Sản phẩm xuất khẩu "ngược dòng" của Việt Nam vượt bão Covid-19

Việt Đức

(Dân trí) - Trong khi chuỗi sản xuất các ngành sản xuất truyền thống da giày, dệt may bị ảnh hưởng nặng vì nhiều nhà máy ở Đông Nam Bộ phải đóng cửa thì lĩnh vực điện thoại di động vẫn trụ vững, tăng trưởng.

Trong báo cáo về kinh tế Việt Nam tháng 8 vừa công bố, khối nghiên cứu của ngân hàng HSBC dẫn chứng nhiều số liệu thống kê cho thấy nền kinh tế bắt đầu bị ảnh hưởng rõ rệt khi nhiều tỉnh, thành, đặc biệt là TPHCM giãn cách xã hội nghiêm ngặt để phòng, chống dịch.

Ngành dệt may, da giày vất vả

Nhu cầu tiêu dùng cá nhân trong nước ảnh hưởng nặng khi mức độ đi lại của người dân nói chung giảm bình quân 60% so với trước dịch. Tổng doanh số ngành bán lẻ giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn 10% so với tháng 4/2020 - thời điểm cả nước giãn cách xã hội.

Riêng tại TPHCM, chỉ số về di chuyển của người dân giảm gần 90%, doanh số bán lẻ giảm 51% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, vấn đề quan ngại hơn theo HSBC nằm ở ngành sản xuất. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 8 giảm chỉ còn 40,2, mức thấp nhất trong 16 tháng qua. Các chỉ số chính của PMI cho thấy viễn cảnh kém khả quan về khả năng phục hồi. Sản xuất công nghiệp trong tháng 8 giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái, còn riêng TPHCM sụt giảm 51%.

Trong đó, hai nhóm ngành da giày và dệt may gặp nhiều khó khăn nhất vì khu vực Đông Nam Bộ là đầu mối gia công quan trọng không chỉ của Việt Nam mà còn cả thế giới. Hai ngành này là nguyên nhân chính khiến xuất khẩu tháng 8 của Việt Nam giảm 5% so với cùng kỳ 2020.

Sản phẩm xuất khẩu ngược dòng của Việt Nam vượt bão Covid-19 - 1

Ngành dệt may, da giày gặp khó trong đợt dịch lần này khi phần lớn nhà máy nằm ở khu vực Đông Nam Bộ (Ảnh: Nguyệt Nhi).

Theo HSBC, ngành da giày Việt Nam đang chiếm 15% thị phần trên thế giới. Chuỗi cung ứng của Nike - thương hiệu thời trang thể thao hàng đầu thế giới - là một ví dụ điển hình cho thấy tầm quan trọng của Việt Nam. 112 nhà máy tại Việt Nam chịu trách nhiệm sản xuất 50% sản phẩm giày dép mang nhãn hiệu Nike, theo CNBC. Trong đó, 88 nhà máy nằm ở khu vực Đông Nam Bộ.

Tương tự, Việt Nam cũng nằm trong nhóm quốc gia sản xuất hàng dệt may lớn nhất thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Bangladesh. Những đợt gián đoạn cung ứng nặng nề sẽ có thể tác động mạnh đến người tiêu dùng tại Mỹ khi nước này chiếm gần một nửa lượng hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam. Ví dụ như Adidas đang gặp khó khăn trong sản xuất do các nhà máy tại Việt Nam chiếm gần 30% sản lượng toàn cầu của thương hiệu này.

Khi nhiều nhà máy ở phía Nam đóng cửa, thu hẹp công suất hoạt động, các thương hiệu thời trang lớn trên toàn cầu cũng sẽ bị ảnh hưởng. Khi mùa lễ hội cuối năm vốn là giai đoạn cao điểm mua sắm sắp đến, các nhà bán lẻ thời trang, da giày có thể sẽ đối diện nguy cơ thiếu hàng tại thị trường châu Âu, Mỹ khi chuỗi cung ứng tại Việt Nam bị gián đoạn. 

Xuất khẩu điện thoại di động trụ vững

Giống như ngành hàng da giày và dệt may, giá trị xuất khẩu nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử giảm 12% trong tháng 8 so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, riêng xuất khẩu điện thoại di động vẫn tăng trưởng 11%.

HSBC cho rằng xuất khẩu điện thoại trụ vững nhờ các cụm lắp ráp tập trung tại miền Bắc, nơi hoạt động sản xuất đã từng bước trở lại bình thường sau đợt bùng dịch tháng 5-6.

Cụ thể, Samsung - nhà đầu tư FDI lớn nhất tại Việt Nam - đang sản xuất điện thoại thông minh tại hai nhà máy ở Bắc Ninh và Thái Nguyên. Sau đợt bùng dịch với biến chủng Delta đầu tiên xảy ra ở miền Bắc vào tháng 5, các khu công nghiệp phía Bắc đã dần lấy lại hoạt động như bình thường. 

Sản phẩm xuất khẩu ngược dòng của Việt Nam vượt bão Covid-19 - 2

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm nhà máy của Samsung tại Thái Nguyên đầu tháng 9 (Ảnh: VGP).

Trong khi đó, nhà máy của Samsung tại Khu Công nghệ cao TPHCM là nơi sản xuất đồ gia dụng điện tử đang chịu ảnh hưởng của đại dịch. Mặc dù đã sắp xếp mô hình sản xuất "3 tại chỗ" cho công nhân, nhà máy này vẫn chỉ hoạt động được 30-40% công suất.

"Bất chấp những thách thức có thể xảy ra, Việt Nam vẫn là một điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư thời gian tới. Các điều kiện nền tảng vững mạnh của Việt Nam sẽ giúp các nhà đầu tư gạt bỏ những biến động ngắn hạn do Covid-19", khối nghiên cứu của HSBC chia sẻ quan điểm. 

Báo cáo nhấn mạnh càng sớm kiểm soát được đợt bùng dịch Covid-19 lần 4, Việt Nam sẽ càng lấy lại lòng tin của nhà đầu tư nước ngoài nhiều hơn. Mấu chốt trong phương trình này chính là tăng tốc triển khai tiêm vắc xin. "Tiêm đủ cho ít nhất 70% dân số càng nhanh, Việt Nam càng sớm mở cửa biên giới chào đón số đông du khách và nhà đầu tư nước ngoài" khối nghiên cứu kết luận.