1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Rút khỏi Trung Quốc?

Trong lúc các tập đoàn đa quốc gia tiếp tục đổ xô tới Trung Quốc để khai thác thị trường đang phát triển nhất thế giới thì nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa của Hồng Kông đang có cơ sở đầu tư tại khu vực đồng bằng Châu Giang, tỉnh Quảng Đông, lại có xu hướng rút cơ sở ra khỏi nơi này…

Gần đây, Ngân hàng Thế giới (WB) nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm 2007 lên 10,4% so với 9,6% là mức dự báo được WB đưa ra hồi tháng 11 năm ngoái. “Nền kinh tế thế giới đã tốt hơn nhiều so với những dự báo trước đây. Mặt khác, Trung Quốc cũng đã nới lỏng nhiều chính sách trong nước nhanh hơn dự kiến. Đây là hai lý do chính khiến chúng tôi nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này trong năm nay”, Bert Horman, nhà kinh tế trưởng chuyên về thị trường Trung Quốc làm việc ở văn phòng Bắc Kinh của WB, giải thích.

 

Tuy nhiên, dường như các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Hồng Kông đang đầu tư tại đồng bằng Châu Giang, một trung tâm sản xuất công nghiệp quan trọng của Trung Quốc, lại không được hưởng lợi từ sự tăng trưởng kinh tế nói trên. Theo Hiệp hội Hợp tác lao động và các doanh nghiệp vừa và nhỏ Hồng Kông, hơn một phần ba trong số 8.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ của Hồng Kông, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực chế biến và lắp ráp ở khu vực Châu Giang, đang đối đầu với những thay đổi lớn về môi trường kinh doanh của khu vực này trong những năm gần đây. Tác động lớn nhất đối với họ là việc tăng thuế và tình trạng thiếu lao động.

 

David Chiu, Chủ tịch Hiệp hội cho biết trong 3 năm qua đã có 2.600 doanh nghiệp vừa và nhỏ của Hồng Kông rút khỏi khu vực Châu Giang, đóng cửa các cơ sở hoạt động tại đây hoặc bán phần lớn cổ phần của họ cho các đối tác ở Trung Quốc. Ông dự báo rằng xu thế này sẽ còn tiếp diễn vì những thay đổi thường xuyên trong môi trường kinh doanh tại khu vực nói trên. “Do giá đất đai, tiền lương ở các thành phố thuộc đồng bằng Châu Giang như Thâm Quyến, Đông Hoản, Phật Sơn đều đang ngày càng tăng lên, khu vực này đang mất dần ưu thế cạnh tranh so với các khu vực lân cận”, ông giải thích.

 

Bản thân ông Chiu cũng sở hữu một nhà máy ở Thông Hải, Đông Hoản. Ông cho rằng vì các công nhân đưa ra nhiều yêu sách không chính đáng và chi phí hoạt động ngày càng tăng, ông đang có ý định bán lại nhà máy này cho một đối tác Trung Quốc. Trên thực tế, bên cạnh tình trạng thiếu lao động nghiêm trọng, thế hệ các lao động nhập cư mới ở khu vực Châu Giang nay cũng có một vị thế mạnh hơn để đòi hỏi các phúc lợi và điều kiện sinh hoạt tốt hơn. Điều đó khiến cho không ít các doanh nghiệp tại đây phải đau đầu khi tuyển dụng và nuôi dưỡng nguồn nhân lực.

 

“Công nhân ở đây, nhất là những người ở độ tuổi 18-40 là đối tượng thường gây rắc rối nhất. Họ đòi hỏi phải có chỗ ở thoải mái, chỉ chấp nhận ở chung phòng với ba người, yêu cầu phòng ở phải có nhà vệ sinh riêng, có ti vi và đôi khi cả máy lạnh. Nếu phải đáp ứng tất cả các yêu cầu của họ, có lẽ tôi phải đóng cửa nhà máy đã hoạt động được 13 năm của mình”, ông Chiu nói. “Khi nhận thấy các doanh nghiệp khác đưa ra các điều kiện làm việc tốt hơn, một số công nhân thậm chí còn tổ chức đình công hoặc buộc chúng tôi phải sa thải họ để họ có thể hưởng tiền đền bù rồi nhảy sang công ty khác”, ông than phiền.

 

Trước tình trạng trên, ông đã chọn cách dần thu hẹp hoạt động và sa thải bớt nhân viên. Hiện nay, nhà máy của ông chỉ còn 40 nhân viên với mức lương tháng từ 900-2500 nhân dân tệ (khoảng 118-326 USD), cao hơn mức lương tối thiểu chính thức ở Trung Quốc là 680 tệ. Cách đây 5 năm, nhà máy này có hơn 300 nhân viên.

 

Bên cạnh các thay đổi thường xuyên về chính sách của chính quyền địa phương, tình trạng thiếu điện, nước và những quy định chặt chẽ hơn trong vấn đề kiểm soát ô nhiễm môi trường được áp dụng từ tháng 7 năm ngoái cũng là những nguyên nhân khiến các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Hồng Kông ở Châu Giang phải rút lui. Họ chọn cách đóng cửa hoặc chuyển cơ sở hoạt động vào sâu trong đất liền hoặc chuyển sang các nước trong khu vực Đông Nam Á.

 

Song song với việc tìm cơ hội để bán lại nhà máy của mình ở Châu Giang, Chiu cũng đang có ý định chuyển nó thành một công ty thương mại, chủ yếu nhận đơn hàng từ nước ngoài, sau đó chuyển cho các công ty ở Trung Quốc gia công. “Đây là một xu hướng đang hình thành. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Hồng Kông đang dần dần trở thành người môi giới giữa các thị trường nước ngoài và các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Trung Quốc. Đồng thời, họ cũng giúp các đối tác Trung Quốc hoàn thiện khâu thiết kế và đóng gói sản phẩm”, ông Chiu nói.

 

Theo Nhất Nguyên

TBKTSG/Asia Times