Rủi ro lạm phát, HSBC kỳ vọng lãi suất điều hành sẽ giữ nguyên ở mức 4,5%

Vĩ Quang

(Dân trí) - Lạm phát gia tăng và rủi ro ngoại tệ xuất hiện trở lại, HSBC cho rằng cơ quan quản lý tiền tệ sẽ giữ lãi suất điều hành ổn định ở mức 4,5% cho đến cuối năm 2024.

Dự báo tăng trưởng năm nay ở mức 5%, kỳ vọng quý IV phục hồi 

Trong báo cáo mới phát hành, HSBC Việt Nam kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ giữ lãi suất điều hành ổn định ở mức 4,5% cho đến cuối năm 2024.

Với sự phục hồi kinh tế liên tục, lạm phát gia tăng và rủi ro ngoại tệ xuất hiện trở lại, HSBC cho rằng các điều kiện không còn đảm bảo cho việc cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản như họ từng dự báo. Theo đó, cơ quan quản lý tiền tệ sẽ giữ nguyên mức lãi suất điều hành như hiện tại, trừ khi có cú sốc lớn từ bên ngoài.

Mặc dù vậy, HSBC cũng không kỳ vọng chuyện tương tự tháng 10/2022 lại xảy ra, khi đợt tăng liên tục của tỷ giá USD/VND buộc cơ quan quản lý tiền tệ phải mạnh tay tăng lãi suất. Nguyên nhân là do các điều kiện kinh tế vĩ mô của tiền đồng đã được cải thiện.

Ví dụ, thặng dư tài khoản vãng lai của Việt Nam gần như đã quay trở lại mức đỉnh trước đó là gần 5% GDP, nhờ thặng dư thương mại mạnh mẽ, lượng kiều hối dồi dào và doanh thu du lịch tăng.

Nhìn chung, nền kinh tế Việt Nam đã nhìn thấy một số tín hiệu phục hồi vốn đang rất cần thiết, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại và du lịch. Đơn vị phân tích duy trì dự báo tăng trưởng năm nay ở mức 5%, kỳ vọng một sự phục hồi mạnh mẽ trong quý IV.

Rủi ro lạm phát, HSBC kỳ vọng lãi suất điều hành sẽ giữ nguyên ở mức 4,5% - 1

HSBC đưa ra dự báo mới về các chỉ số kinh tế. (Nguồn: HSBC)

Nâng dự báo lạm phát lên 3,4%, vẫn dưới mục tiêu 

Trong khi tăng trưởng chứng kiến một số tin tốt, các rủi ro về lạm phát cũng xuất hiện. HSBC nâng dự báo lạm phát bình quân của Việt Nam năm nay lên mức 3,4%, cao hơn mức dự báo cũ 0,2 điểm phần trăm. Dự báo này vẫn nằm dưới mục tiêu 4,5% của Ngân hàng Nhà nước.

Nguyên nhân nâng dự báo là do đà lạm phát đã tăng nhanh trong hai tháng qua, được xem là rủi ro gia tăng đáng kể.

Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) so với cùng kỳ đã tăng nhanh từ mức 2,1% của tháng 7 lên 3,7% vào tháng 9. HSBC cho rằng áp lực tăng đến từ đợt tăng giá liên tục trên thị trường dầu và gạo, vốn chiếm phần lớn trong rổ CPI của Việt Nam. 

Theo đó, giá thực phẩm đã tăng khoảng 3% so với tháng trước trong hai tháng liên tiếp. Trong khi thương mại của Việt Nam được hưởng lợi từ giá gạo cao hơn, giá cả quốc tế đã đẩy giá hàng hóa thiết yếu trong nước tăng cao.

HSBC nhận định rằng Việt Nam dễ bị ảnh hưởng bởi những biến động gần đây trên thị trường dầu mỏ toàn cầu. Không chỉ chi phí vận tải lần đầu tiên trong một năm đã ngưng giảm so với cùng kỳ năm trước mà giá khí đốt trong nước cũng tăng đáng kể.

Mặc dù nhà băng này không kỳ vọng những diễn biến gần đây sẽ đẩy lạm phát bình quân vượt mức trần 4,5%, nhưng tình thế "họa vô đơn chí" này gây ra rủi ro gia tăng đáng kể.