TPHCM:

“Rút ruột” hàng tỷ đồng tại China Airlines chi nhánh TPHCM

(Dân trí) - Lợi dụng sự chênh lệch tỷ giá giữa USD và VNĐ, các đối tượng nguyên là kế toán, thu ngân của China Airlines chi nhánh tại TPHCM đã cấu kết với kế toán trưởng là người Đài Loan chiếm đoạt hàng tỷ đồng.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
* Lại hoãn xử vụ tranh chấp căn hộ Keangnam
* Ngân hàng siết nợ, dân nghèo tìm Thống đốc
* Dân 'quây' chủ đầu tư, nhà thầu đòi trả… mộ
* Triệu phú đô la làm nhà lầu di động

* Cần phân tích vì sao ILO đánh giá năng suất lao động của VN rất thấp

* Sàn vàng chui vẫn thách thức

Ngày 29/9, TAND TPHCM đã tuyên bản án sơ thẩm đối với các bị cáo nguyên là nhân viên kế toán, thu ngân của Công ty Cổ phần hàng không quốc gia Đài Loan – China Airlines Chi nhánh TPHCM về tội: “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Theo đó, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Lữ Cẩm Hy (SN 1983, ngụ quận 11) 12 năm tù, Diệp Kinh Chi (SN 1983, ngụ quận 11) 14 năm tù, Phó Vi Nhất (SN 1973, ngụ quận 3) 3 năm nhưng cho hưởng án treo.

Về phần dân sự, phía China Airlines cáo buộc các bị cáo chiếm đoạt 387 tỉ đồng. Tuy nhiên, HĐXX nhận định do trụ sở chính của công ty ở Đài Loan nên công ty có quyền yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền ở Đài Loan xem xét việc bị chiếm đoạt tài sản.

Các bị cáo đang đứng nghe HĐXX tuyên án
Các bị cáo đang đứng nghe HĐXX tuyên án

Theo hồ sơ vụ án, công ty China Airlines là công ty cổ phần hàng không Đài Loan (100% vốn nước ngoài) có trụ sở tại sân bay Taoyuan, Đài Loan. China Airlines bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ năm 1991, đến ngày 7/11/1994 chính thức hoạt động theo giấy phép mở văn phòng bán vé của hãng hàng không nước ngoài do Cục hàng không dân dụng Việt Nam cấp.

Văn phòng bán vé tại TPHCM của Công ty China Airlines có trụ sở tại tòa nhà số 37 Tôn Đức Thắng, P.Bến Nghé, Q.1, TPHCM có chức năng kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa từ sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM), Nội Bài (Hà Nội) đến nhiều nước trên thế giới. Các phòng ban đặt tại trụ sở ở TPHCM, riêng phòng vi tính đặt tại trụ sở chính của Tổng công ty ở Đài Loan, do quản lý theo mạng nội bộ nên ở Đài Loan vẫn quản lý, kiểm soát số liệu tại Việt Nam.

Ngày 17/12/2011, ông Chen Fei Fan là Tổng Giám đốc Công ty China Airlines tại TPHCM có đơn tố cáo đối với các đối tượng Lữ Cẩm Hy, Diệp Kinh Chi, Phó Vi Nhất là nhân viên kế toán, thu ngân của công ty thông đồng với nhau chiếm đoạt số tiền 5,7 triệu USD của công ty China Airlines và 184 ngàn USD của hãng hàng không Madarin do Công ty China Airlines làm đại diện.

Trên cơ sở điều tra, Bộ Công an xác định, từ khi thành lập, hoạt động tại TPHCM, Công ty China Airlines trải qua nhiều thời kỳ Tổng giám đốc, kế toán trưởng, nhân viên kế toán, thu ngân. Phó Vi Nhất làm thu ngân, kế toán từ năm 1995 đến tháng 12/2008 thì nghỉ, Diệp Kinh Chi làm từ tháng 9/2011 và Lữ Cẩm Hy làm từ 1/2009.

3 đối tượng này đã cấu kết với kế toán trưởng của công ty qua từng thời kỳ để chiếm đoạt số tiền chênh lệch tỷ giá giữa đồng USD và VNĐ.

Theo lời khai của Phó Vi Nhất, từ khoảng năm 1998, lợi dụng việc chênh lệch tỷ giá giữa đồng USD và VNĐ. Ngày nào thu tiền USD về nhiều và có chênh lệch tỷ giá USD/VNĐ giữa thị trường và tỷ giá do công ty quy định, kế toán trưởng đặt vấn đề và chỉ đạo Nhất lấy bớt tiền của hãng, mỗi lần từ vài trăm ngàn đồng đến 2 triệu đồng. Sau đó, Nhất cùng kế toán trưởng chia mỗi người một nửa, chứng từ hợp thức hóa do kế toán trưởng làm.

Bằng độc chiêu này, qua các đời kế toán trưởng, Nhất cũng đều thực hiện trót lọt với thỏa thuận 50/50. Sau này, có Diệp Kinh Chi tham gia thì Nhất giữ 30% còn chia cho Chi 20%.

Quá trình điều tra, Phó Vi Nhất thừa nhận chiếm hưởng số tiền tương đương 66.000 USD, tương đương 1,39 tỷ đồng.

Diệp Kinh Chi khai, mỗi tháng công ty China Airlines ở Đài Loan đều cho một tỷ giá USD/VND cố định để chi nhánh TPHCM đưa vào hoạch toán kinh doanh. Từng ngày, tỷ giá USD/VNĐ lên xuống, nếu doanh thu vào là tiền VNĐ thì chi nhánh tại TPHCM sẽ quy đổi tiền VNĐ ra tiền USD theo tỷ giá của ngày đó, sau đó đối chiếu với chênh lệch tỷ giá của doanh thu ngày đó với tỷ giá cố định mà công ty đã duyệt cho phép. Số tiền chênh lệch tỷ giá đó sẽ phải nộp vào công ty.

Lợi dụng sơ hở này, Nhất đã nói với Chi sẽ làm báo cáo tỷ giá USD/VNĐ trong ngày thấp hơn tỷ giá thực tế ngày hôm đó, làm giả phiếu định khoản. Hàng ngày, Chi thu tiền của đại lý, khách hàng nộp về cho Nhất. Nhất giữ lại từ 50-100 triệu đồng, số còn lại nộp vào tài khoản ngân hàng. Nhất hướng dẫn và phân công Chi làm phiếu định khoản giả dựa trên chênh lệch tỷ giá.

Sau khi Nhất nghỉ việc, Chi bắt đầu kết hợp cùng Lữ Cẩm Hy. Được sự thỏa thuận ăn chia với kế toán trưởng nên 3 đối tượng này đã thực hiện trót lọt thủ đoạn trên để chiếm đoạt hàng tỷ đồng của China Airlines.

Theo kết quả giám định của giám định viên tư pháp, tổng số tiền các bị cáo chiếm đoạt khoảng 17 tỉ đồng, các bị cáo chỉ thừa nhận chiếm đoạt 10,6 tỉ đồng.

Công Quang
 
 
Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”