Bến Tre:

"Sáng chế" thế con rắn cuộn gốc mai vàng, bán đắt hàng, nhẹ nhàng đút túi 300 triệu đồng/năm

Một bà nông dân ở xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre kiếm được hàng trăm triệu đồng/năm nhờ có tuyệt kỹ "sáng chế" thế con rắn cuộn gốc cây mai vàng hình thù lạ mắt bán Tết.

Những cây mai con với bộ bộ rễ đẹp, có hình dáng như lò xo, như con rắn, con rồng, trái bí rợ, cuộn nổi trên mặt đất...đều được bà Lê Thị Mới (70 tuổi, ngụ ấp Phú Hội, xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) tạo hình mà thành. 

Từ nghề tạo hình rễ cây mai vàng bán tết, gia đình bà Mới kiếm về hàng trăm triệu mỗi năm.

Sáng chế thế con rắn cuộn gốc mai vàng, bán đắt hàng, nhẹ nhàng đút túi 300 triệu đồng/năm - 1

Những cây mai đã được quấn rễ thành những hình thù lạ mắt trong vườn ươm cây mai vàng chơi Tết của gia đình bà Mới.

Theo bà Mới, trước đây 2 vợ chồng bà làm ruộng, nhưng làm mãi mà không có dư. Năm 2003, nhận thấy việc ươm cây mai vàng bán đang trở thành nghề "hái" ra tiền, nên bà quyết định chuyển sang nghề này.

Sáng chế thế con rắn cuộn gốc mai vàng, bán đắt hàng, nhẹ nhàng đút túi 300 triệu đồng/năm - 2

Bà Lê Thị Mới (70 tuổi, ngụ ấp Phú Hội, xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) kiếm bộn tiền nhờ tuyệt kỹ tạo hình rễ mai hình thù lạ mắt bán Tết. Ảnh: NT.

Thời gian đầu, bà Mới chỉ thử nghiệm trồng vài nghìn cây mai vàng nhỏ trên diện tích 1.000m2. Nhận thấy nhu cầu của người chơi cây kiểng thích "săn" những cây mai vàng có bộ rễ hình thù lạ mắt, vậy là bà nảy sinh ý tưởng quấn rễ cây mai tạo hình.

Nhờ chịu khó tìm hiểu và học hỏi, không ngại thất bại, đến nay hàng năm gia đình bà Mới ươm, quấn rễ cây mai con, đưa ra ghép hơn 20.000 cây mai vàng trên diện tích 3.500m2.

Sáng chế thế con rắn cuộn gốc mai vàng, bán đắt hàng, nhẹ nhàng đút túi 300 triệu đồng/năm - 3

Những cây mai vàng được gieo hạt, đến 4 - 6 tháng, rễ đạt từ 6 - 8 tấc thì tiến hành quấn rễ tạo hình. Ảnh: NT.

Để có nguồn mai giống tạo hình, thông thường từ tháng 2 bà Mới đã thu mua hạt mai vàng về gieo trên cát, phía trên có tro rơm và sơ dừa.

Khi cây mai vàng được khoảng 4 - 6 tháng, rễ cây mai đạt từ 6 - 8 tấc (60-80cm) bà sẽ đem ra quấn rễ tạo hình thắt bím, hoa mai, trái bí, con rồng, con rắn... rồi ươm trồng tiếp. Sau đó mới ghép mai giảo, mai vàng Thủ Đức,... để cây cho hoa đẹp rồi bán đúng vào dịp Tết.

"Tùy theo dáng thế của cây mai để quấn rễ cho đẹp. Ngoài kinh nghiệm, người làm cần phải tỉ mỉ và linh hoạt để quấn cho thật đẹp. Đặc biệt là người làm phải có tưởng tưởng hình ảnh trong đầu rồi quấn theo, hoàn toàn không có khung sẵn có", cụ Mới cho biết.

Sáng chế thế con rắn cuộn gốc mai vàng, bán đắt hàng, nhẹ nhàng đút túi 300 triệu đồng/năm - 4
Sáng chế thế con rắn cuộn gốc mai vàng, bán đắt hàng, nhẹ nhàng đút túi 300 triệu đồng/năm - 5

Sau khi quấn rễ bà Mới sẽ ươm dưỡng tiếp rồi ghép mai giảo, Thủ Đức,... để cây cho hoa đẹp rồi bán đúng vào dịp Tết. Ảnh: NT.

Theo bà Mới, mô hình ươm mai và tạo hình rễ mai hình thù lạ mắt, độc đáo, đẹp mắt là mô hình không cần nhiều vốn, lại tận dụng được lực lượng lao động, nhẹ công chăm sóc, không đòi hỏi diện tích lớn...

Nhờ kỹ thuật suốt hơn chục năm gắn bó và nghiên cứu đặc tính của cây mai, nên bà Mới không chỉ tạo ra những chậu mai với dáng rễ đẹp mắt mà những cây mai khi hoàn thiện đều tốt tươi, tràn đầy đầy sức sống.

Sáng chế thế con rắn cuộn gốc mai vàng, bán đắt hàng, nhẹ nhàng đút túi 300 triệu đồng/năm - 6
Sáng chế thế con rắn cuộn gốc mai vàng, bán đắt hàng, nhẹ nhàng đút túi 300 triệu đồng/năm - 7

Rễ mai được quấn tạo hình thắt bím, hoa mai, trái bí, con rồng... vô cùng đẹp mắt. Ảnh: NT.

Hiện mỗi năm gia đình bà Mới làm ra hơn 20.000 cây mai với rễ mai hình thù lạ mắt, giá bán 100.000 đồng/cây. Riêng những cây được quấn rễ và dưỡng nuôi lâu năm, có kích thước khủng sẽ có giá trị cao hơn. Nhờ đó, gia đình có thu nhập mỗi năm trên 300 triệu đồng.

Bên cạnh đó, vợ chồng bà Mới cũng chia sẻ kỹ thuật, kinh nghiệm trồng mai, chăm sóc mai cho gần 100 nông dân làm hoa kiểng tại địa phương; các nhóm liên kết sản xuất, các hội viên nông dân,... Nhờ đó nhiều người đã vươn lên thoát nghèo nhờ mô hình của bà Mới.