Rục rịch hàng Tết
Nhiều doanh nghiệp không tung sản phẩm mới mà ưu tiên giữ giá, tính toán khả năng khuyến mãi để kích cầu thị trường Tết.
Dự báo mức tiêu dùng sẽ không tăng nhiều trong Tết Giáp Ngọ 2014, các doanh nghiệp (DN) chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh, ưu tiên chính sách giá để khai thác sức mua trong mùa làm ăn lớn nhất năm.
Dè dặt lên kế hoạch
Bà Nguyễn Thị Tâm Ái, Giám đốc Công ty Sản xuất mứt Trí Đức (nhãn hiệu mứt Lạc Xuân), cho biết đầu tháng 10 âm lịch, đơn vị sẽ bắt tay vào sản xuất mứt Tết. Dự kiến năm nay, Trí Đức tung ra thị trường khoảng 70 tấn mứt các loại và bán cho các đơn vị đặt hàng khoảng 60 tấn.
Tuy nhiên, mức tăng này không phải do sức mua thị trường mà do cơ quan chức năng đẩy mạnh kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm, các đơn vị kinh doanh dồn đặt hàng vào những DN lớn, uy tín.
“Như trung thu vừa rồi, lượng mứt bán ra tăng đến 50% so với năm 2012 nhưng chủ yếu do nhiều DN sản xuất bánh trung thu đặt hàng chứ đơn hàng của từng đơn vị không tăng. Nhiều khả năng thị trường Tết cũng vậy” - bà Tâm Ái cho biết.
Công ty Bibica chỉ đặt mục tiêu tăng 5% - 10% sản lượng (mọi năm tăng 20%). Theo ông Phan Văn Thiện, Phó Tổng Giám đốc Công ty Bibica, lợi thế của các DN Việt năm nay là người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn đến sản phẩm trong nước.
Để cạnh tranh với dòng sản phẩm cao cấp nhập khẩu, Bibica tăng gấp đôi sản lượng dòng sản phẩm cao cấp và cải tiến bao bì, mẫu mã dòng sản phẩm này. Dự kiến, Bibica sẽ đưa ra thị trường khoảng 1.250 tấn bánh kẹo Tết với hơn 100 loại sản phẩm.
Là một trong những đơn vị tham gia bình ổn thị trường TP HCM, Công ty Vissan đã chuẩn bị 40.000 con heo và 10.000 tấn thực phẩm chế biến cho mùa Tết, tăng 20% so với cùng kỳ.
Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan, cho biết dù sức mua thị trường kém hay cao, mức dự trữ hàng Tết vẫn tăng 20% nhằm bao phủ thị trường và không để thiếu hàng. Nếu còn dư sẽ dùng cho sản xuất kinh doanh trong quý I/2014.
Cân nhắc giữ giá
Theo các DN, sức mua hiện đang ở mức duy trì hơn là tăng trưởng, người tiêu dùng đang rất dè sẻn chi tiêu nên dự kiến sức mua sẽ tập trung vào các ngày cận Tết. Trong điều kiện như vậy, hầu hết DN chủ trương không phát triển sản phẩm mới mà tập trung vào các mặt hàng thế mạnh, kìm giữ giá.
Công ty Vissan chủ trương không tăng giá bán và cân nhắc khả năng tổ chức khuyến mãi để kích cầu. “Mặc dù giá nguyên liệu đầu vào tăng nhưng 99% Vissan không tăng giá bán ra. Chúng tôi phải giữ giá để bảo vệ mạng lưới, bán được nhiều hàng hơn, qua đó giảm chi phí sản xuất, bảo đảm lợi nhuận” - ông Văn Đức Mười chia sẻ.
Cũng xác định giữ giá mứt Tết, Công ty Trí Đức đã ứng tiền cho nhà cung cấp các loại nguyên liệu gừng, cà chua bi, đường... để ổn định giá đầu vào.
Công ty Bibica thì cho biết dù giá bao bì, nguyên liệu chính tăng trung bình trên 10% nhưng công ty chỉ tăng giá 5% - 8% đối với 60% mặt hàng.
Nhiều hệ thống siêu thị trên địa bàn TP HCM cho biết chưa lên kế hoạch cụ thể cho hàng Tết mà còn chờ dự báo sức mua từ các bộ, ngành và thông tin tham khảo từ các công ty nghiên cứu thị trường. Đã hết quý III nhưng sức mua vẫn yếu nên nhiều khả năng Tết này sẽ không có sự đột biến về chủng loại hàng hóa, cơ cấu hàng mà tập trung kiểm soát chất lượng, chính sách giá tốt và những chương trình giảm giá sâu.
Không lo thiếu hàng
Sở Công Thương TP HCM đã làm việc với các DN tham gia bình ổn thị trường Tết về kế hoạch cung ứng hàng Tết Giáp Ngọ. Theo đó, các DN tham gia bình ổn thị trường Tết cung ứng khoảng 30%-40% thị phần các mặt hàng thiết yếu, chợ đầu mối cung ứng 40%-50% và số còn lại thuộc về các DN khác.
Các DN bình ổn đã chuẩn bị nguồn hàng cao hơn kế hoạch được giao. Cụ thể, mặt hàng thịt heo tăng 16% so với cùng kỳ và tăng 21% so với kế hoạch, chiếm trên 30% nhu cầu tiêu dùng của người dân TP; thịt gia cầm tăng 129% so với cùng kỳ và tăng 31% so với kế hoạch, chiếm trên 80% nhu cầu tiêu dùng; trứng gia cầm tăng 32% so với cùng kỳ và tăng 16% so với kế hoạch, chiếm trên 45% nhu cầu tiêu dùng; mặt hàng rau củ quả tăng 203% so với cùng kỳ và tăng 146% so với kế hoạch... |
Hà Nội: Dự báo sức mua yếu
Sở Công Thương TP Hà Nội đã chỉ đạo các DN, siêu thị, trung tâm thương mại lên kế hoạch dự trữ nhóm hàng thiết yếu tăng khoảng 10%-15% so với các tháng trong năm. Cụ thể, Tổng Công ty Lương thực Miền Bắc dự trữ khoảng 50.000 tấn gạo; các công ty xuất khẩu thực phẩm và chăn nuôi dự trữ khoảng trên 1.000 tấn thịt sạch; các trung tâm thương mại, siêu thị dự trữ các loại hàng thiết yếu phục vụ Tết khoảng 2.500 tỉ đồng; Công ty CP Bánh kẹo Hải Hà cung ứng ra thị trường khoảng 9.000 tấn bánh kẹo các loại; Công ty CP Hữu Nghị sản xuất khoảng 12.000 tấn bánh mứt kẹo; Công ty Bánh kẹo Tràng An dự trữ khoảng trên 2.500 tấn bánh mứt, kẹo; Công CP Bánh mứt kẹo Hà Nội dự trữ khoảng 450 tấn bánh, mứt các loại...
Về công tác bình ổn giá, Sở Công Thương Hà Nội cho biết đã chỉ đạo các DN tham gia chương trình bình ổn giá dự trữ và tổ chức bán ra thị trường 7 nhóm hàng thiết yếu với tổng giá tiền hàng là 318 tỉ đồng, gồm: 5.500 tấn gạo tẻ, 900 tấn thịt heo, 450 tấn thịt gà, 6 triệu quả trứng gia cầm, 300 tấn hải sản đông lạnh, 1.500 lít dầu ăn, 2.000 tấn rau củ. TP Hà Nội sẽ triển khai 610 điểm bán bình ổn giá cố định được treo biển nhận diện và khoảng 1.500 điểm bán hàng là các đại lý, cửa hàng… không treo biển nhận diện nhưng bảo đảm giá bán ổn định theo bảng giá của Bộ Tài chính.
Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, ông Vũ Vinh Phú, cho biết mặc dù còn 3 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán nhưng hệ thống các siêu thị trên địa bàn đã bắt đầu tổ chức đi thực tế, đánh giá tình hình thị trường, nguồn cung, năng lực mua và giá cả hàng hóa để xây dựng kế hoạch dự trữ hàng. “Theo ghi nhận ban đầu, sức mua dịp Tết Giáp Ngọ dự báo có tăng so với các tháng trong năm nhưng mức tăng kém, chỉ đạt khoảng 8%-10%, thấp hơn dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ” - ông Phú cho biết. Ph.Nhung |
Theo Thanh Nhân
NLĐ