Sàng lọc vốn FDI và “sự ích kỷ” cần thiết của chủ nhà

(Dân trí) - Dù có vẻ đẹp tự nhiên hơn hẳn Phù Khẹt, nhưng trong 25 năm qua, đã có lúc nào Vũng Tàu tự so sánh với Phù Khẹt để biết được khoảng cách còn khá xa về số lượng khách, nguồn thu, dịch vụ, tính hấp dẫn giữa hai địa phương?

Hội nghị Tổng kết 25 năm thu hút đầu tư ngước ngoài (FDI) tại Việt Nam tổ chức ngày 27/03 đã thu hút đông đảo sự tham gia của các lãnh đạo Nhà nước và địa phương, đặc biệt là với sự hiện diện của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.

Ghi nhận những đóng góp đáng kể của dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong suốt 1/4 thế kỷ đối với GDP cũng như ngân sách nhà nước, việc làm cho xã hội, song các đại biểu cho rằng, vẫn còn nhiều điều đáng bàn ở khu vực này, khi hiệu quả vẫn chưa như kỳ vọng. 

Theo đó, dòng tiền vẫn chảy vào những ngành nghề không tạo ra nhiều giá trị gia tăng, chủ yếu là gia công và tận dụng lao động giá rẻ.

Ảnh: Chinhphu.vn.
Ảnh: Chinhphu.vn.

Thủ tướng lưu ý, giữa bối cảnh và điều kiện hiện tại, cần chú trọng thu hút vốn nước ngoài vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng, nhất là các dự án theo mô hình hợp tác công – tư (PPP).

“Cái khó của chúng ta là cơ sở hạ tầng, Nghị quyết Đại hội Đảng coi đây là đột phá chiến lược nhưng vốn ở đâu?” – Người đứng đầu Chính phủ đặt vấn đề. Do vậy, đầu tư PPP chính là quyết định cho nguồn vốn.

Tuy nhiên, việc gọi vốn cho các dự án PPP còn gặp nhiều khó khăn, cần nhiều thời gian cho 1 dự án PPP ra đời. Thủ tướng lấy ví dụ, để làm cảng sâu Lạch Huyện thông qua hình thức này, đã phải mất tới 2 năm.

Vì vậy, bên cạnh những yêu cầu chung như cải thiện môi trường đầu tư, thủ tục hành chính, khắc phục yếu kém về hạ tầng, đẩy mạnh xúc tiến thương mại thì còn phải có những chính sách ưu đãi lớn, đủ sức hấp dẫn những dự án quy mô lớn, có sức lan tỏa và tác động tích cực đến kinh tế xã hội.

Riêng PPP, phải bố trí được nguồn vốn ngân sách để đối ứng. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang dự kiến sẽ nghiên cứu trình Chính phủ bố trí khoảng 20.000 tỷ đồng vốn ngân sách tham gia vốn đối ứng trong các dự án PPP được chọn. Đồng thời hoàn thiện thủ tục hình thành quỹ hỗ trợ chuẩn bị dự án (PDF) hỗ trợ chuẩn bị cho các dự án PPP.

Góp vào phần tham luận, TS Trần Du Lịch, Ủy viên ban Kinh tế, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM đánh giá, việc thụ động hút vốn FDI sẽ khiến Việt Nam không có được những dòng vốn đầu tư tốt.

Ông cho rằng, một nguyên tắc trong thu hút vốn là không nên dàn trải mà cần lựa chọn đối tác, cần giữ được thế chủ động. Đây có thể coi là “sự ích kỷ của chủ nhà nhưng là ích kỷ cần thiết”. 

Theo ông, 4 lĩnh vực cần thu hút vốn đầu tư nước ngoài nhiều nhất là công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, cơ sở hạ tầng và thị trường tài chính. Riêng ở lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, Chính phủ nên xây dựng văn bản pháp luật ngay trong năm 2013, tránh để sang 2014 mới thực hiện như kế hoạch.

Địa phương vẫn chạy theo thành tích, số lượng

Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ KHĐT Đào Quang Thu trong thu hút đầu tư hiện nay, việc phân cấp vẫn “đại trà, dàn đều” chưa tính đầy đủ đến đặc thù của địa phương về năng lực quản lý, trình độ cán bộ, quy mô nền kinh tế địa phương.

Tình trạng cạnh tranh trong thu hút FDI dẫn đến một số địa phương cấp phép cho các dự án tiền ẩn gây ô nhiễm môi trường, tiêu tốn năng lượng sử dụng và khai thác tài nguyên không hiệu quả, chưa chú ý đẩy đủ tới an ninh quốc phòng, không tính đến chất lượng, lợi ích quốc gia.

Về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, việc để các địa phương chịu trách nhiệm thu hút, quản lý FDI là cần thiết nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo của từng địa bàn. Thế nhưng thời gian qua, hoạt động này vẫn thực hiện chưa tốt khiến phát sinh các vấn đề  liên quan đến các dự án FDI, gây ô nhiễm môi trường, sử dụng công nghệ lạc hậu. Do đó, bên cạnh việc phân cấp mạnh, cần có biện pháp thống nhất quản lý để hạn chế những khiếm khuyết.

GS.TS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài lại dẫn ra một ví dụ cụ thể, đáng suy ngẫm về Bà Rịa - Vũng Tàu, vùng biển đẹp đối với du lịch trong nước và quốc tế. 

Nhiều năm vừa qua tỉnh cũng đã chú trọng phát triển ngành du lịch quan trọng này. Thế nhưng, với 1/4 thế kỷ chuyển sang kinh tế thị trường và hội nhập thế giới, đã có lúc nào tỉnh thử so sánh Vũng Tàu với Phù - Khẹt của Thái Lan để biết được khoảng cách còn khá xa về số lượng khách, nguồn thu, dịch vụ, tính hấp dẫn giữa hai địa phương? Mặc dù, vẻ đẹp tự nhiên của Phù Khẹt không bằng Vũng Tàu.

Theo ông, làm gì và bằng cách nào để tận dụng các lợi thế sẵn có, tạo ra bước đột phá phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đem lại lợi ích ngày càng nhiều hơn cho cộng đồng dân cư địa phương? Đó không chỉ là ý muốn hay chủ trương, mà khi đã trở thành định hướng thì phải dày công xây dựng thương hiệu, hệ thống tổ chức, nguồn nhân lực chuyên nghiệp có trình độ cao.

Bích Diệp