1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Sân bay Long Thành: Cần thiết, nhưng còn băn khoăn

(Dân trí) - Theo chương trình kỳ họp, chiều 14/11, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư xây dựng dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Nhiều đại biểu Quốc hội nhấn mạnh tính cần thiết của một sân bay tầm cỡ quốc tế như Long Thành để phục vụ phát triển kinh tế của đất nước. Nhưng còn không ít ý kiến băn khoăn của đại biểu về tính hiệu quả, quy hoạch ngành giao thông trong tương lai, cũng như những lo ngại về nguồn vốn, tác động tới nợ công, ngân sách eo hẹp…

Phối cảnh sân bay Long Thành.
Phối cảnh sân bay Long Thành.

Mới là chủ trương, việc gì không đồng ý!

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) phân vân: “Tôi nâng lên đặt xuống rất nhiều lần về dự án sân bay Long Thành và tự hỏi mình cần phải có quyết định thế nào cho đúng? Vì giao thông cần phải đi trước để kích thích và tạo điều kiện cho kinh tế phát triển. Nếu không thông qua, tốc độ phát triển kinh tế sẽ bị ảnh hưởng, còn nếu thông qua thì nguồn vốn ở đâu, nợ công sẽ thế nào?”. Do đó, sau nhiều ngày trăn trở, bà An quyết định sẽ “ấn nút” thông qua chủ trương xây dựng sân bay Long Thành tại kỳ họp lần này.

Đại biểu Lê Nam (Thanh Hoá) cho hay: Đọc kỹ hồ sơ của Chính phủ gửi đại biểu, tôi thấy giờ muốn đặt vấn đề có nên xây sân bay này hay không thì có 3 câu hỏi mà vừa rồi Bộ trưởng Thăng đã báo cáo trước Quốc hội: Sân bay Tân Sơn Nhất hiện quá tải vào 2020 thì không nghi ngờ gì nữa. Yêu cầu đến 2030 và các năm tiếp theo phải có cảng hàng không hiện đại đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá hiện đại hoá, phát triển là việc hiện hữu thôi. Sân bay Tân Sơn Nhất thì không mở rộng được vì đã chiếm dụng đất, sử dụng với mục đích khác hết rồi.

“Sau giải phóng, giờ vào sân bay Tân Sơn Nhất thấy xót xa vì thiếu sư quản lý, giữa quân sự, dân sự; quản lý bên trong, bên ngoài sân bay nên sân bay này đã bị phá vỡ hoàn toàn. TPHCM nói giờ muốn mở rộng sân bay này thì phải di chuyển, giải phóng nửa triệu dân, đây là con số khủng khiếp. Tuy nhiên, hạ tầng xung quanh sân bay này đều không thể đáp ứng được, giao thông dẫn đến sân bay đều tắc nghẽn nên việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất là không khả thi”, đại biểu Lê Nam chỉ ra thực trạng.

Do đó, “hiện nay mới dừng ở khâu xin chủ trương mà việc này thì rất cần, vậy thì không có gì không đồng ý cả. Như vậy, cũng không phải lo là chưa có tiền chi tiêu lúc nợ công đang cao vì chưa bàn đến việc chi lúc này, chưa có gì phải cân đối ngân sách cho việc này. Đây chỉ là định hướng sắp tới”, đại biểu Lê Nam nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) cũng cho rằng, giao thông cần phải đi trước phát triển kinh tế, nhất là trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, yêu cầu mong muốn của người dân là có một sân bay tầm quốc tế.

“Nói như vậy để thấy, Việt Nam rất cần một sân bay tầm quốc tế như Long Thành. Tuy nhiên, do dự án đưa ra vào bối cảnh nợ công đang tăng cao, ngân sách eo hẹp nên sân bay Long Thành làm mất rất nhiều tâm sức của đại biểu Quốc hội. Bởi một quyết định sai do hoàn cảnh hiện tại, có thể tác động trực tiếp tới phát triển kinh tế”, ông Thường nói.

