DBiz

Sau Hòa Phát, Hoa Sen, đại gia thép đua đổ tiền vào ngành "hái ra tiền"

Khổng Chiêm
Sau Hòa Phát, Hoa Sen, đại gia thép đua đổ tiền vào ngành "hái ra tiền"

Công ty tôn, thép đổ tiền vào bất động sản

Công ty cổ phần Tôn Đông Á dự kiến năm nay triển khai thực hiện kế hoạch nghiên cứu đầu tư vào lĩnh vực địa ốc, nông nghiệp với tỷ lệ vốn đầu tư không vượt quá 20% vốn điều lệ hoặc/và 10% vốn chủ sở hữu tại từng thời điểm đầu tư. Thông tin được doanh nghiệp nêu tại tờ trình cuộc họp đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2024.

Cụ thể, Tôn Đông Á sẽ góp vốn đầu tư trực tiếp hoặc giao cho công ty một thành viên góp vốn đầu tư hoặc thành lập công ty mới. Mục đích nhằm đa dạng hóa hoạt động, mở rộng quy mô và lĩnh vực hoạt động, tăng hiệu quả kinh doanh.

Kế hoạch trên đã từng được Tôn Đông Á nêu ra từ năm trước. Thực thi kế hoạch này, năm 2023, Tôn Đông Á đã giao cho công ty con là Công ty TNHH MTV Tôn Đông Á Đà Nẵng tham gia góp vốn đầu tư dự án bất động sản tại miền Trung thông qua việc mua lại 95% vốn điều lệ của Công ty TNHH Thương mại đầu tư và Xây dựng tổng hợp SBC Miền Trung.

Công ty SBC Miền Trung được biết đến là chủ đầu tư Khu đô thị SBC miền Trung tại Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, diện tích 5,5ha.

Mới đây, cổ đông Công ty cổ phần Ống thép Việt Đức VG PIPE (mã chứng khoán: VGS) cũng thông qua quy chế phân quyền đầu tư dự án bất động sản. Theo lý giải, trong quá trình triển khai hoạt động đầu tư kinh doanh, nếu chỉ quy định thẩm quyền của các cơ quan trong công ty trên cơ sở nguyên tắc chung sẽ không bao quát được toàn bộ công việc phát sinh do đặc thù từng ngành nghề, từng dự án đầu tư.

Quá trình triển khai dự án Khu đô thị Việt Đức Legend City tại huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã và đang phát sinh các hạng mục công việc chưa thể xác định rõ thẩm quyền phê duyệt. Việc thiếu căn cứ để triển khai tiềm ẩn nguy cơ xác định sai chủ thể có thẩm quyền phê duyệt, ảnh hưởng tiến độ chung của dự án.

Theo công ty, Việt Đức Legend City là dự án đầu tay với diện tích hơn 62ha, được chấp thuận chủ đầu tư từ năm 2010. Tổng vốn đầu tư sau điều chỉnh khoảng 6.269 tỷ đồng, chia làm 2 giai đoạn thực hiện, dự kiến triển khai giai đoạn 2 đến quý IV/2028.

Đến thời điểm này, dự án đã tập trung bồi thường, giải phóng mặt bằng giai đoạn 1 và chuẩn bị đầu tư hạ tầng giai đoạn 1. Hiện, dự án đang triển khai bồi thường giai đoạn 1 và hoàn tất các thủ tục cấp phép hạ tầng khu đô thị.

Sau Hòa Phát, Hoa Sen, đại gia thép đua đổ tiền vào ngành hái ra tiền - 1

Nhiều doanh nghiệp thép dấn thân vào ngành bất động sản (Ảnh minh họa: Nguyễn Dương).

Hòa Phát, Hoa Sen làm bất động sản ra sao?

Tỷ phú Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát - từng phát biểu: Không ai làm thép mãi, Hòa Phát phải đa ngành và bất động sản là một hướng đi trong chiến lược đa ngành đó, tại cuộc họp đại hội cổ đông thường niên 2021 của doanh nghiệp.

