Săn "Đông trùng hạ thảo" ở Nepal

Sau trận động đất ngày 25/4, đã có hàng trăm người mất tích trong các ngôi làng miền sơn cước của Nepal.

Hiện nay vẫn còn nhiều ngôi làng trong vùng Karnali hoang vắng, song nguyên nhân không do động đất mà là do dân làng, già trẻ lớn bé đã đổ xô nhau đi lên núi cao tìm “yarsagumba” mà chúng ta gọi là “Đông trùng hạ thảo”, có giá bán ra lên đến hơn 80.000 USD/kg.

“Đông trùng hạ thảo” là một sinh vật nửa cây cỏ - nửa côn trùng, mùa đông thì đó là “sâu” (đông trùng) còn mùa hè thì là “cỏ” (hạ thảo). Do được đánh giá là có những chức năng dược lý làm tăng ham muốn tình dục nên được gọi là “Viagra của Hymalaya” và có giá bán còn cao hơn giá vàng gần ba lần!

Săn Đông trùng hạ thảo ở Nepal
 
Mặc dù chính quyền có lệnh cấm lao động trẻ em dưới 14 tuổi nhưng tại đây không hiếm gặp một số em chưa đến bảy tuổi cũng mạo hiểm tính mạng, chống chọi với thời tiết giá rét trên núi cao và nguy cơ lở tuyết để leo lên những vùng núi cao trên 3.500 m, thậm chí có nơi trên 4.000 m tìm “vàng”.

Thị trường tiêu thụ chính của “Đông trùng hạ thảo” là Trung Quốc, nơi giá có thể lên đến 100 USD/g. Và chính yếu tố này đã trở thành động lực kinh tế mạnh mẽ của người dân sống xung quanh những vùng núi của Nepal. Một món lộc trời mà khó có ai dễ chịu để vuột tay.

Thực trạng khai thác quá mức nói trên vào mỗi năm khiến các chuyên gia lo ngại rằng nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá nói trên sẽ nhanh chóng cạn kiệt, họ kêu gọi chính quyền cần ra chỉ thị và ban hành các điều luật nghiêm khắc hơn.

Mặt khác, tác động môi trường cũng không thể bỏ qua khi vào mùa thu hoạch rộ, hệ sinh thái vùng núi cao Nepal phải oằn mình gánh đủ loại rác thải và chất thải mà những người khai thác để lại, ảnh hưởng cả đến môi trường phát triển của “Đông trùng hạ thảo” vào năm sau.

Theo Lập Bình
Pháp Luật TPHCM/Global Voices
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”