1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Sa lầy một dự án nuôi tôm bạc tỷ

(Dân trí) - “Tôm ăn thịt bò” là hình ảnh chua chát mà người dân xã Hải Dương - Quảng Công (TT-Huế) dùng để ví von việc phải bán trâu bò trả nợ cho những hồ tôm bạc tỷ đang bỏ hoang - hệ lụy của một dự án phá sản.

Dự án đổ vỡ, người dân đổ nợ

“Chẳng còn chi nữa chú ơi, 6.000m2 ruộng biến thành hồ hoang, 6 con trâu bán tống bán tháo mà tui vẫn còn nợ cả chục triệu bạc. Không có ruộng mà cấy, con tui cũng phải đi làm phụ nề kiếm sống, trả nợ còng lưng vẫn hoàn nợ” - ông Huỳnh Tứ (60 tuổi, xã Hải Dương) lắc đầu ngao ngán khi nhắc đến dự án nuôi tôm cao triều mà gia đình ông đang “sa lầy” mấy năm nay.

Dự án Khu nuôi tôm công nghiệp Quảng Công - Hải Dương được khởi động năm 2001, với tổng số vốn đầu tư gần 9 tỷ đồng, được tỉnh TT-Huế giao cho Công ty thủy sản làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, sau đó dự án được giao lại cho Công ty CP Phát triển Nuôi trồng thủy sản.
 
Sa lầy một dự án nuôi tôm bạc tỷ - 1

 
Dãy nhà của BQL dự án nuôi tôm cao triều
Quảng Công - Hải Dương bỏ hoang hàng năm nay.

Theo kế hoạch, dự án nuôi tôm này sẽ triển khai theo mô hình Khu công nghiệp nuôi khép kín, lấy nguồn nước từ biển. Tuy nhiên, đến năm 2003 mặc dù cơ sở hạ tầng chưa hoàn chỉnh, không có trạm bơm đủ chuẩn nhưng chủ đầu tư vẫn triển khai nuôi đại trà, lấy nước từ phá Tam Giang.

Chính vì vậy, ngay từ vụ đầu tiên người dân tham gia dự án và cả chủ đầu tư (vừa nuôi vừa làm dịch vụ) đều lỗ nặng. Ông Đỗ Khắc Lộc, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Dương, người vẫn còn ôm “cục nợ” 30 triệu đồng vì dự án nuôi tôm cho biết: “Một hồ tôm nếu đầu tư đúng chuẩn phải mất 35 - 40 triệu đồng, đằng này thực tế chỉ có 20 triệu. Ngay từ vụ đầu, dự án đã nuôi công nghiệp không ra công nghiệp, bán công nghiệp chẳng ra bán công nghiệp đâm ra dịch bệnh, dân lỗ quay quắt”.

Cứ như vậy, năm dịch bệnh thì lỗ nặng, năm được mùa thì… lỗ ít hơn, trên 100 hộ dân tham gia dự án đều đổ nợ. Không chỉ ông Huỳnh Tứ, những người hàng xóm của ông cũng phải bán trâu bò, cầm cố cả “sổ đỏ” nhà để trả nợ. Có người không còn gì để gán nợ đành dùng cái nợ này để trả nợ khác, nên đến nay nợ vẫn hoàn nợ.
 
Sa lầy một dự án nuôi tôm bạc tỷ - 2

 
Không còn lựa chọn, nhiều người dân đành thả cá, tôm
giữa hệ thống hồ hoang, giao cho "trời dưỡng".
 
Theo ước tính của ông Lộc, tổng số nợ của người dân trong xã hiện đã lên tới hơn nửa tỷ đồng - một con số không nhỏ so với thu nhập của người dân vốn làm thuần nông trên vùng đất vừa mặn, vừa úng ven phá Tam Giang. Trả lời câu hỏi của PV về số người phải nợ, ông Lộc nói gọn: “Cứ nuôi tôm là nợ!”.

