Samsung đổ vốn, Thái Nguyên vượt TPHCM giành ngôi đầu trong hút FDI

(Dân trí) - Trong 11 tháng đầu năm nay, dẫn đầu về đầu tư nước ngoài là Thái Nguyên với 3,27 tỷ USD vốn đăng ký mới và vốn tăng thêm, trong đó có 3 tỷ USD là từ nhà đầu tư Samsung.

Samsung đổ vốn, Thái Nguyên vượt TPHCM giành ngôi đầu trong hút FDI
Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài.


Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
 
Theo số liệu thống kê từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) trong 11 tháng năm 2014, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 11,2 tỷ USD, tăng 6,2 % so với cùng kỳ năm 2013.

 

Theo các báo cáo nhận được, tính đến ngày 20/11/ 2014 cả nước có 1.427 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 13,41 tỷ USD, bằng 97,3% so với cùng kỳ năm 2013.

 

Đến 20/11/2014, có 515 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 3,92 tỷ USD, bằng 55,7% so với cùng kỳ năm 2013.

 

Tính chung cả cấp mới và tăng vốn trong 11 tháng năm 2014, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam 17,33 tỷ USD, bằng 83,3% so với cùng kỳ 2013.

 

Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với 689 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 13,15 tỷ USD, chiếm 75,9% tổng vốn đầu tư đăng ký trong 11 tháng năm 2014.

 

Lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với 32 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 1,27 tỷ USD, chiếm 7,3% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đứng thứ 3 là lĩnh vực là lĩnh vực xây dựng với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,02 tỷ USD, chiếm 5,9% tổng vốn đăng ký.

 

Tính từ đầu năm 2014 đến nay, đã có 60 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Hàn Quốc dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm là 6,82 tỷ USD, chiếm 39,4% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Singapore đứng vị trí thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm là 2,75 tỷ USD, chiếm 15,9 % tổng vốn đầu tư; Nhật Bản đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm là 1,71 tỷ USD, chiếm 9,9% tổng vốn đầu tư.

 

Nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 50 tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong đó, dẫn đầu về đầu tư nước ngoài là Thái Nguyên với 3,27 tỷ USD vốn đăng ký mới và vốn tăng thêm, chiếm 18,9% tổng vốn đầu tư của cả nước.

 

TPHCM đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm là 3,01 tỷ USD, chiếm 17,4% tổng vốn đầu tư của cả nước. Bình Dương đứng thứ 3 với 1,42 tỷ USD vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm. Tiếp theo là các tỉnh/thành phố như Bắc Ninh, Đồng Nai, Hải Phòng với quy mô vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm lần lượt là 1,42 tỷ USD; 1,39 tỷ USD và 1,03 tỷ USD.

 

Đáng lưu ý, trong 11 tháng đầu năm nay những dự án có vốn đầu tư lớn nhất được cấp phép tại Việt Nam chủ yếu là của nhà đầu tư Samsumg. Trong đó, dự án Tổ hợp công nghệ cao Sam Sung Thái Nguyên – giai đoạn 2 và dự  án đầu tư tại KCN Yên Bình I, tỉnh Thái Nguyên với tổng vốn đầu tư đăng ký 3 tỷ USD; Dự án Công ty TNHH điện tử Samsung CE Complex đầu tư tại TPHCM với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,4 tỷ USD; Dự án Công ty TNHH SamSung Display Bắc Ninh tổng vốn đầu tư đăng ký 1 tỷ USD.

 

Phương Dung
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”