“Sập bẫy” mua hàng qua mạng vì ham của rẻ

(Dân trí) - Bằng chiêu tung ra giá thành thấp hơn thị trường nhiều lần, một nhóm người đã lừa được các nạn nhân khi đặt cọc tiền mua hàng. Điều đáng nói, thủ đoạn lừa đảo không mới nhưng nhiều người vẫn “sập bẫy” vì ham của rẻ.

Các đối tượng thường lợi dụng các trang mua bán online để lừa đảo
Các đối tượng thường lợi dụng các trang mua bán online để lừa đảo

Do có nhu cầu dự trữ sắt thép nên chị Thảo (37 tuổi, quê Thừa Thiên Huế) đã lên mạng tham khảo và thấy Công ty cổ phần sắt thép xây dựng Hải Châu (quốc lộ 1A, phường Thới An, quận 12) chào giá thấp hơn thị trường nhiều lần nên liên hệ đặt mua lô hàng sắt thép trị giá 200 triệu đồng.

Khi đã hoàn tất các giao dịch với Nguyễn Sỹ Kiên (35 tuổi, quê Nghệ An), chị Thảo nhờ anh Bùi Ngọc C. (anh trai chị Thảo, ngụ quận Bình Thạnh) đi gặp đối tác để đặt cọc và nhận hàng chở ra Huế. Đến hẹn anh C. ra khu vực cầu vượt Tân Thới Hiệp (quận 12) để gặp Kiên nhưng Kiên không xuất hiện mà cho hai thanh niên khác đến gặp và dẫn anh C. vào Công ty Hải Châu tham quan.

Sau đó, ông Châu đặt cọc 20 triệu đồng để những người này thuê xe chở vật liệu về Huế. Trên đường về, do khả nghi, anh C. quay lại Công ty Hải Châu tìm hiểu thì biết, Kiên và hai người thanh niên kia không phải là người của công ty.

Biết bị lừa, anh C. cùng với hai người khác tiếp tục lên mạng, giả làm khách mua mới tìm cách tiếp cận nhóm của Kiên. Nhiều lần hẹn gặp nhưng bất thành do nhóm của Kiên khá cảnh giác. Đến cuối tháng 4, anh C. mới được Kiên hẹn gặp trên đường Nguyễn Ảnh Thủ (phường Trung Mỹ Tây, quận 12), ngay lập tức anh C. cùng 2 người bạn đã buộc Kiên về cơi quan công an làm việc. Bước đầu đôi tượng này đã thừa nhận hành vi lừa đảo như trên.

Một nạn nhân khác cũng “sập bẫy” tương tự là trường hợp của anh Đ.H.N. (35 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh). Do cần mua sắt thép nên anh H. đã truy cập vào một trang mua bán online, “đập” vào mắt anh N. là thông tin một đại lý sắt thép “đại hạ giá”, bán rẻ hơn giá thực tế ngoài thị trường đến 10 ngàn đồng/kg.

Lần theo địa chỉ và số điện thoại từ gian hàng online này, anh N. gặp được một người tên Sơn, khi hai bên thỏa thuận xong anh N. đã đưa cho Sơn gần 40 triệu đồng. Sau đó, anh N. nhờ người thân đi theo Sơn nhận hàng tại quận 12. Gần đến điểm hẹn, Sơn viện cớ đường vào công ty cấm xe tải, yêu cầu người thân của anh N. đứng ngoài chờ. Để tránh nghi ngờ, Sơn vẫn làm các “thủ tục” cân sắt, chất lên xe ba gác máy rồi nói cho địa chỉ nhà sẽ chở hàng đến tận nơi. Tin tưởng vào đối tác, người thân của anh N. đi trước nhưng khi đến nhà, chờ mãi vẫn không thấy số sắt đã mua đâu, tức tốc quay lại thì anh N. ngã ngửa khi biết đó chỉ là công ty “ma”.

Theo Trung tá Tăng Văn Liệt - Đội trưởng Đội CSĐT tội phạm về trật tự xã hội Công an quân 12, thời gian gần đây, cơ quan này cũng nhận được đơn tố cáo của nhiều nạn nhân rơi vào bẫy của các đối tượng lừa đảo bán hàng qua mạng. Hiện công an quận 12 đang tạm giữ Nguyễn Sỹ Kiên để điều tra về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

“Chiêu thức lừa đảo của các nhóm đối tượng không mới nhưng nhiều người vẫn sập bẫy vì ham của rẻ. Mọi giao dịch qua mạng thường tiềm ẩn nguy cơ lừa đảo rất cao vì các thông tin trên đó không được kiểm chứng. Tốt nhất người mua nên gặp trực tiếp đối tác có uy tín, nhận được hàng mới trả tiền” – Trung tá Liệt khuyến cáo.

Trung Kiên