Quảng Nam:
Rau "rớt" giá mạnh, nông dân ngậm ngùi nhổ cho bò ăn
(Dân trí) - Chưa kịp vui mừng vì giá rau tăng kỷ lục vào dịp Tết nguyên đán vừa qua, người dân làng rau truyền thống Lang Châu Bắc (xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) lại điêu đứng vì các loại rau rớt giá mạnh.
Những nông dân trồng rau xanh ở Lang Châu Bắc đang điêu đứng vì các loại rau rớt giá mạnh. Họ phải đứng trước hai lựa chọn: một là nhổ bỏ cho bò, heo ăn hoặc là để mặc ngoài đồng vì khai thác cũng không đủ tiền trả công lao động.
Ông Lê Đông Sang (trú thôn Lang Châu Bắc, xã Duy Phước, Duy Xuyên) cho biết: “Trước và sau Tết một tháng giá rau vẫn đang ở mức tăng kỷ lục do miền Bắc rét đậm kéo dài, người dân mừng và phấn khởi lắm. Nhưng từ 20 tháng giêng đến giờ giá rau bắt đầu giảm mạnh, hiện giờ giá rau giảm 6-7 lần so với dịp Tết. Tính ra mỗi sào người dân thiệt hại hàng triệu đồng tùy loại”.
Theo ông Sang, trong Tết giá rau tăng cao, rau muống 60 ngàn/chục nay giảm còn 10 ngàn/chục, mồng tơi từ 70-80 ngàn/chục giảm xuống 15 ngàn/chục, rau dền từ 60-70 ngàn/chục xuống còn 15 ngàn/chục, giá bầu từ chỗ 7-10 ngàn/kg giờ chỉ còn 2 ngàn/kg khiến người trồng không có lãi…
Hiện nay giá khổ qua giảm từ 20 ngàn/kg xuống còn 10 ngàn/kg vẫn có thể chấp nhận được nhưng các loại rau màu khác giảm quá mạnh khiến người dân điêu đứng, đành nhìn thành quả mình bỏ ra trôi sông, trôi biển.
Ông Lê Trung Thanh (trú Lang Châu Bắc, Duy Phước) đã phải phá bỏ sào mồng tơi vừa đến vụ thu hoạch của mình để chuyển đổi sang trồng bắp. Theo ông cho biết, giá phân bón, công lao động chăm sóc, cắt tỉa cho rau không bù lại tiền rau bán ra.
Với giá rau thấp như hiện nay thì ông đành chọn phương án cắt về cho bò ăn chứ để ngoài đồng mãi cũng không được gì, phải phá đi để chuyển đổi sang cây khác may ra còn tốt hơn.
Bà Trần Thị Tuyết – một người làm rau ở đây - chia sẻ: “Mấy ngày trước giá bầu còn cao nhưng 2 ngày nay giá rớt thê thảm chỉ còn 2 ngàn/kg. Với giá này chỉ có thể cắt bỏ, hoặc bán tống bán tháo chứ không đủ chi phí công lao động của gia đình chứ chưa nói thuê người làm. Tính ra mỗi công lao động, tiền phân bón… là 700 ngàn nhưng thu lại chỉ được 70 ngàn, như vậy thì lấy gì mà làm ăn nữa”.
Do giá rau quá rẻ nên nhiều hộ gia đình phá bỏ hoặc bán đổ, bán tháo để sang gieo trồng các cây trồng cạn khác như bắp, cà tím…
Vốn là những loại cây chủ lực, dễ tiêu thụ của vùng rau truyền thống Lang Châu Bắc nhưng hiện giờ rau muống, mồng tơi, rau dền đang đứng trước nguy cơ phá bỏ hàng loạt. Người tiếc của thì cố gắng tranh thủ bỏ công làm lời, bán đồng nào hay đồng nấy; người chán nản, muốn chuyển đổi sang trồng cây khác thì đành phá bỏ những luống rau với bao mồ hôi, công sức mình bỏ ra để mang về cho heo, bò ăn.
Nguyên nhân rau rớt giá mạnh theo người dân ở đây cho biết là do nguồn cung vượt cầu, trong khi thị trường tiêu thụ chững lại và giảm xuống. Bên cạnh đó, vốn là một vùng sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, nhưng từ 2 năm nay người dân phải tự sản xuất, tự cung ứng, giá rau lên xuống phụ thuộc chủ yếu vào thương lái thu mua.
N.Linh - C.Bính