1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Sắp hết năm, nhiều doanh nghiệp muốn giảm chỉ tiêu kinh doanh

Tổng Công ty Thép Việt Nam, Gas Petrolimex, Vissan hay Thực phẩm Sao Ta đều muốn giảm chỉ tiêu lợi nhuận hoặc doanh thu.

Chỉ còn khoảng 1 tháng nữa là hết năm 2023. Nhiều doanh nghiệp bất ngờ lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản hoặc thông báo điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cả năm.

Tổng công ty Gas Petrolimex - Công ty cổ phần (mã chứng khoán: PGC) thông báo lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023. Công ty dự kiến giảm chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế từ 168 tỷ đồng về còn 135 tỷ đồng, tức giảm gần 20% so với kế hoạch đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 thông qua.

Theo lý giải của doanh nghiệp, 9 tháng đầu năm, kinh tế thế giới gặp nhiều ảnh hưởng từ chính sách thắt chặt tiền tệ của Mỹ và EU, chiến tranh Nga-Ukraine, biến động giá nhiên liệu… làm giảm tốc độ phát triển toàn cầu và gây ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu của Việt Nam.

Trên thị trường khí, giá tham chiếu biến động mạnh và liên tục trong 9 tháng đầu năm, với biên độ lớn và khó dự đoán. Điều này gây thiệt hại lớn về chênh lệch hàng tồn kho, tạo khó khăn cho việc đảm bảo nguồn hàng cho nhóm kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG), bao gồm PGC.

Sắp hết năm, nhiều doanh nghiệp muốn giảm chỉ tiêu kinh doanh - 1

Gas Petrolimex dự kiến giảm chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế từ 168 tỷ đồng về còn 135 tỷ đồng, tức giảm gần 20% so với kế hoạch (Ảnh: Gas Petrolimex).

Bên cạnh đó, sự cạnh tranh về nguyên liệu thay thế vẫn căng thẳng. Nhu cầu sử dụng gas bình giảm sút, thay thế bằng bếp từ, bếp điện đang ngày càng lan rộng, kéo sản lượng gas bình tại các khu đô thị đi xuống. Bản thân thị trường LPG cũng đang cạnh tranh khốc liệt với sự góp mặt của gần 100 công ty.

Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (mã chứng khoán: FMC)  cũng điều chỉnh giảm mục tiêu sản xuất kinh doanh năm 2023. Tổng doanh thu kế hoạch mới ở mức 4.870 tỷ đồng và lãi trước thuế 300 tỷ đồng, giảm lần lượt 17% và 25% so với kế hoạch cũ. So với thực hiện năm trước, kế hoạch lợi nhuận còn thấp hơn 6%.

Tình hình khó khăn chung của ngành tôm trong giai đoạn đầu năm đã ảnh hưởng tới lợi nhuận 9 tháng của công ty. Trong 9 tháng, lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 216 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ và thực hiện 72% so với kế hoạch mới điều chỉnh.

Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan, mã chứng khoán: VSN) thông báo ngày 13/12 chốt quyền lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2023. Theo đó, công ty muốn giảm 16% kế hoạch doanh thu và 24% kế hoạch lợi nhuận trước thuế, tương ứng doanh thu còn 3.430 tỷ đồng và lợi nhuận còn 138 tỷ đồng.

Việc điều chỉnh diễn ra trong bối cảnh sức mua của người tiêu dùng yếu đi khi nền kinh tế khó khăn đã ảnh hưởng trực tiếp đến những doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thực phẩm như Vissan. Trong 9 tháng, Vissan đạt doanh thu 2.540 tỷ đồng, giảm 10% và lợi nhuận trước thuế cũng giảm 10%, còn 111 tỷ đồng.

Tổng Công ty Thép Việt Nam - Công ty cổ phần (VNSteel, mã chứng khoán: TVN) cũng xin ý kiến cổ đông giảm mục tiêu lợi nhuận công ty mẹ trước thuế từ 52 tỷ xuống còn 1 tỷ đồng. Các chỉ tiêu khác giữ nguyên. Trong 9 tháng, công ty mẹ VNSteel lỗ trước thuế 199 tỷ đồng. Tình hình kinh doanh không khả quan khiến doanh nghiệp lỗ đậm 2 quý liên tiếp.

Theo Khổng Chiêm

Fica

Theo fica.dantri.com.vn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm