Sau giáo dục, lĩnh vực nào sẽ được phổ cập?
(Dân trí) - Được coi là quốc sách hàng đầu, là đòn bẩy cho sự phát triển, công tác phổ cập giáo dục đã được thực hiện hàng chục năm nay. Sau thành công của phổ cập giáo dục, Internet di động được dự báo sẽ là lĩnh vực tiếp theo được phổ cập tại Việt Nam.
Thời đại công nghệ 4.0 thay đổi cuộc sống
Thuật ngữ “cách mạng công nghiệp 4.0” đã trở nên quen thuộc trên toàn thế giới, như một bước tiến lớn khi công nghệ được áp dụng vào tất cả các lĩnh vực của đời sống. Từ việc sản xuất, khai thác đến bán lẻ, y tế, giáo dục, viễn thông… dấu ấn của khoa học công nghệ đang ngày càng rõ rệt. Hình ảnh những nhà máy không một bóng người, robot trong phòng thí nghiệm hay “nàng” robot đầu tiên được cấp quyền công dân AI Sophia là những hình ảnh thực sự ấn tượng và vô cùng ám ảnh thời gian qua.
Nhiều nước trên thế giới đã xây dựng chiến lược mang tính quốc gia để chủ động tham gia có hiệu quả vào cuộc cách mạng công nghiệp có tính đột phá này và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Trong số các lĩnh vực, ngành nghề mũi nhọn đóng góp vào sự nghiệp này, phải kể đến công lao của những doanh nghiệp viễn thông Việt Nam với nỗ lực phổ cập Internet đến cho người dân cả nước, góp phần thúc đẩy ngành CNTT, viễn thông, đẩy lùi khoảng cách so với các nước trên thế giới.
Trong bài phát biểu khi 4G lần đầu tiên được xuất hiện ở Việt Nam, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã khẳng định, trước đây khi mới giành được độc lập, để đất nước phát triển, chúng ta đã thực hiện chương trình “bình dân học vụ” để xoá mù chữ. Và bây giờ, trong cuộc cách mạng 4.0 này, Việt Nam phải hướng tới phải thực hiện xoá mù công nghệ cho tất cả mọi người”.
Những điều này cho thấy, không gì khác, công nghệ, cụ thể là Internet di động được dự báo sẽ là lĩnh vực tiếp theo được phổ cập tại Việt Nam sau giáo dục.
Doanh nghiệp đi đầu trong phổ cập Internet
Viettel từng được coi là đơn vị tiên phong trong cuộc cách mạng “bình dân hóa” dịch vụ thông tin di động diễn ra từ chục năm trước. Trong thời đại 4.0, vai trò tiên phong vẫn không thay đổi, song tập đoàn này đã đặt ra một mục tiêu mới, đó là bình dân hóa, phổ cập internet để hướng tới kinh doanh các dịch vụ số.
Với vùng phủ 3G/4G lên tới 95% dân số, hiện Viettel là nhà mạng duy nhất có thể cung cấp internet di động đến cả vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và hải đảo… đó cũng là yếu tố then chốt đưa Việt Nam tiệm cận mức phổ cập internet cao nhất, tương đương với những quốc gia phát triển.
Ngoài việc đẩy mạnh và ngày càng nâng cao về mặt hạ tầng, nhà mạng này liên tục tung ra những chính sách khuyến mại, kích cầu để mọi chủ thuê bao có cơ hội tiếp cận dịch vụ một cách dễ dàng. Mới đây nhất, Viettel triển khai chương trình “30 triệu GB data cho moi người”. Theo đó, mỗi thuê bao có cơ hội nhận 1GB data miễn phí để trải nghiệm các tiện ích Internet tốc độ cao, không giới hạn thời gian sử dụng và số khách hàng được hưởng lợi từ chính sách này lên tới 30 triệu. Đây là cơ hội để những người dân còn xa lạ với Internet được trải nghiệm dịch vụ và từng bước ứng dụng công nghệ vào cuộc sống.
Theo báo cáo nửa đầu năm 2018 của Appota, chỉ có 25% người sở hữu smartphone tại Việt Nam sử dụng internet thường xuyên. Do đó, việc triển khai các gói cước 3G/4G giá rẻ hay tặng data miễn phí sẽ thúc đẩy hơn 70% người dùng smartphone còn lại có cơ hội trải nghiệm Internet tốc độ cao mà không phải lo ngại đến chi phí cũng như dần dần thay đổi hành vi.
Để hiện thực hóa chiến lược phổ cập internet, Viettel còn kêu gọi chương trình tặng lại máy smartphone cũ cho những người chưa có hoặc hướng dẫn những người thân, người xung quanh cách dùng Internet trên di động. Ông Nguyễn Việt Dũng, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Viễn thông Viettel cho rằng, với sự chung tay của toàn xã hội, việc phổ cập internet này càng sớm trở thành hiện thực.
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ của Viettel, tương lai phổ cập Internet tại Việt Nam đã trở nên gần gũi hơn bao giờ hết. Những nỗ lực này không chỉ góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia có tỷ lệ người dân sử dụng Internet cao mà còn là tiền đề để Việt Nam tận dụng cơ hội phát triển trong bối cảnh cách mạng 4.0 đã cận kề.
Hà Thu