Sau 3 năm, không gánh nổi dự án, chủ đầu tư đã quay lưng, để lại 78 hồ tôm hoang phế và hàng loạt tài sản bạc tỷ thành phế liệu. Tình trạng đó buộc lòng tỉnh phải mở chủ trương bán đấu giá các hồ nuôi lại cho dân, nhưng theo ông Lộc, cái giá 25 - 30 triệu đồng/ao vẫn là quá cao so với khả năng tài chính của những người dân nghèo vốn đã mang nợ chồng chất vì con tôm.

Mất đất, mất luôn sinh kế

Không chỉ lỗ và nợ, điều khiến người dân nuôi tôm dự án khốn đốn nhất là mất đất trồng lúa, khiến các hộ dân sa vào cảnh việc không có làm, gạo không có ăn. Toàn bộ 52 ha đất phục vụ dự án này đều được “bóc” từ ruộng của 104 hộ dân 2 xã Quảng Công và Hải Dương.

Năm 2001, tỉnh đã có chủ trương thu hồi đất để phục vụ dự án với mức đền bù 1.250 đồng/m2 đối với đất loại 2 và 1.000 đồng/m2 đối với đất loại 3. Theo ông Lộc, người dân cứ nghĩ đất vẫn là đất của mình, nhưng khi dự án đổ vỡ những người muốn lấp hồ tôm trồng lúa mới ngã ngửa khi biết đất đã là “của dự án” vì khi chuyển đổi mục đích sử dụng đã được đền bù.

Chính vì vậy, trong khi hàng chục ha hồ nuôi tôm bị bỏ hoang thì người dân không có ruộng để cấy. Từ người sản xuất lúa gạo, nhiều người phải đi làm phụ hồ, đánh bắt cá để mua gạo. Ngoài việc trả nợ, người dân có lý do chính đáng để bán trâu bò, bởi để nuôi cũng chẳng có đất cày, bừa. Ông Huỳnh Tứ chua chát ví von: “Con tôm nhỏ thế mà ăn thịt cả mấy con trâu, con bò”.
 
Tại kỳ họp HĐND mới đây, cử tri đã đề nghị giải quyết “hậu sự” cho dự án, nhưng xem ra vẫn còn nan giải. Theo định giá năm 2005, giá trị tài sản còn lại chỉ là 5,5 tỷ (đến nay còn thấp hơn vì các công trình đã hư hại nặng), và đến lúc này vẫn chưa có công ty nào tiếp quản, cải tạo lại các hồ nuôi.
 
Một số người dân tiếc của trời đành tính đường “thua me gỡ bài cào” bằng cách mua tôm giống về thả rồi khoán cho ông trời, thu hoạch được gì tốt nấy.
 
Sa lầy một dự án nuôi tôm bạc tỷ - 3

 
Chưa có hướng giải quyết cho dự án, dù hoạt động không hiệu quả và cơ sở vật chất mất mát, xuống cấp.

Theo ông Lộc, hiện người dân có 2 mong muốn: hoặc được nhận lại đất để cải tạo trồng lúa như trước khi có dự án, hoặc giữ lại hồ để nuôi xen kẽ tôm, cá theo kiểu truyền thống. Nhưng cả hai mong muốn này đều chưa được đáp ứng.

Một mặt vì trên giấy tờ đất đã không còn thuộc quyền sở dụng của người dân, mặt khác - theo ông Lộc - nếu giao hồ lại cho dân nuôi thì chủ đầu tư dự án sợ không có doanh nghiệp nào mua lại, có nghĩa là không thu được tiền để trả vốn vay tín dụng.

Hiện toàn bộ hệ thống kênh mương, ao hồ, trạm bơm, nhà cửa… đang xuống cấp trầm trọng và bị bỏ hoang trong khi những bên liên quan vẫn chưa tìm ra một giải pháp nào để “khai tử” hoặc phục hồi một dự án đã “sống thực vật” quá lâu.

Hồng Kỹ