1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Rủi ro từ một Trung Quốc “quá nóng”

(Dân trí) - Giờ đến lượt Trung Quốc “hắt hơi” và Hoa Kỳ “cảm lạnh”. Người viết là Tyler Cowen, GS Kinh tế học tại ĐH George Mason.

Chuyến công du gần đây của Tổng thống Obama tới Trung Quốc phản ánh một mối quan hệ cộng sinh trong nền kinh tế toàn cầu: Trung Quốc nhờ vào khả năng tiêu dùng của Mỹ  để phát triển khu vực tư, còn Mỹ lại lợi dụng khả năng cho vay của Trung Quốc để mở rộng khu vực công.

Dù vậy, mối quan hệ này có thể bắt đầu xấu đi và thủ phạm chính nhiều khả năng sẽ là nền kinh tế đang phát triển quá nóng của Trung Quốc.

30 năm qua, vài trăm triệu nông dân Trung Quốc đã chuyển từ nông thôn lên thành thị, tạo nên một cuộc di dân nhanh nhất và lớn nhất lịch sử.

Để biến điều đó thành hiện thực, chính phủ Trung Quốc đã trợ cấp xuất khẩu bằng cách neo đồng nhân dân tệ ở mức thấp so với đồng đôla. Hành động này đã trợ giúp cho những công việc hưởng mức thù lao cao từ xuất khẩu.

Ngoài ra còn có các hình thức trợ cấp khác như phân bổ tín dụng trực tiếp và ưu đãi đặc biệt cho các doanh nghiệp vùng duyên hải.

Đó không phải là những chính sách được đề cập đến trong giáo trình kinh tế cơ bản, nhưng khó mà phủ nhận được thành công của chúng. Quan trọng hơn, nó đã mang lại tương lai cho nhiều người Trung Quốc.

Tuy vậy, những hình thức trợ  cấp ấy lại khuyến khích sản xuất thừa và tạo ra một khuynh hướng chính trị nguy hiểm phải bằng mọi giá trợ giúp cho những khoản đầu tư đó.

Trung Quốc đang xây dựng nhà  máy và gia tăng sản lượng ở gần như mọi khu vực trong nền kinh tế, nhưng vẫn chưa rõ liệu những khoản đầu tư mới nhất này có sớm  đem lại lợi nhuận hay không.

Ô tô, thép, chất bán dẫn, xi măng, nhôm và bất động sản đều cho thấy dấu hiệu sản xuất thừa. Trung tâm thương mại tại Thượng Hải có tỷ lệ trống cao nhưng việc xây dựng vẫn tiếp tục được triển khai.

Các nhà hoạch định Trung Quốc đang bàn về việc cần phải hạn chế đầu tư vào các ngành đang tràn ngập sản phẩm tồn kho. Thị trường thế giới không đủ mạnh trong khi nhu cầu nội địa lại chưa bao giờ tương xứng.

Quan chức địa phương có động cơ để hỗ trợ cho doanh nghiệp trong vùng dù có là những dự án thiếu bền vững. Với cá nhân một doanh nghiệp, cách tốt nhất để thu hút được thêm vốn đầu tư là nêu ra một kế hoạch phát triển.

Vì không có mấy ngành thật sự lớn mạnh và tăng trưởng là phổ  biến, công ty nào cũng có thể hứa hẹn sinh lời trong tương lai.

Nhìn chung, Trung Quốc thiếu minh bạch. Số liệu thống kê GDP dựa nhiều trên ghi chép về hoạt động sản xuất thay vì doanh số bán hàng.

Chính sách tài khóa tín dụng của Trung Quốc hướng tới việc làm và ổn định chính trị, do đó chính quyền ngại hé lộ dự án  nào đang gặp vấn đề và nên hủy bỏ. Nếu tính tới tất cả những yếu tố đó, nhiều khả năng không ít vấn đề sẽ nảy sinh.

Trung Quốc đã có 30 năm liền tăng trưởng ấn tượng. Sự phát triển  ấy tự nhiên sẽ sinh ra việc lạc quan và đầu tư quá mức trong toàn bộ nền kinh tế. Chính người Mỹ cũng đã cay đắng nhận ra điều này sau cuộc khủng hoảng tài chính.

Lịch sử cho thấy không có nền kinh tế lớn nào đạt tới trình độ phát triển cao mà không có bong bóng, khủng hoảng và có thể thậm chí là cả nội chiến. Liệu Trung Quốc có phải là trường hợp ngoại lệ?

Khái niệm về sản lượng thừa và đầu tư sai lầm không thiếu trong lý thuyết về chu kỳ kinh doanh của thế kỷ  19 và đầu thế kỷ 20, khi các nền kinh tế  đang phát triển tại phương Tây thường gặp phải suy thoái loại này.

Nhiều cây bút nổi tiếng, từ Thomas Malthus đến nhà kinh tế người Áo Friedrich A. von Hayek, đã cảnh báo về việc dành quá nhiều vốn cho các dự án đầu tư không hiệu quả và hậu quả từ những đợt suy thoái. Tư tưởng của họ có thể giúp soi sáng hiện trạng của Trung Quốc.

Vậy Hoa Kỳ sẽ chịu tác động thế nào nếu điều thần kỳ Trung Quốc xảy chân? Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc sẽ không còn đem lại lợi nhuận, vấn đề thất nghiệp và bất ổn xã hội nhiều khả năng sẽ nổi lên.

Về mặt kinh tế, giá xuất khẩu của Trung Quốc có khả năng sẽ giảm vì các doanh nghiệp cạnh tranh với nhau để dành vốn đầu tư và khắc phục thua lỗ. Doanh nghiệp Hoa Kỳ sẽ  khó cạnh tranh với doanh nghiệp Trung Quốc hơn và  áp lực giảm phát sẽ đè nặng lên cả hai quốc gia.

Dù Trung Quốc có bán  được nhiều hàng hơn thì với giá thấp, họ cũng vẫn kiếm được ít hơn nên nhìn chung, họ cũng cho chính phủ Mỹ vay ít đi.

Dù gì đi chăng nữa, có thể cuối cùng Trung Quốc sẽ sử dụng quỹ  dự trữ ngoại hối để giải quyết các vấn  đề nội địa hay xoa dịu các nhóm lợi ích trong nước. Chi phí vốn vay của Hoa Kỳ sẽ tăng và cán cân ngân sách nhanh chóng trở nên không bền vững.

Chuyện này không phải không thể  xảy ra và nước Mỹ nên chuẩn bị đón nhận nó. Hiện nay, quốc gia này nên tránh hai sai lầm lớn.

Thứ nhất là cho rằng vì chi phí vốn vay hiện đang thấp nên chưa vội chi tiêu có trách nhiệm, thể nào rồi chẳng vay được của Trung quốc. Lịch sử các cuộc khủng hoảng tài chính cho thấy bước ngoặt có thể đến rất nhanh mà chẳng hề báo trước.

Sai lầm thứ hai là đòi Trung Quốc nhượng bộ quá nhiều.

Những số liệu đều cho thấy Trung Quốc đang nổi lên còn Hoa Kỳ đang ốm yếu. Dù vậy, có nhiều khả năng rằng một Trung Quốc ốm yếu lại phức tạp hơn nhiều so với một Trung Quốc khỏe mạnh.

Minh Tuấn
Theo NyTimes

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm