Săn cổ phiếu mới lên sàn

Thay vì "canh" các cổ phiếu (CP) cũ với những phiên tăng giảm thất thường, việc đón đầu các CP mới lên sàn trở thành một trào lưu được nhiều nhà đầu tư lựa chọn trong thời điểm hiện nay. Đây là lý do vì sao các CP mới niêm yết liên tục trong tình trạng "cháy" hàng.

Hàng mới khan hiếm

Trào lưu này bắt đầu khi thị trường điều chỉnh với những phiên tăng giá chóng mặt của nhiều loại CP. Đây cũng là thời điểm nhiều doanh nghiệp "chọn mặt gửi vàng" để "đẩy" CP mới lên các sàn giao dịch. Có thể nói, hầu hết các CP niêm yết trong vòng 1 tháng trở lại đây đều tăng giá vùn vụt và tạo thành một trào lưu săn hàng mới trong giới đầu tư chứng khoán.

Khởi động đầy kích thích là sự góp mặt của CP PET (Công ty cổ phần Dịch vụ du lịch dầu khí) trên sàn vào ngày 12/9 với giá 58.000 đồng/CP. Sự truy lùng CP PET của các nhà đầu tư trong và ngoài nước khiến chỉ sau chưa đầy 1 tháng lên sàn, PET đã tăng gấp đôi giá trị, đạt 104.000 đồng/CP vào ngày 4/10 vừa qua.

Trong khi các nhà đầu tư còn chưa hết ngạc nhiên vì sự tăng nhanh của PET thì ngay sau đó, CP VIC (Công ty cổ phần Vincom) chào sàn ngày 19/9 với giá 125.000 đồng/CP đã làm một cú nước rút đầy kinh ngạc với những phiên tăng giá kịch trần liên tục và đứng đầu trong những CP có mức tăng mạnh nhất.

Tính đến ngày 8/10 vừa qua, nghĩa là sau khoảng 20 ngày góp mặt trên sàn giao dịch, giá CP VIC được đẩy lên mức 193.000 đồng/CP, tăng khoảng 70% so với giá chào sàn và luôn đứng trong top những CP có số lượng giao dịch nhiều nhất trên sàn TPHCM.

Tương tự, ngay sau khi chào sàn với giá 48.000 đồng/CP vào ngày 4/10, CP TSC (Công ty cổ phần Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Cần Thơ) cũng liên tục tăng giá với khối lượng dư mua lên tới mức khủng hoảng, trung bình trên 11 triệu đơn vị 2 phiên giao dịch ngay sau đó.

Cơn khát các CP mới niêm yết cũng xảy ra đối với CP HDC (Công ty phát triển nhà Bà Rịa - Vũng Tàu) trong phiên chào sàn đầu tiên ngày 8.10 vừa qua. Giá dự kiến 70.000 đồng/CP nhưng kết thúc phiên chào sàn, giá khớp lệnh của HDC chốt ở mức 84.000 đồng/CP.

Nhiều nhà đầu tư "canh" đặt lệnh ngay từ khi mở màn phiên giao dịch đầu tiên CP này nhưng vẫn ra về tay trắng bởi cơ hội khớp lệnh quá ít khi lệnh đặt mua lên tới 6,3 triệu đơn vị mà bên bán chỉ 1.350 đơn vị.

Lướt sóng với CP mới

Lý giải về sự tăng giá vùn vụt của các CP mới niêm yết, một chuyên gia chứng khoán cho rằng, đầu tiên là thời điểm lên sàn của các CP này đúng vào giai đoạn thị trường phục hồi.

Đây cũng là thời điểm hầu hết các công ty công bố tình hình doanh thu và lợi nhuận quý 3. Những công ty vừa lên sàn dù quy mô lớn hay nhỏ đều có mức doanh thu và lợi nhuận hấp dẫn nên thu hút ngay sự quan tâm của các nhà đầu tư.

Đứng từ góc độ thị trường, giám đốc một công ty chứng khoán cho rằng, do lượng cầu trên thị trường quá lớn mà lượng "cung" lại nhỏ nên việc các CP mới tăng giá cũng là điều đương nhiên.

Ông này phân tích, hầu hết các công ty đều coi phiên chào sàn là phiên thăm dò phản ứng thị trường nên khối lượng CP đưa ra không nhiều. Bên cạnh đó, biên độ tăng giảm 20% cho phiên chào sàn cũng khiến cho những người sở hữu CP không muốn bán ra nên nguồn cung càng trở nên khan hiếm.

Điển hình như tại phiên chào sàn CP HDC vừa qua, lượng CP niêm yết lên tới trên 8,1 triệu đơn vị nhưng lượng bán ra chỉ có 1.350 đơn vị khiến cơn khát CP này bị đẩy lên tới cao điểm. Một tay lướt sóng chuyên nghiệp cho rằng, thị trường "chạy" theo chu kỳ vài phiên tăng mạnh mới có một phiên giảm nhẹ.

Đây là thời điểm làm ăn của dân lướt sóng chuyên nghiệp và "hàng mới" là sự lựa chọn tốt nhất với điều kiện không được "tham". Nghĩa là vài phiên tăng giá là ra hàng ngay chứ không ôm dài ngày. Với dân đầu cơ bán chuyên nghiệp trong khi chờ các CP cũ hòa vốn thì lướt sóng CP mới để kiếm thêm thu nhập cũng là lựa chọn hàng đầu.

Với rất nhiều sự hấp dẫn, săn CP mới lên sàn đang trở thành trào lưu đối với các nhà đầu tư hiện nay và đây cũng chính là lý do quan trọng khiến cho các CP này tăng giá liên tục trong thời gian qua.

Theo Nguyên Hằng
Báo Thanh niên