Thực tế, tập đoàn này đã tham gia vào mảng bất động sản được hơn 20 năm với 2 lĩnh vực chính là khu công nghiệp và đô thị. Các khu công nghiệp của tập đoàn tập trung ở Hưng Yên, Hà Nam. Theo thông tin tổng kết hồi cuối năm 2021, Hòa Phát khai thác 3 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 1.100ha sau 20 năm đầu tư mảng này.

Còn với nhà ở, tập đoàn này có một số dự án ở Cầu Giấy, Hoàng Mai, Đống Đa... và một đô thị lớn diện tích 262ha tại Hưng Yên.

Tham gia làm bất động sản gần 2 thập kỷ nhưng chỉ đến năm 2020, Hòa Phát mới xác định lĩnh vực này là mảng kinh doanh chính, bên cạnh thép. Tổng công ty bất động sản được thành lập, là một trong 5 tổng công ty chủ chốt của tập đoàn.

Còn Tập đoàn Hoa Sen vừa quay trở lại với mảng bất động sản khi đầu năm nay thành lập Công ty cổ phần Hoa Sen Sài Gòn có vốn điều lệ 100 tỷ đồng. Hoa Sen sẽ sở hữu 40% vốn điều lệ, còn lại 60% là các cổ đông sáng lập khác. 

Công ty này sẽ hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, có trụ sở tại số 22-24 Nguyễn Cơ Thạch, Khu đô thị Sala (TP Thủ Đức, TPHCM). Công ty thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm bất động sản trị giá 1.000-3.000 tỷ đồng để phát triển dự án văn phòng - trung tâm thương mại - nhà ở; bố trí văn phòng làm việc cho tập đoàn, cho thuê hoặc xem xét chuyển nhượng nếu điều kiện phù hợp.

Trước đó, Hoa Sen đã "bén duyên" với mảng bất động sản từ năm 2009, cùng lúc đầu tư vào bất động sản với 4 dự án chung cư, văn phòng tại TPHCM. 2 năm sau đó, tập đoàn này tuyên bố rút khỏi mảng kinh doanh phụ và tập trung cho lĩnh vực kinh doanh cốt lõi.

Đến năm 2016, tập đoàn trở lại lĩnh vực này với việc thành lập tới 4 công ty con chuyên đầu tư vào địa ốc gồm Hoa Sen Yên Bái, Hoa Sen Hội Vân, Hoa Sen Vân Hội và Hoa Sen Quy Nhơn.

Đến nay, 3 công ty đã giải thể, chỉ còn Hoa Sen Yên Bái hoạt động. Vừa qua, Hoa Sen cho biết đã góp thêm 200 tỷ đồng vào Công ty Hoa Sen Yên Bái để nâng vốn điều lệ doanh nghiệp này lên 621 tỷ đồng. Sau tăng vốn, Tập đoàn Hoa Sen sở hữu hơn 97,26% vốn điều lệ công ty con. Hình thức tăng tỷ lệ sở hữu được tập đoàn thực hiện bằng cách mua thêm 20 triệu cổ phiếu do Hoa Sen Yên Bái phát hành.

Sau Hòa Phát, Hoa Sen, đại gia thép đua đổ tiền vào ngành hái ra tiền - 2

Hòa Phát đầu tư vào bất động sản đã khoảng 20 năm (Ảnh: HPG).

Con đường nhiều trắc trở

Trải qua thời gian dài dấn thân vào ngành bất động sản, Hòa Phát có gặt hái được hiệu quả đầu tư tốt. Năm 2023, lĩnh vực bất động sản hoàn thành chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận sau thuế so với kế hoạch được giao. Doanh thu tăng 46%, lợi nhuận sau thuế tăng 17% so với năm trước, lần lượt đạt 1.004 tỷ đồng và 350 tỷ đồng.

Từ kết quả trên, tập đoàn cứ thu về gần 3 đồng thì lãi 1 đồng. Biên lợi nhuận sau thuế đạt gần 35%, ở mức khá cao.

Trước đó, năm 2022, công ty cứ thu về 2 đồng sẽ lãi 1 đồng. Biên lợi nhuận sau thuế đạt gần 47%. Dù tình hình thị trường chung bị biến động, công ty vẫn đạt chỉ tiêu so với kế hoạch, doanh thu giảm 59% còn 686 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế giảm 41% còn 299 tỷ đồng.

Đầu tư có hiệu quả nhưng sau 20 năm, mảng bất động sản vẫn chiếm tỷ trọng đóng góp nhỏ trong doanh thu, lợi nhuận của Hòa Phát, dù được định hướng là lĩnh vực trọng tâm. Năm 2023, bất động sản chỉ chiếm 1% cơ cấu doanh thu và 5% cơ cấu lợi nhuận. Năm 2022, tỷ trọng này lần lượt là 1% doanh thu và 3% lợi nhuận.

Với bất động sản, dường như lãnh đạo Hòa Phát luôn hướng đến chiến lược chậm mà chắc, đảm bảo an toàn và minh bạch. Năm 2023, lãnh đạo công ty đánh giá là một năm đầy sóng gió của thị trường bất động sản Việt Nam vốn gặp nhiều khó khăn với toàn thị trường từ năm 2022. Tập đoàn tập trung vào mảng bất động sản khu công nghiệp, đầu tư mở rộng các khu công nghiệp hiện có tại Hưng Yên và Hà Nam, tạo thêm quỹ đất sạch.

Còn Tập đoàn Hoa Sen, doanh nghiệp vẫn đang trong quá trình tìm kiếm hiệu quả với các dự án bất động sản và triển khai kế hoạch đầu tư vào mảng này. Với Công ty Hoa Sen Yên Bái - doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án Trung tâm thương mại dịch vụ, khách sạn, nhà hàng và tổ chức sự kiện Hoa Sen Yên Bái (Khách sạn Yên Bái), tập đoàn đã tăng sở hữu lên 97,26%.

Tính tới 31/3, báo cáo tài chính hợp nhất của Tập đoàn Hoa Sen ghi nhận chi phí xây dựng cơ bản dở dang của dự án Khách sạn Yên Bái là 393,1 tỷ đồng, tăng thêm 7,3 tỷ đồng so với đầu năm.

Với Công ty Hoa Sen Sài Gòn - doanh nghiệp được thành lập đánh dấu sự trở lại của tập đoàn vào mảng bất động sản - hiện nay vẫn chưa được góp vốn. Theo kế hoạch, công ty này có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, tập đoàn Hoa Sen sở hữu 40%. Tuy nhiên tại ngày 31/3, tập đoàn vẫn chưa thực hiện góp vốn.

Trải qua 15 năm dấn thân vào thị trường bất động sản, Hoa Sen dường như chưa tạo được nhiều dấu ấn ở lĩnh vực này.

Các doanh nghiệp thép mở ra xu hướng đầu tư vào ngành bất động sản trong bối cảnh ngành thép có nhiều khó khăn nhất định về nhu cầu tiêu thụ, giá bán ngày càng cạnh tranh. Bản thân thị trường bất động sản, khi trải qua giai đoạn vướng mắc về pháp lý và tài chính, cũng gây ảnh hưởng nhiều tới nhu cầu tiêu thụ thép trong nước...

Sự hồi phục của thị trường bất động sản được dự báo diễn ra từ cuối năm nay, kỳ vọng kéo theo sự phục hồi về nhu cầu xây dựng mới. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng sự hồi phục này chưa thể tạo động lực tăng trưởng mạnh mẽ, nhiều khả năng "sóng" ngành bất động sản - xây dựng  - vật liệu xây dựng kéo dài sang giai đoạn 2025-2026.

Như vậy, nếu các doanh nghiệp tập trung đầu tư cho các dự án ở thời điểm này thì có thể tạo sản phẩm nhà ở đón đầu chu kỳ tăng trưởng của thị trường.

Bất động sản là ngành "hái ra tiền", tuy nhiên đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn và sử dụng vốn hợp lý, chiến lược kinh doanh bài bản, khả năng quản lý dự án tốt cũng như tạo dựng quỹ đất phù hợp. Doanh nghiệp ngoài ngành khi tham gia chuyển hướng cũng cần lưu ý những vấn đề trên để đạt được hiệu quả tốt nhất.