1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Rút bớt đặc quyền của Vietnam Airlines

Cục trưởng Hàng không dân dụng Việt Nam - Thứ trưởng Nguyễn Tiến Sâm cho biết: Nhà nước đang thực hiện việc điều chỉnh một số quy định mới đối với ngành hàng không. Một trong những động thái đầu tiên là rút lại đặc quyền chọn giờ cất, hạ cánh của Tổng công ty Hàng không VN (Vietnam Airlines).

Theo Thứ trưởng, trước đây, thị trường chỉ có một mình Vietnam Airlines nên họ được chủ động chọn giờ cất, hạ cánh tại các sân bay nội địa. Nay có thêm nhiều hãng khác cùng tham gia kinh doanh dịch vụ thì đặc quyền này phải thu hồi lại.

Với đặc quyền này, lịch bay của Vietnam Airlines đã phủ hầu hết các “giờ vàng” trên các đường bay, khiến đối thủ cạnh tranh rất khó tăng được thị phần, mặc dù về nguyên tắc, các hãng muốn khai thác bao nhiêu tải đều được chấp thuận.

Theo sự điều chỉnh mới, việc phân chia giờ bay sẽ do Cục Hàng không VN chủ trì thông qua một hội đồng, trong đó có sự góp mặt của hãng hàng không quốc gia.

Hiện nay, VN đã ký hiệp định hàng không với khoảng 60 quốc gia. Về nguyên tắc, các hãng hàng không trong nước có thể mở đường bay đến cả 60 quốc gia này, trong đó có những thị trường lớn như Ấn Độ, Indonesia.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Tiến Sâm, thay đổi lớn nhất là Nhà nước sẽ không quản lý giá vận tải hàng không. Giá vé trên các đường bay sẽ do các hãng hàng không tự quy định.

Mới đây, Cục Hàng không VN đã “phá lệ” chia 2/3 tổng suất bay được khai thác trên đường bay từ VN đến Nagoya (Nhật Bản) cho hãng hàng không Pacific Airlines. Vietnam Airlines chỉ được chia 1/3 suất còn lại mặc dù hãng này đã bỏ nhiều công sức quảng bá hình ảnh của mình tại thị trường này.

Thế nhưng, trong thực tế thì cuối tháng 7 năm nay sẽ chỉ có Vietnam Airlines mở đường bay từ TPHCM đến Nagoya với tần suất 3 chuyến/tuần. Dù được phép khai thác gấp đôi tần suất trên đường bay “vàng” này, nhưng Pacific Airlines tạm thời nhượng quyền khai thác cho Vietnam Airlines đến hết lịch bay mùa hè, do chưa đủ năng lực.

Việc phân chia thị trường quốc tế trước hết phải bảo đảm lợi ích quốc gia, sau mới tính đến quyền lợi của nhà khai thác. Đối với đường bay trong nước, phân chia thị trường dựa trên nguyên tắc tự do bình đẳng. Bất cứ hãng nào có nhu cầu khai thác đều được chấp thuận.

Nhìn ra khu vực, quốc đảo nhỏ như Singapore chỉ có hơn 4 triệu dân cũng có đến 5 hãng hàng không, Thái Lan có 10 hãng, Indonesia có 11 hãng, còn ở VN hiện tại chỉ có 3 hãng hàng không, trong đó Vasco trực thuộc Vietnam Airlines. Với thị phần 85% thuộc Vietnam Airlines, 15% còn lại thuộc Pacific Airlines, thị trường hàng không nội địa vào thời điểm này chưa thực sự có tính cạnh tranh.

Nhiều chuyên gia nhận định, sau 3 năm nữa (thời hạn Chính phủ đồng ý chỉ duy trì 2 hãng hàng không như hiện tại để vực dậy Pacific Airlines), hãng này sẽ góp phần thúc đẩy thị trường hàng không VN phát triển. Khi Pacific Airlines chiếm khoảng hơn 30% thị phần trên các đường bay thương mại và xuất hiện thêm các hãng hàng không tư nhân, nhà chức trách sẽ phải thay đổi hàng loạt chính sách cho phù hợp với sự phát triển mới.

Phó Tổng Giám đốc Thương mại Vietnam Airlines Phạm Ngọc Minh cũng ủng hộ quan điểm tự do hóa vận chuyển hàng không nội địa. Tuy nhiên, ông cho rằng, muốn thực hiện được điều này cần từng bước nới lỏng, tiến tới bỏ quản lý giá trần đối với hàng không.

Theo đó, các hãng hàng không được phép tăng giá vé trong dịp cao điểm và khuyến khích giảm giá vào dịp thấp điểm để khai thác tốt thị trường. Bên cạnh đó, cũng cần tạo hành lang pháp lý cho sự ra đời của các hãng hàng không VN phát triển lành mạnh và chuyên nghiệp.

Bình luận về khả năng “buông” giá vé hàng không, một quan chức Bộ Tài chính cho rằng, đây là vấn đề về lâu dài buộc phải tính đến. Nhưng thực hiện vào thời điểm nào phải tùy điều kiện kinh tế - xã hội nhằm đạt được cả hai mục tiêu, vừa khuyến khích cạnh tranh vừa bảo vệ lợi ích người tiêu dùng.

Theo Người Lao Động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm