Sẵn sàng để tư nhân kinh doanh hàng không

Khoảng 5-6 đề án xin lập hãng hàng không tư nhân đã được gửi tới Cục Hàng không Việt Nam, trong đó mới nhất là hồ sơ của ban vận động thành lập Saigon Air. Cục trưởng Nguyễn Tiến Sâm khẳng định, mọi cá nhân, tổ chức đều được tạo điều kiện bình đẳng tham gia hoạt động hàng không dân dụng.

Nhìn các nước khác thì sao? Một đảo quốc ít dân như Singapore còn có 3-4 hãng, Thái Lan có 10, Phillipines 9. Việt Nam với hơn 80 triệu dân, việc có thêm 3-4 hãng hàng không nữa cũng không có vấn đề gì". Bộ Giao thông Vận tải đang đề nghị Chính phủ cho thành lập thêm vài ba hãng hàng không nữa. Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải kiêm Cục trưởng Hàng không Nguyễn Tiến Sâm tâm sự.

Luật pháp cho phép tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế được tham gia hoạt động hàng không nếu đáp ứng một số điều kiện. Thứ trưởng Sâm cho biết, quy định này còn được cụ thể hoá hơn nữa trong Dự luật Hàng không sửa đổi, đang trong quá trình lấy ý kiến và hoàn chỉnh trước khi trình Quốc hội vào cuối năm nay. Thậm chí luật sửa đổi sẽ tính tới phương án để tư nhân tham gia đầu tư xây dựng cảng hàng không, sân bay và thành lập doanh nghiệp cảng hàng không theo quy định.

Theo ông Sâm, nhu cầu vận chuyển hàng không của Việt Nam rất lớn, tư nhân hoàn toàn có thể tham gia để cùng phát triển lĩnh vực này. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực đặc thù nên ngoài những quy định chung về thành lập doanh nghiệp, yêu cầu về tài chính, thì sự am hiểu của đội ngũ lãnh đạo công ty cũng là yếu tố quan trọng, nhằm đảm bảo bay an toàn và kinh doanh không lỗ.

"Thực tế thì những người có tiền không thể thành lập công ty hàng không nếu không hiểu biết. Trong khi đó, những người am hiểu lại không đủ tài chính và đôi khi họ không dám mạo hiểm dấn thân vào lĩnh vực này. Kinh doanh hàng không không dễ, vì thế mà 5-6 đề án nộp lên Cục Hàng không từ trước tới nay, hầu hết đều không khả thi. Một trường hợp đã được Thủ tướng phê duyệt, song từ đó đến nay không thấy ai đứng ra kinh doanh", ông Sâm nói.

Đề án thành lập Công ty cổ phần hàng không Sài Gòn (Saigon Air) được nộp lên Cục Hàng không Việt Nam từ tháng 1, với số vốn điều lệ dự kiến là 300 tỷ đồng. Một phần trong đó là vốn tự có của các thành viên sáng lập, phần khác huy động trong nước và vay mượn từ nước ngoài. Nếu được phê duyệt, Saigon Air sẽ tính tới cả 2 phương án bay nội địa và quốc tế, tuy nhiên, thời gian đầu có thể sẽ tập trung vào vận tải hàng hoá và bay theo yêu cầu dưới phương thức taxi chứ chưa bay thường kỳ.

"Chỉ cần được sự phê duyệt của Chính phủ, trong vòng 6 tháng chúng tôi có thể huy động đủ vốn để tổ chức hoạt động và trong thời gian một năm, có thể bắt đầu bay được", Trưởng ban vận động thành lập Saigon Air, ông Đoàn Văn Quảng tin tưởng nói.

Ông hào hứng cho biết các thành viên trong ban vận động đều là cán bộ có kinh nghiệm, cống hiến lâu năm cho không quân và hàng không của Việt Nam. Họ đều là những người từng giữ các trọng trách trong lĩnh vực hàng không như cán bộ Cục Hàng không dân dụng, Tổng giám đốc Vietnam Airlines, Giám đốc sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất hay lãnh đạo Pacific Airlines.

Bản thân ông Quảng cũng kinh qua vị trí Viện trưởng Viện Khoa học Hàng không và là một trong những người dám "quậy phá", đưa hàng không ra khỏi quân đội những năm 70 của thế kỷ trước. Suốt một thập kỷ qua, vị đại tá 77 tuổi này đã ấp ủ ý tưởng mở hãng hàng không tư nhân. 5-6 năm trước, một đề án do chính tay ông viết bị người khác "mượn" để nộp lên Chính phủ, hãng Mekong Air đã được phê duyệt thành lập với mục đích phục vụ hành khách ở Cần Thơ và 9 tỉnh ĐBSCL.

Tuy nhiên, theo ông Quảng, Mekong Air đã không thể hoạt động bởi một nguyên nhân quan trọng là đội ngũ lãnh đạo công ty lúc bấy giờ không hiểu biết về lĩnh vực hàng không. Cuối năm ngoái, khi hay tin hãng hàng không cổ phần Pacific Airlines bên bờ giải thể, ông lập tức làm đơn gửi Thủ tướng đề nghị mua lại toàn bộ (cả vốn điều lệ và số lỗ của Pacific Airlines) với giá chừng 20-25 triệu USD. Đề nghị của ông đã không được chấp nhận. Tin tưởng vào tiềm năng thị trường, kinh nghiệm và khả năng của bản thân cũng như các cộng sự, ông quyết tâm gửi đề án thành lập Saigon Air với hy vọng sẽ làm nên chuyện ở cái tuổi xưa nay hiếm.

Gần 6 tháng đã trôi qua, đề án thành lập Saigon Air vẫn chưa được duyệt bởi ban vận động thành lập công ty chưa thể chứng minh năng lực tài chính của mình. "Số vốn điều lệ chúng tôi dự kiến là 300 tỷ đồng, tuy nhiên do chưa biết rõ đề án của mình có được thông qua hay không nên các cổ đông chưa góp vốn. Bản thân tôi là trưởng ban vận động, song cũng vì lý do này nên không dám kêu gọi và nhận tiền. Nhưng tôi khẳng định nếu đề án được duyệt, chúng tôi sẽ huy động đủ vốn trong vòng 6 tháng", ông Quảng tâm sự.

Điều 2, Chương I, Luật Hàng không Dân dụng Việt Nam (thông qua ngày 26/12/1991): "Tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế được phép hoạt động kinh doanh hàng không đều bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài hợp tác, đầu tư trong lĩnh vực hàng không dân dụng tại Việt Nam trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và pháp luật của Việt Nam".

Điều 5, Chương I Dự thảo Luật Hàng không dân dụng sửa đổi:

2. Nhà nước bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp theo quy định của pháp luật đối với tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế tham gia hoạt động hàng không dân dụng.

3. Nhà nước tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân Việt Nam thuộc các thành phần kinh tê,s cá tổ chức cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài hợp tác, đầu tư trong lĩnh vực hàng không dân dụng. 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Theo VnExpress