Rời ghế, vẫn canh cánh nỗi lo… vào tù

Câu chuyện nguyên Tổng giám đốc CTCK Liên Việt (LVS) bị bắt có lẽ đang khiến không ít người sở hữu lẫn người điều hành CTCK “giật mình” lo cho bản thân.

Rời ghế lãnh đạo, vẫn canh cánh nỗi lo… vào tù

 

Theo nội dung trao đổi với báo chí từ ông Huỳnh Ngọc Huy, Chủ tịch HĐQT LVS, chính LVS đã tố cáo ông Hoàng Xuân Quyến vì cho rằng, ông Quyến đã cho phép thế chấp cổ phiếu OTC – một nghiệp vụ mà HĐQT chưa bao giờ cho phép làm, khiến LVS bị thiệt hại tài chính. Chuyện này đang làm dấy lên lo ngại từ cả phía người sở hữu CTCK lẫn người điều hành CTCK.

 

Một ngày sau thông tin này, chiều ngày 1/6, nguyên tổng giám đốc một CTCK đã rời khỏi vị trí điều hành từ đầu năm 2011 trao đổi với PV trong tâm trạng lo lắng. Ông này cho hay, bản thân ông đang lo sợ câu chuyện tại CTCK Liên Việt sẽ là ngòi nổ cho những trường hợp hình sự hóa các lỗi vi phạm mà lãnh đạo các CTCK đã mắc phải, trong đó có ông.

 

Dưới thời lãnh đạo của ông, hơn 50 tỷ đồng của công ty đã phải ứng ra để trả cho ngân hàng, vì khách hàng vay mua chứng khoán (dưới sự xác nhận và bảo lãnh của công ty) không trả được. Vì thế, dù xét cả quá trình điều hành công ty không bị lỗ, nhưng xét riêng sự vụ này, thì nguy cơ ông bị truy lại trách nhiệm là hoàn toàn có thể xảy ra.

 

Theo tìm hiểu của PV, việc tìm được một văn bản của HĐQT các CTCK cho phép triển khai nghiệp vụ repo, cầm cố cổ phiếu hay hỗ trợ khách hàng sử dụng đòn bẩy tài chính là không dễ. Tuy nhiên, 3 nghiệp vụ này lại là 1 trong 2 nhóm nguyên nhân chính khiến không ít CTCK rơi vào hoàn cảnh bi đát, vốn chủ âm (bên cạnh nguyên nhân tự doanh thua lỗ).

 

Rời ghế, vẫn canh cánh nỗi lo… vào tù
Hoạt động cho vay đòn bẩy, repo, cầm cố cổ phiếu từng được nhiều CTCK thực hiện, gây thua lỗ mà không được sự cho phép của HĐQT

 

Không chỉ vị nguyên tổng giám đốc nói trên, khá nhiều lãnh đạo CTCK cũng tỏ ra e ngại, vì trong quá khứ đã có những tổn thất tài chính của CTCK xuất phát từ những nghiệp vụ cho khách hàng vay đòn bẩy, repo, cầm cố cổ phiếu trong khi HĐQT không có ý kiến gì về vấn đề này.

 

Báo cáo tài chính các CTCK đều đang tồn tại những khoản phải thu và phải trả rất lớn, kéo dài trong nhiều năm. Theo tìm hiểu của ĐTCK, trong số những khoản phải thu, phải trả này, không ít trường hợp là những khoản hỗ trợ tài chính cho NĐT, trong đó, CTCK đứng vai trò trung gian, bảo lãnh, đang ở diện nợ xấu.

 

Điều gì sẽ xảy ra nếu đến một thời điểm, CTCK không thể bưng bít được những khoản thâm hụt đó? E rằng, đó sẽ là thời điểm xuất hiện thêm nữa những nguyên lãnh đạo CTCK phải vướng vòng lao lý, vì tội danh làm trái quy định, gây thiệt hại tài chính.

 

 

Lối thoát nào cho CTCK và người hành nghề chứng khoán?

 

Trên thực tế, lo ngại về việc bị quy trách nhiệm cá nhân trong các trường hợp này đã được giới lãnh đạo CTCK nghĩ tới ngay từ sự việc CTCK quy trách nhiệm cá nhân ông Trương Duy Sơn, nguyên Chủ tịch CTCK Hà Thành đối với các khoản nghĩa vụ tài chính phát sinh từ các nghiệp vụ bảo lãnh cho khách hàng giao dịch chứng khoán. Sau sự vụ này, lãnh đạo các CTCK đã trở nên e dè hơn trong việc thực hiện các nghiệp vụ kinh doanh, nhưng đó là câu chuyện của hiện tại và tương lai, còn quá khứ vẫn là một ám ảnh.

 

Tuy nhiên, đây mới chỉ là một mảng lo ngại của người hành nghề chứng khoán. Từ phía những ông chủ của các CTCK cũng xảy ra không ít lo ngại. Làm sao để kiểm soát tốt hơn hoạt động CTCK? Làm sao để bảo vệ tài sản tốt nhất? Bởi vì, nếu xảy ra thất thoát, việc kiện tụng ra tòa, thậm chí đưa nhau vào tù chỉ có thể mang tính chất răn đe, chứ không phải là giải pháp giúp thu hồi được toàn bộ thiệt hại gây ra, nếu như người hành nghề không có đủ năng lực tài chính.

 

Để giải quyết được 2 nỗi lo này, CTCK cần giải quyết được 2 vấn đề. Một là tăng cường công tác kiểm soát nội bộ (một hoạt động được quy định từ lâu nhưng vẫn tỏ ra khá yếu kém tại các DN ở Việt Nam nói chung, CTCK nói riêng). Yếu tố này, phải đến từ tự thân CTCK và người hành nghề. Nhưng, trong trường hợp vẫn xảy ra thiệt hại, thì làm sao để tránh được khả năng hình sự hóa cho người hành nghề và giảm thiểu thiệt hại cho CTCK?

 

Điểm C, Khoản 3, Điều 18, Nghị định 85/2010/NĐ-CP quy định, CTCK sẽ bị phạt từ 50 - 70 triệu đồng nếu không mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán tại công ty và trích lập đầy đủ quỹ bảo vệ nhà đầu tư để bồi thường thiệt hại cho nhà đầu tư do sự cố kỹ thuật và sơ suất của nhân viên CTCK.

 

Tuy nhiên, cả hai nội dung trong quy định này đều khó triển khai. Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, một chiếc phao an toàn cho cả CTCK lẫn người hành nghề, không chỉ ở phương diện giảm tổn thất phát sinh, mà còn ở cả mức độ phòng ngừa do có sự kiểm soát tuân thủ quy trình của bên thứ 3 độc lập, đang bị tắc bởi khó tìm được đơn vị bảo hiểm chịu cung cấp. Nguyên nhân của tình trạng này đến từ sự khác biệt giữa thực tế sơ khai của TTCK Việt Nam và chuẩn mực cao của bảo hiểm quốc tế.

 

Còn với quỹ bảo vệ NĐT, đến thời điểm này, chưa ghi nhận được trường hợp CTCK nào trích lập, bởi trích lập bao nhiêu, như thế nào, hạch toán ra sao đều chưa được Bộ Tài chính hướng dẫn.

 

Theo Bùi Sưởng

ĐTCK