“Săn” đồ quê đón Tết

Ngoài những món quà độc như bưởi hồ lô, dưa hấu thỏi vàng hay các món quà “xa xỉ” kiểu như vi cá mập, yến sào... thì Tết đến, nhiều người sắm cho nhà mình hay tặng bạn bè đặc sản quê - những món quà ý nghĩa và thân tình.

Sành điệu với đồ quê

Là người gốc Cao Bằng, đi học ở Hà Nội rồi ở lại làm việc tại Bộ Tài chính đã gần 20 năm, nhưng thói quen của gia đình anh Trần Đình Hoan không hề thay đổi đó là thưởng thức tết với các món đặc sản Cao Bằng.

Cách tết chừng 1 tháng, anh nhờ người mua đặc sản quê gửi theo xe khách xuống Hà Nội. Anh Hoan chia sẻ: Hôm qua, tôi vừa gọi điện cho người thân ở Cao Bằng, tôi đã đặt mua 10 kg miến dong Nguyên Bình và 5 cân thịt trâu gác bếp ở Bảo Lạc. Những thứ đồ ăn này vừa ngon, lại vừa miệng. Nó không chỉ đảm bảo chất lượng mà còn làm mình đỡ nhớ tới quê hương trong những ngày Tết. Đặc biệt, lại có thể giới thiệu với bạn bè, khách khứa tới thưởng thức đặc sản quê hương mình.

Có cô con gái làm việc tại Hà Nội, dịp Tết nào bà Quách Mỹ Uyên Nhàn (Huế) lại đặt cửa hàng tôm chua Trọng Tín (Huế) tới hơn 50 lọ tôm chua để gửi ra cho con gái.

Bà Nhàn tâm sự: “Nhà không mở cửa hàng chỉ bán trong ngõ, không quảng cáo nhưng vẫn không đủ bán vì người dân Huế và khách sành ăn từ phương xa cứ nườm nượp kéo đến đặt hàng”.

“Săn” đồ quê đón Tết - 1


Tôm chua Trọng Tín ngon và chất lượng hơn hẳn các loại tôm chua khác, đã đạt được nhiều giải thưởng hàng năm. Năm nào, bà cũng đóng hàng chục thùng mè xửng, tôm chua, tré... cho những gia đình người Huế làm việc và công tác tại Hà Nội.

Đặc sản quê, đồ ăn dân gian không chỉ là sở thích của những người quê ra tỉnh, với nhiều công ty, doanh nghiệp, đây cũng là một trong những ưu tiên hàng đầu để gây ấn tượng với bạn bè, đối tác.

Không giống với nhiều đơn vị, cuối năm tìm mua rượu ngoại, xì gà Cuba hoặc "cao lương mỹ vị" như sụn vi cá mập, yến sào... công ty truyền thông của anh Hoàng Đình Trọng trên đường Lê Văn Lương lại có quà Tết hoàn toàn khác biệt. Ngày 20/12 vừa qua, hơn 4 tạ gạo Điện Biên đã được mẹ anh ở gửi xuống công ty theo sự "đặt hàng" của anh Hoàng.

Khi các xe khách chuyển gạo về tới công ty, nhân viên chia nhỏ số gạo thành các túi 5, 10 cân khác nhau để anh chuyển tới đối tác. Anh Trọng chia sẻ: "Lần đầu, tôi không nghĩ ra món quà này. Sau một lần đối tác tới nhà tôi ăn cơm tấm tắc khen gạo dẻo và thơm, tôi biếu anh ấy một ít về ăn. Cuối năm, anh ấy nhờ mua hộ 30 cân ăn tết. Lúc đó tôi mới nghĩ tại sao không chọn món đó làm quà cho bạn bè".

Không ngờ, bạn bè và đối tác rất thích món quà này. Từ đó, năm nào tôi cũng dùng nó như một "bảo bối". Anh Trọng nói: "Quà quê vừa không quá đắt đỏ, lại ý nghĩa như "đồ của nhà". Đặc biệt, khi các đại gia sợ đồ nhiễm bẩn thì mình lại có gạo "sạch". Cả năm cả tháng cao lương mỹ vị họ đều thử cả, nhiều người thích đồ quê hơn cả đồ ngoại hàng nghìn đô chứ chẳng chơi".

Thị trường vào mùa

Thấy trên nhiều diễn đàn mọi người tâm sự muốn có đồ quê ăn Tết, lại muốn tập tành kinh doanh, Uyên Nhi (Huế) đã mạnh dạn bàn với bố mẹ dự án kinh doanh đặc sản Huế tại Hà Nội. Ngay khi được đồng ý, Nhi đã vào trang web Làm cha mẹ để chào hàng. Chỉ 2 ngày sau đã có những đơn hàng đầu tiên được gửi đến để thử chất lượng và kiểm tra chất "quê".
 
“Săn” đồ quê đón Tết - 2

Nhi cho biết: Ngoài những hàng khô như mè xửng, hạt sen khô Tịnh Tâm, sen sấy, trà Cung đình thì tôm chua, tré, đến cả bánh tét mọi người cũng đã đặt hàng để ăn Tết. Cũng chính nhờ buôn mặt hàng quê này mà em gặp được rất nhiều người Huế ở Hà Nội. Mừng hơn nữa là nhiều người các vùng miền khác cũng đặt mua, nhất là những khách hàng khu vực miền Trung đang sinh sống ở Thủ đô.

Dưa món, củ kiệu, bánh tráng, bò khô, bánh chưng, bánh dày... là những món được giới thiệu trong gói quà mang tên Xuân quê, giá 545.000 đồng thuộc nhóm giỏ quà mang tính truyền thống được trang Quatetvn.com giới thiệu trong tết 2012 này. Nhân viên tư vấn bán hàng cho biết: Mặc dù không hiện đại, "Tây" như các gói quà khác nhưng giỏ quà này lại rất được quan tâm. Hiện có hàng chục đơn hàng đặt giỏ quà này đã được đăng ký.

Không chỉ ở trong nước, những thị trường nước ngoài cũng rộn ràng các đặc sản quê để người Việt thưởng thức năm mới. Ở Nga, nơi có gần 100.000 người Việt đang sinh sống, học tập, trong tuyết lạnh trắng xoá, trên sân bay quốc tế ở Nga những ngày giáp tết, khách du lịch thường trầm trồ kinh ngạc bởi sắc đẹp đỏ thắm của những cành hoa đào được chuyên chở từ quê hương sang

Những năm gần đây, người ta còn mang cả hoa mai và nhiều loại cây cảnh khác sang Nga để đồng bào xa xứ vơi đi nỗi nhớ nhà. Nhưng có lẽ ấn tượng nhất là tại các chợ của người Việt tràn ngập hàng hoá đặc trưng Tết như: miến dong, nấm hương, rượu trắng làng Vân... Tất cả đặc sản của mọi miền đất nước Việt Nam đều có mặt ở nước Nga xa xôi đã làm nên hương vị tết dân tộc cho người Việt xa xứ...

Theo Thái Hưng
VEF

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm