết chậm”.
Thị trường lo lắng về xếp hạng nợ của Mỹ. Thâm hụt ngân sách cao, tỷ lệ nợ của Mỹ ngày một tăng do nước này phải chi tiêu quá nhiều tiền cho các kế hoạch giải cứu, nguồn thu ngân sách giảm trong bối cảnh suy thoái, chi phí an sinh xã hội cao.
Ngày thứ Ba, Ủy ban ngân sách Quốc hội Mỹ phát hành báo cáo cho thấy triển vọng tài khóa của Mỹ hết sức kém, thâm hụt sẽ ở mức trung bình 600 tỷ USD/năm trong thập kỷ tiếp theo. Tổng mức nợ dồn trong 10 năm tới sẽ lên mức 6 nghìn tỷ USD từ mức 1,35 nghìn tỷ USD dự kiến sẽ thiết lập trong năm 2010.
Tổng thống Obama dự kiến sẽ giải quyết những lo lắng liên quan đến thâm hụt ngân sách liên bang trong bài phát biểu toàn liên bang trong ngày thứ Tư.
Tại tất cả các công ty xếp hạng tín dụng, xếp hạng của Mỹ đều ở mức AAA. Lợi suất đối với trái phiếu chính phủ Mỹ thời hạn 10 năm không thay đổi so với ngày thứ Hai ngay cả sau thông tin về xếp hạng nợ của Nhật.
Nguyên nhân khiến Mỹ giữ được xếp hạng này chính là việc chính phủ Mỹ dù đã chi tiêu mạnh tay nhưng số tiền trên chỉ tương đương một phần nhỏ trong tổng GDP của Mỹ, trong khi mọi chuyện tại những nước châu Âu có cùng xếp hạng như Anh, Pháp, Đức lại không được như vậy.
Việc đồng USD vẫn giữ được vị thế đứng đầu trên thị trường tiền tệ cũng góp phần giúp Mỹ duy trì được xếp hạng tốt nhất. Kinh tế Mỹ vẫn là nền kinh tế có thu nhập cao, đa dạng và đặc biệt linh hoạt.
Liệu Mỹ có duy trì được xếp hạng AAA? Ông Sean Egan, giám đốc điều hành tại Egan-Jones Group - một cơ quan xếp hạng nhỏ, đặt vấn đề về việc liệu nước Mỹ có xứng đáng với xếp hạng cao nhất.
Ông cho rằng bất chấp áp lực mà Quốc hội và chính quyền liên bang có thể tạo ra đối với các cơ quan xếp hạng trong quá trình cải tổ ngành tài chính, ông tin rằng xếp hạng AAA cuối cùng có thể bị điều chỉnh.
Theo ông Egan, bất chấp kinh tế cải thiện và việc các ngân hàng lớn đã trả lại tiền cho chính phủ, chi phí giải cứu sẽ vẫn tăng cao. Ông nói đến số tiền mà Bộ Tài chính Mỹ đã dành cho các tổ chức tài chính lớn của Mỹ như Fannie Mae và Freddie Mac vào tháng 12/2009.
Việc giải cứu hai công ty cho vay thế chấp này tiêu tốn của chính phủ Mỹ 111,6 tỷ USD, thua lỗ đối với 5 nghìn tỷ USD các khoản thế chấp do hai công ty này đảm bảo.
Minh Tuấn
Theo CNNMoney