Sàn bán lẻ trực tuyến “đốt đuốc” tìm nhân sự giỏi

(Dân trí) - Trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử (TMĐT) của Việt Nam sẽ đạt hơn 40% trong các năm tới, nhân sự giỏi đang là bài toán đau đầu của nhiều doanh nghiệp (DN).

Cơn khát nhân sự

Mặc dù chưa có báo cáo cụ thể về doanh số của từng sàn TMĐT song thị trường đã tăng trưởng mạnh mẽ trong vài năm qua. Báo cáo Chỉ số TMĐT Việt Nam 2019 cho thấy tăng trưởng TMĐT năm 2018 đạt trên 30%, quy mô thị trường đạt 7,8 tỷ USD. Nếu tốc độ tăng trưởng của năm 2019 và 2020 tiếp tục ở mức 30% thì tới năm 2020, quy mô thị trường sẽ lên tới 13 tỷ USD. Nhiều dự báo còn cho thấy tăng trưởng sẽ cao hơn mức 40% trong các năm từ sau 2020. Sự tăng tốc “thần kỳ” của một ngành khá mới mẻ đối với Việt Nam cũng đi liền với đòi hỏi lớn về nhân lực, đặc biệt là nhân lực lãnh đạo, nhân lực trình độ cao.

Hiện nay, lao động người Việt chiếm gần như tuyệt đối trong các công ty kinh doanh bán lẻ trực tuyến đặt tại Việt Nam. Chẳng hạn với Shopee, ngoài Giám đốc Điều hành, toàn bộ nhân viên còn lại đều là người Việt Nam. Lý do khiến nhà tuyển dụng ưu ái tuyển nhân viên bản địa bởi đặc thù của TMĐT là cần hiểu rõ tâm lý người tiêu dùng bản địa để từ đó tổng hợp, phân tích hành vi tiêu dùng một cách hiệu quả nhất. Mặt khác, chi phí trả lương cho người lao động Việt Nam, kể cả lao động chất lượng cao, vẫn ở mức khá hợp lý đối với các công ty bán lẻ trực tuyến đa quốc gia.

“Trừ vấn đề ngôn ngữ, nhân viên bản địa không hề thua kém nhân viên nước ngoài ở bất cứ khoản nào”, Bà Tracey Đỗ - Giám đốc nhân sự Shopee, chia sẻ.

Sàn bán lẻ trực tuyến “đốt đuốc” tìm nhân sự giỏi - 1

Bà Tracey Đỗ - Giám đốc nhân sự Shopee

Tuy vậy, các DN TMĐT cũng thừa nhận thực tế đội ngũ nhân lực lãnh đạo có thể làm việc trong ngành công nghệ vẫn chưa phát triển kịp theo nhu cầu. Các công ty công nghệ đòi hỏi đội ngũ lãnh đạo có kinh nghiệm làm việc tại nước ngoài hoặc tại các công ty đa quốc gia, nhanh nhạy nắm bắt xu hướng công nghệ mới cũng như đủ linh hoạt để lèo lái DN trước thay đổi diễn ra rất nhanh hằng ngày. Ngoài ra, khả năng chịu được áp lực cạnh tranh lâu dài cũng đặc biệt quan trọng bên cạnh việc cải thiện được trình độ.

“Xắn tay” tự đào tạo

Một thực tế hiện nay là dù nhiều trường đại học bắt đầu chú trọng đến chuyên ngành đào tạo nhân lực TMĐT nhưng DN vẫn khó tìm được nhân lực có trình độ chuyên môn tốt. Có không dưới 30% DN cho biết gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động liên quan đến công nghệ thông tin và TMĐT. Nguyên nhân vì ngành TMĐT đòi hỏi lao động chuyên trách vừa có kiến thức về công nghệ vừa có hiểu biết về thương mại để nắm bắt kịp xu hướng mới. Trong khi đó, công tác đào tạo trong nước nhiều năm qua chưa đáp ứng được nhu cầu. Chỉ một số ít nhân lực học tập tại nước ngoài có khả năng đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của các công ty bán lẻ trực tuyến.

Trong bối cảnh đó, chính sách phát triển nguồn nhân lực được các công ty trong ngành lựa chọn là tự đào tạo. Tiki cho biết cách nâng cao trình độ nhân sự của DN này là tuyển dụng các nhân sự “đẳng cấp quốc tế” về đào tạo cho đội ngũ nhân sự trình độ thấp trong công ty. Trong khi đó, Shopee linh động tuyển dụng sinh viên mới ra trường và có niềm đam mê về TMĐT để đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho riêng mình. Nhân viên của Shopee cũng cho hay luôn sẵn sàng giới thiệu các ứng viên tiềm năng, có thể là bạn bè, người thân, vào làm việc tại Shopee.

Sàn bán lẻ trực tuyến “đốt đuốc” tìm nhân sự giỏi - 2

Đặc biệt, theo bà Tracey Đỗ, Shopee còn nhận hồ sơ ứng tuyển cho Global Leaders Program (Chương trình Nhà lãnh đạo Toàn cầu của Shopee) để tìm kiếm tài năng trẻ, huấn luyện theo tiêu chuẩn quốc tế, luân chuyển qua nhiều vị trí nhằm xây dựng đội ngũ lãnh đạo kế thừa. Tất cả các vị trí đều được tuyển chọn kỹ lưỡng qua nhiều vòng phỏng vấn với ban giám đốc của Shopee Việt Nam và trong một vài trường hợp đặc biệt, còn có phỏng vấn với những người phụ trách cấp vùng tại Singapore. Kết quả, từ vài chục nhân viên vào đầu năm 2016, đến nay Shopee có hơn 700 nhân viên ở Hà Nội và TP HCM.

“Đây là chương trình quản trị viên tập sự kéo dài trong hai năm và luân chuyển qua 4 phòng ban khác nhau, trong đó có 6 tháng luân chuyển tại Singapore. Sau 2 năm tham gia chương trình, các bạn nhân viên ưu tú sẽ trở thành đội ngũ lãnh đạo kế thừa của Shopee”, bà Tracey Đỗ cho biết thêm.

Ở góc nhìn chung, chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú nhận định do TMĐT là ngành nghề còn mới mẻ đối với Việt Nam nên khi tiếp nhận nhân sự, đòi hỏi DN phải bỏ công sức “đào tạo lại”. Trong đó, cần chú trọng đến kiến thức công nghệ thông tin, kỹ năng truyền thông, chăm sóc khách hàng thân thiết, văn hoá ứng xử... Cùng đó, chính sách giữ người giỏi cũng rất quan trọng bởi xu hướng “nhảy” việc trong lĩnh vực công nghệ đang diễn ra khá mạnh.

Trúc Quỳnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm