Thừa Thiên-Huế:

“Rì-sọt” bị rao bán, công nhân vạ lây

(Dân trí) - Lấy lý do nâng cấp, sửa chữa toàn bộ Khu du lịch Abalone Resort & Spa, Công ty TNHH Thuận An đã cho khoảng 70 công nhân nghỉ việc không lương từ tháng 11/2008 trong khi lương và các chế độ khác của nhiều tháng trước vẫn chưa thanh toán.

Khu du lịch và nghỉ mát suối nước khoáng Abalone Resort & Spa được đưa vào hoạt động từ năm 2004, do Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Du lịch Thuận An (Công ty Thuận An) làm chủ đầu tư, với tổng số vốn lên tới 50 tỷ đồng.

Tuy nhiên, do việc làm ăn thua lỗ kéo dài của Abalone, Thuận An đã lần lượt ra quyết định cho nghỉ việc không lương đối với gần 100 công nhân, mới đây nhất là ngày 1/11/2008.

Anh Nguyễn Cữu Bình, một công nhân bảo trì của Abalone vừa “được nghỉ", cho biết: “Sáng 1/11 chúng tôi vẫn đi làm bình thường thì “sếp” gọi lên họp và được thông báo: Bắt đầu từ ngày 1/11 công nhân sẽ nghỉ không lương để khu nghỉ dưỡng nâng cấp toàn diện”.

Khi mới khai trương Abalone có tới gần 150 nhân viên, nhưng do chế độ đã ngộ thấp (trung bình 800.000 đồng/tháng) nên nhân viên nghỉ việc dần. Sau đợt cho nghỉ việc không lương hàng loạt ngày 1/11, hiện nay khu resort này chỉ còn 19 nhân viên để duy trì, bảo dưỡng đề phòng hư hỏng, trộm cắp.
 
Tuy nhiên theo quan sát của PV mấy ngày gần đây, khu resort Abalone gần như để hoang, không có dấu hiệu sửa chữa, nâng cấp.
 
“Rì-sọt” bị rao bán, công nhân vạ lây - 1

 
Hàng chục công nhân đang lâm vào cảnh khốn đốn như anh Bình và anh Tài (Ảnh: H.K).

Anh Phạm Phước Phương Tài, công nhân bảo trì, nói thêm: “Hiện nay công ty còn nợ lương công nhân tới 3 tháng chưa trả. Ngoài ra, nhiều tháng chúng tôi đóng BHXH, BHYT nhưng mãi không được cấp sổ vì công ty không chuyển tiền sang BHXH để làm thủ tục”.

Anh Tài cũng cho biết, ngoài những tháng lương nợ, công ty thường xuyên vi phạm hợp đồng về thời gian trả lương hàng tháng cũng như cắt giảm các khoản phụ cấp xăng xe, đi lại của công nhân.

Khi PV đề nghị cho xem hợp đồng lao động để tìm hiểu mức độ vi phạm luật lao động của Abalone resort thì các công nhân cho biết: “Hợp đồng có 3 bản nhưng công ty đưa cho ký hồi đầu năm xong thì thu lại cả”.

Được biết, ngày 5/11 công ty đã mời các công nhân đến để thanh toán tiền lương nhưng chỉ trả 1 tháng, 3 tháng (tháng 8-9/2007 và tháng 10/2008) vẫn còn nợ.

Trao đổi với PV Dân trí qua điện thoại, ông Lê Doãn Thành, Trưởng Phòng tổ chức Thuận An thừa nhận việc nợ lương công nhân và giải thích nguyên nhân do làm ăn thua lỗ. Ông Thành cho biết, giám đốc hứa sẽ thanh toán các khoản nợ này trong tháng 12.

Cũng theo ông Thành, khu resort này phải nghỉ để bảo dưỡng, nâng cấp do các hệ thống điện, nước, internet… đều xuống cấp. Nhưng theo tìm hiểu của PV, hiện Abalone resort đang được rao bán vì thua lỗ. Thông tin rao bán đấu giá Abalone đã được đăng tải trên một số báo chí, website từ tháng 9/2008.

Được biết, hiện Công ty Thuận An và Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) Thừa Thiên - Huế đang xúc tiến tìm đối tác để bán Abalone Resort với giá khoảng 40 tỷ đồng.

Nguyên nhân là khi đầu tư khu resort này, Thuận An đã vay của Vietcombank 35 tỷ đồng nhưng đến nay vẫn chưa trả được đồng nào. Trong trường hợp lần rao mà không tìm được người mua, Vietcombank sẽ tiếp quản resort này để xiết nợ.

Tin từ Thanh tra sở LĐ-TB&XH Thừa Thiên - Huế cho biết, hiện đoàn Thanh tra của sở đang tìm hiểu những vi phạm của Công ty Thuận An đối với tập thể người lao động tại Abalone resort.

Còn hầu hết người lao động cho rằng, họ cũng không còn tha thiết với lời hứa cho trở lại làm việc sau 6 tháng của công ty, mà chỉ cần được thanh toán nốt những khoản lương và chế độ công ty còn nợ.

Hồng Kỹ