Không bỏ lỡ cơ hội, nhưng cần thận trọng…

Theo đại biểu Nguyễn Văn Hiếu (Bà Rịa - Vũng Tàu): Ai cũng muốn có sân bay to rộng, đáp ứng nhu cầu thực tế. Sân bay mới không chỉ giải quyết quá tải cho Tân Sơn Nhất mà còn là sân bay trung chuyển. Cuộc sống ai cũng muốn có công trình đường hoàng hơn, to đẹp hơn. Đó là nhu cầu chính đáng. Vậy nên, tính cần thiết của dự án thì đã rõ nhưng tính cấp thiết thì vẫn phải đánh giá.

“Có những công trình mấy nghìn tỷ xây ra rồi để đấy mà cả năm có khi chỉ dùng được mấy buổi như làng văn hoá các dân tộc. Vậy với thông số năm 2020 sẽ quá tải mức 25 triệu hành khách của Tân Sơn Nhất thì có phải là cấp chưa hay chưa? Đây cũng chính là vấn đề cần giải trình thêm”, đại biểu yêu cầu.

Cũng theo đại biểu Hiếu, việc bao giờ thực hiện và bắt đầu tư khi nào thì vẫn chưa được nêu rõ trong báo cáo đầu tư vì mới ở giai đoạn xin chủ trương, chưa lập báo cáo khả thi. Như vậy, không biết là năm 2017 hay 2020 mới bắt đầu?

Đại biểu Đỗ Kim Tuyến, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm Bộ Công an nhấn mạnh, trước khi “ấn nút” khởi động dự án, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cần phải trả lời được một số vấn đề: Bộ hoạch định xây dựng chiến lược giao thông hàng không 10 năm tới thế nào? Nếu xây dựng sân bay Long Thành thì sân bay Tân Sơn Nhất có còn tồn tại không? Nếu còn thì tính kết nối của hai sân bay này sẽ thế nào? Nhiều nước cũng xây sân bay mới nhưng tính kết nối giữa sân bay mới và cũ rất cao. Sự tồn tại của sân bay Tân Sơn Nhất vẫn cần phải đầu tư để nâng cấp, sửa chữa. Vậy việc đầu tư sẽ thế nào?

“Tôi không nói là không đồng ý xây dựng sân bay Long Thành nhưng cần phải có những lời giải này để còn tính toán xem cho chủ trương có nên làm hay không trong thời điểm này”, ông Tuyến bình luận.

Đại biểu Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội chia sẻ, có khoảng 6 - 7 công trình được đưa ra thảo luận, có cái thì đại biểu không đồng thuận, nhưng khi triển khai lại thành công. Nhưng nhiều công trình đồng thuận cao nhưng lại có những vướng mắc khi triển khai.

Ví như đường dây 500kv Bắc Nam, đại biểu không đồng thuận nhưng khi triển khai rất thành công. Sau 10 năm triển khai mới thấy thành công và là quyết định đúng đắn. Hay như dự án thủy điện Sơn La với nhiều ý kiến không đồng thuận của đại biểu Quốc hội nhưng khi triển khai khá thành công, thậm chí, dự án này còn hoàn thành trước so với kế hoạch là 2 năm.

Tuy nhiên, nhiều dự án được Quốc hội thông qua với tỷ lệ cao lại không được nhiều thuận lợi trong triển khai. Ví như đường Hồ Chí Minh. Ai cũng thấy việc làm đường cao tốc này là rất cần thiết, nhưng hiệu quá phát huy chưa cao. Mặc dù Đường 1 rất chật nhưng xe chủ yếu vào Đường 1 đi chứ rất ít ra đường Hồ Chí Minh.

“Nói như vậy để chỉ ra vấn đề dự án sân bay Long Thành là cần thiết, bởi chúng ta cần có một sân bay tầm cỡ quốc tế, nhưng có mấy vấn đề triển khai cần phải tính toán, đó là vấn đề vốn, giải phóng mặt bằng, tính hiệu quả của dự án…”, ông Nghị nhấn mạnh.

Và “nếu thông qua dự án, liệu việc giải phóng mặt bằng có đạt được hiệu quả như đề án nêu ra? Vì thực tế, Hà Nội hiện đang có 3 dự án đang triển khai, nhưng 10 năm nay vẫn chưa xong vì những khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng”, ông Nghị chia sẻ. Do đó, ông Nghị cho rằng việc triển khai dự án sân bay Long Thành là cần thiết nhưng cần phải tính toán về quy mô vốn, tính hiện đại, hiệu quả của dự án.

Nguyễn Hiền
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm